Mục lục bài viết
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Quyền con người là gì?
Quyền con người là vấn đề được nhiều quốc gia và Liên hợp quốc quan tâm đặc biệt. Từ khi thành lập (năm 1945) đến nay, Liên hợp quốc đã ban hành hàng trăm văn kiện pháp lý về quyền con người. Qua các văn kiện đó cho thấy quyền con người đã trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý phổ biến mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia cam kết tôn trọng và thực hiện.
Hiện nay, có nhiều định nghĩa về quyền con người. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc cho rằng: Quyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, sự được phép (entitlement) và tự do cơ bản của con người.
Bên cạnh đó, quyền con người còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người (Theo Hỏi đáp về quyền con người, Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012). Như vậy, ở Việt Nam, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.
2. Nghĩa vụ quốc gia về quyền con người
Nghĩa vụ quốc gia về quyền con người thể hiện ở những điểm sau:
- Nghĩa vụ tôn trọng quyền con người yêu cầu các quốc gia không được tùy tiện tước bỏ, hạn chế can thiệp vào việc hưởng thụ các quyền con người được pháp luật quy định, kể cả can thiệp trực tiếp và gián tiếp;
- Nghĩa vụ bảo vệ quyền con người yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền con người của các bên thứ ba. Đây là yêu cầu mang tính chủ động của nhà nước với những biện pháp xây dựng cơ chế phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền con người;
- Nghĩa vụ thực hiện quyền con người đòi hỏi các quốc gia có những biện pháp, kế hoạch, chương trình cụ thể hỗ trợ công dân để họ có thể hưởng thụ đầy đủ các quyền con người. Đây cũng là yêu cẩu mang tính chủ động.
Trong lĩnh vực pháp luật, quyền con người, quyền công dân là hai phạm trù được hiểu khác nhau. Phạm trù quyền con người rộng hơn phạm trù quyền công dân, nó không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước mà thể hiện mối quan hệ cá nhân với cộng đồng nhân loại. Còn phạm trù quyền công dân xuất hiện trong cách mạng tư sản, khi con người từ địa vị “thần dân” đã trở thành công dân có địa vị bình đẳng trong xã hội. Như vậy, quyền công dân chính là quyền con người được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng pháp luật, chủ yếu dành cho những người mang quốc tịch của quốc gia đó. Quyền công dân bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, thông qua chế định pháp lý đặc biệt là quốc tịch.
Phát triển quyền con người là một xu hướng phổ biến nhằm thúc đẩy cuộc sống và chất lượng sống của con người, hiện thực hóa tự do chính đáng thông qua việc tăng cường cơ hội và năng lực của mỗi con người. Tự do của con người là khả năng có thể và khả năng thực hiện hành động theo ý chí, nguyện vọng của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội trong một xã hội dân chủ, với các nguyên tắc pháp quyền mà không bị cản trở.
Với tầm quan trọng của quyền con người, đã hình thành cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc tế, cấp độ khu vực và cấp độ quốc gia. Đối với cơ chế ở cấp độ quốc gia, có 02 dạng chính: 1) Ủy ban quốc gia về quyền con người (National Commissions of Human Right) với tên gọi khác nhau, bao gồm nhiều thành viên đại diện cho nhóm xã hội, nghề nghiệp nhằm bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử, thúc đẩy các quyền dần sự và chính trị; 2) Thanh tra (Obudsman) là một cơ chế quốc gia thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Hình thức này được tổ chức ở Đan Mạch, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Áo...
3. Ý nghĩa của việc bảo đảm quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
3.1. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì?
Trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở các nước trên thế giới, có thể thấy khá nhiều quan niệm về nhà nước pháp quyền. Chẳng hạn, “Nhà nước pháp quyền là một nhà nước gắn chặt với pháp luật và được hợp pháp hóa bởi pháp luật”. “Nhà nước pháp quyền là toàn thể một quốc gia có trách nhiệm thực hiện công lí, phục tùng pháp luật và quan tâm đặc biệt đến việc tôn trọng các quyền của con người và nguyên tắc tương ứng”.
