Mục lục bài viết
- 1. Thế nào là hợp đồng mượn tài sản?
- 2. Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản
- 3. Bên mượn có được quyền cho người khác mượn lại tài sản không?
- 4. Bên mượn có phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản không?
- 5. Bên cho mượn tài sản có nghĩa vụ gì?
- 6. Bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp nào?
1. Thế nào là hợp đồng mượn tài sản?
Nằm trong các giao dịch nhằm mục đích chuyển giao quyền sử dụng tài sản, "Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được" (Điều 494 Bộ luật dân sự 2015)
Đặc trưng nổi bật của hợp đồng mượn là không có tính chất đền bù. Đây cũng là điểm đặc trưng phân biệt giữa hợp đồng mượn tài sản với hợp đồng thuê tài sản. Do đó, nếu bên thuê tài sản có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tài sản thì bên mượn tài sản không có nghĩa vụ thanh toán tiền cho bên cho mượn. Hết hạn hợp đồng, bên mượn tài sản chỉ có nghĩa vụ trả lại tài sản cho bên cho mượn tài sản.
Động cơ đế các bên xác lập hợp đồng mượn tài sản thường xuất phát từ việc tương trợ, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Hợp đồng mượn tài sản không mang tính kinh tế như hợp đồng thuê tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản là một hợp đồng thực tế vì nó phát sinh hiệu lực khi có sự chuyển giao tài sản. Do đó, nếu hợp đồng đã được giao kết mà bên cho mượn chưa chuyển giao tài sản thì hợp đồng mượn chưa phát sinh hiệu lực đối với các bên.
2. Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản
Theo quy định tại Điều 495 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 495. Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản
Tất cả những tài sản không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.
Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là các loại tài sản đáp ứng điều kiện chung đối với tài sản là đối tượng họp đồng dân sự như không thuộc danh mục tài sản cấm lưu thông, người cho mượn có thẩm quyền cho mượn... Bên cạnh đó, do tính chất của hợp đồng mượn tài sản là bên mượn tài sản chỉ được sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định và phải hoàn trả lại chính tài sản đó nên các vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng này. Vật tiêu hao là các vật không còn giữ nguyên tính năng, công dụng thậm chí không còn tồn tại về mặt thực tế sau một lần sử dụng. Do đó, vật tiêu hao sẽ không đảm bảo được việc hoàn trả lại tài sản của bên mượn cho bên cho mượn.
Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản được quy định chung chung là “tài sản không tiêu hao” mà theo quy định của Điều 105 Bộ luật dân năm 2015, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tuy nhiên, xét cả về phương diện lý luận và thực tiễn, đối tượng của hợp đồng mượn tài sản chỉ bao gồm: vật và quyền tài sản (ví dụ: quyền sử dụng đất); còn tiền và giấy tờ có giá không thể trở thành đối tượng của hợp đồng mượn tài sản vì theo chức năng của hai loại tài sản này, việc sử dụng đồng thời với việc định đoạt nên bên mượn không thể trả lại chính những tài sản này khi kết thúc thời hạn mượn.
3. Bên mượn có được quyền cho người khác mượn lại tài sản không?
Điều 496 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của bên mượn "không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn."
Về nguyên tắc, bên mượn tài sản là chủ thể trực tiếp khai thác, sử dụng tài sản. Việc để cho chủ thể khác mượn lại chỉ được thực hiện nếu bên cho mượn đồng ý. Quy định nghĩa vụ này giúp hạn chế việc chuyển giao quyền sử dụng cho bất kỳ người thứ ba nào khác nằm ngoài ý chí của bên cho mượn tài sản. Như vậy, quy định này gián tiếp bảo vệ quyền cho bên mượn tài sản trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng tài sản của mình.
==> Bên mược chỉ được phép cho người thứ ba mược lại nếu được người cho mượn đồng ý.
Ngoại ra bên mượn còn có một số nghĩa vụ sau đây:
- Nghĩa vụ trả lại tài sản mượn đúng thời hạn: Thời hạn trả lại tài sản được các bên thỏa thuận trong hợp đồng mượn. Bên mượn có nghĩa vụ trả lại tài sản đúng với thời điểm đã thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn trả thì ngay khi đạt được mục đích sử dụng tài sản, bên mượn phải trả lại cho bên cho mượn tài sản. Ví dụ: A mượn xe máy của B để lai con đi thi đại học. Mặc dù A và B không thỏa thuận cụ thể về thời điểm trả lại xe máy nhưng theo quy định này, A phải trả lại xe máy cho B khi con A đã thi xong đại học.
- Nghĩa vụ gánh chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời hạn chậm trả: Trong thời hạn chậm trả, nếu tài sản bị rủi ro dẫn đến mất hoặc giảm sút giá trị thì bên mượn có nghĩa vụ gánh chịu. Điều này đồng nghĩa, bên cho mượn tài sản có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với phần giá trị tài sản bị mất hoặc bị giảm sút.
4. Bên mượn có phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản không?
Hao mòn tự nhiên của tài sản là phần giá trị tài sản bị giảm sút dưới tác động của quy luật tự nhiên trong quá trình sử dụng tài sản. Phần giá trị này giảm sút không lệ thuộc vào việc quản lý, sử dụng tài sản của bên mượn tài sản. Do đó, pháp luật không buộc bên mượn tài sản phải gánh chịu phần chi phí bù đắp cho các hao mòn này.
Theo Điều 497 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 497. Quyền của bên mượn tài sản
1. Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
2. Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thỏa thuận.
3. Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.
5. Bên cho mượn tài sản có nghĩa vụ gì?
Bên cho mượn tài sản là chủ thể có quyền chuyển giao tài sản của mình cho bên mượn tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Theo Điều 498 Bộ luật dân sự 2015 thì bên cho mượn có các nghĩa vụ sau:
Điều 498. Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản
1. Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có.
2. Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thỏa thuận.
3. Bồi thường thiệt hại cho bên mượn nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.
Gắn với hành vi chuyển giao tài sản, bên chuyển giao tài sản có nghