1. Tổng quan về Thừa Thiên Huế và tài nguyên đất Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam có tọa độ ở 16-16,8 độ vĩ Bắc và 107,8-108,2 độ kinh Đông. Diện tích của tỉnh là 5.053,99 km². Thừa Thiên Huế giáp tỉnh Quảng Trị về phía Bắc, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp dãy Trường Sơn và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thừa Thiên Huế cách Hà Nội 654 km, Nha Trang 627 km và Thành phố Hồ Chí Minh 1.071 km.

Thừa Thiên Huế có tổng diện tích tự nhiên là 505.399 ha, trong đó diện tích đất là 468.275 ha; hồ, ao, đầm, sông suối, núi đá là 37.124 ha. Đất đồi núi chiếm trên 3/4 tổng diện tích tự nhiên, còn đất đồng bằng duyên hải chỉ dưới 1/5 tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đất đai tại đây khá đa dạng, được hình thành từ 10 nhóm đất khác nhau. Nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất với 347.431ha, chiếm 68,7% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích đất bằng bao gồm đất thung lũng chỉ có 98.882 ha, chiếm 19,5% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó diện tích đất cần cải tạo bao gồm: đất cồn cát, bãi cát và đất cát biển; nhóm đất phèn ít và trung bình, mặn nhiều; nhóm đất mặn; nhóm đất phù sa úng nước, đất lầy và đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ có đến 59.440 ha, chiếm 60% diện tích đất bằng. Diện tích đất phân bố ở địa hình dốc có 369.393 ha (kể cả đất sói mòn trơ sỏi đá).

 

2. Cách thức phân loại đất để định giá đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 80/2019/QĐ-UBND về phân loại đất để định giá đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024 như sau:

Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:

- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

- Đất trồng cây lâu năm;

- Đất rừng sản xuất;

- Đất nuôi trồng thủy sản;

- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:

- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

- Đất phi nông nghiệp khác quy định tại Khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai.

 

3. Xác định vị trí đất để định giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Xác định vị trí đất nông nghiệp để định giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 80/2019/QĐ-UBND về xác định vị trí đất nông nghiệp để định giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024 như sau:

Việc xác định vị trí đất căn cứ vào năng suất cây trồng, điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác (đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất); khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm (đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất) được xác định 03 vị trí.

(1) Vị trí 1: Là vị trí mà tại đó các thửa đất có các yếu tố và điều kiện thuận lợi nhất.

(2) Vị trí 2: Là vị trí mà tại đó các thửa đất có điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác kém hơn so với vị trí 1 (đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất); khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm có xa hơn so với vị trí 1 (đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất).

(3) Vị trí 3: Là vị trí không thuận lợi về giao thông; năng suất cây trồng thấp; điều kiện tưới tiêu không chủ động; không có kết cấu hạ tầng và các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác; xa nơi cư trú người sử dụng đất, xa thị trường tiêu thụ tập trung sản phẩm.

Xác định khu vực, vị trí để xác định giá đất tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 80/2019/QĐ-UBND về xác định khu vực, vị trí để xác định giá đất tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024 như sau:

Việc xác định đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn thì việc xác định vị trí đất theo từng đường, đoạn đường hoặc khu vực căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại và được phân thành nhiều nhất 3 khu vực, 3 vị trí.

Xác định loại đô thị, loại đường phố, vị trí đất và phân loại đường phố tại đô thị để định giá đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 80/2019/QĐ-UBND về xác định loại đô thị, loại đường phố, vị trí đất và phân loại đường phố tại đô thị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024 như sau:

(1) Xác định loại đô thị: Căn cứ vào quyết định thành lập của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phân loại:

- Thành phố Huế: Đô thị loại I.

- Thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thị trấn Thuận An mở rộng thuộc huyện Phú Vang: Đô thị loại IV.

- Các thị trấn (Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Lăng Cô, Khe Tre, A Lưới) trong tỉnh: Đô thị loại V.

(2) Xác định loại đường phố, vị trí đất:

- Xác định loại đường phố: Căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực:

+ Đối với thành phố Huế, các phường thuộc thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà: Được xác định 5 loại đường phố, căn cứ vào lợi thế kinh doanh mỗi loại đường phố được chia làm 3 nhóm đường loại A, B, C.

+ Đối với thị trấn: Được xác định cho 4 loại đường phố, căn cứ vào lợi thế kinh doanh mỗi loại đường phố được chia làm 3 nhóm đường A, B, C.

- Xác định vị trí đất: Việc xác định vị trí đất theo từng đường; đoạn đường căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh và được xác định 04 vị trí để định giá đất.

(3) Phân loại đường phố tại đô thị.

- Đường phố loại 1: Loại đường phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuận lợi nhất; đặc biệt thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; là nơi có khả năng sinh lợi đặc biệt cao.

- Đường phố loại 2: Loại đường phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thuận lợi; rất thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; là nơi có khả năng sinh lợi rất cao.

- Đường phố loại 3: Loại đường phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nhiều thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; là nơi có khả năng sinh lợi cao.

- Đường phố loại 4: Loại đường phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ; thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; là nơi có khả năng sinh lợi khá cao.

- Đường phố loại 5: Loại đường phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật chủ yếu; tương đối thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; là nơi có khả năng sinh lợi.

- Đối với các tuyến đường chưa đủ tiêu chuẩn để phân loại theo các Điểm a, b, c, d, đ khoản 3 Điều này thì được xếp vào nhóm đường còn lại.

 

4. Bảng giá đất Thừa Thiên Huế mới nhất 

Theo khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ.

Ngày 21 tháng 12 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 80/2019/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh. Quyết định số 80/2019/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 và có hiệu lực đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, vì vậy Bảng giá đất tỉnh Thừa Thiên Huế được áp dụng theo quy định tại Quyết định này.

Sau đây, Luật Minh Khuê tin tổng hợp và đưa ra Bảng giá đất Thừa Thiên Huế mới nhất phục vụ cho tra cứu giá đất thổ cư, nông nghiệp, mời quý bạn đọc tải về và tham khảo:

>> Tải ngay: Bảng giá đất Thừa Thiên Huế mới nhất 

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến vấn đề: Bảng giá đất Thừa Thiên Huế và tra cứu giá đất thổ cư, nông nghiệp. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6162  để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.