Ở Việt Nam, quan niệm về nhà nước pháp quyền cũng khá phong phú. Chẳng hạn, có tác giả quan niệm rằng, nhà nước pháp quyền “là Nhà nước thừa nhận tẩt cả các đạo luật và văn bản dưới luật do cơ quan lập pháp và Chính phủ (trong khuôn khổ thẩm quyền của nó) đặt ra, đó là Nhà nước bị hạn chế bằng pháp luật, Nhà nước đứng trong pháp luật, chứ không phải Nhà nước đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật”.
Tác giả khác lại quan niệm rằng, “Nhà nước pháp quyền là tổ chức công quyền trong hệ thống chính trị của xã hội công dân được xây dựng trên nền tảng các tư tưởng pháp lí tiến bộ của nhân loại như công bằng, nhân đạo, dân chủ và pháp chế, nhằm đảm bảo thực sự những giả trị xã hội được thừa nhận chung của nền văn minh thế giới - sự tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người, sự ngự trị của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, sự phân công quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và chủ quyền nhân dân”...
Từ những quan niệm nêu trên cũng như xuất phát từ biểu hiện của những nhà nước pháp quyền trong thực tiễn, có thể khẳng định, nhà nước pháp quyền trước tiên phải là nhà nước theo đúng nghĩa của từ này - tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, tổ chức công quyền của xã hội. Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ quyền nhân dân, có cơ chế phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tự do cá nhân.
Tóm lại, nhà nước pháp quyền là nhà nước đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, được tổ chức, hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng và các nguyên tắc chủ quyền nhân dân, phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm quyền con người, tự do cá nhân, công bằng, bình đẳng trong xã hội.
3.2. Ý nghĩa quan trọng của bảo đảm quyền con người trong nhà nước pháp quyền XHCN
Việc bảo đảm quyền con người có ý nghĩa rất quan trọng, đó là điều kiện để phát triển tự do của con người trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội, để mọi người được hưởng các quyền dân sự và chính trị một cách bình đẳng, có cơ hội bình đẳng nêu ra quan điểm và ý kiến mang tính chất xây dựng khi tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của đất nước.
Việc bảo đảm quyền con người còn có vai trò rất to lớn trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của con người. Bảo đảm có hiệu quả quyền con người sẽ hỗ trợ cho mỗi người tránh được sự đe dọa bởi bạo lực, áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật và những rủi ro bất thường khác; đồng thời được sống trong môi trường kinh tế, xã hội văn minh, lành mạnh, môi trường tự nhiên trong lành, thể hiện tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, quan điểm về quyền con người của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện rõ tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân". Quyền con người được hình thành từ bản sắc văn hóa Việt Nam, từ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, từ nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ những nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người mang giá trị phổ quát, được các dân tộc thừa nhận và từ thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc đổi mới tư duy chính trị - pháp lý đã khẳng định rằng quyền con người là giá trị chung của nhân loại, không phải sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. “Đó là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”. Tuy nhiên, “trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm nhân quyền mang tính giai cấp sâu sắc”. Nhân quyền vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, “nhân quyền luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác”. Vì vậy, “khi tiếp cận và xử lý các vấn đề nhân quyền cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác”. Chúng ta cũng quan niệm rất rõ rằng nhân quyền và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất vì “quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền tự quyết định vận mệnh của mình”.
Để bảo đảm chắc chắn quyền con người, cần có một hệ thống quy phạm pháp luật điểu chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quyền con người. Khi nói về quyền con người, thì quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm. “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
Một vấn đề rất quan trọng đặt ra là các quyền con người cần phải được tôn trọng và được thực hiện trên thực tế. Điều đó khẳng định trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân ngày ở Chương II của Hiến pháp, chỉ sau chương quy định về chế độ chính trị, đã thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc đề cao quyền tự nhiên của con người; đồng thời, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Đó là quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật, quyền không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của những người bị Tòa án tước tự do; quyền được xét xử công bằng, quyền được bồi thường khi bị cơ quan nhà nước và công chức nhà nước gây thiệt hại về vật chất và tinh thần...
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận một nguyên tắc mang đậm tính pháp quyền và nhân văn, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi một đạo luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều đó đã đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để mọi người tự bảo vệ và thực hiện quyền con người, quyền công dân của mình.
Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi về nội dung “Ý nghĩa của bảo đảm quyền con người trong nhà nước pháp quyền XHCN”. Bạn đọc có vướng mắc về pháp lý cần hỗ trợ vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê (Sưu tầm & biên tập)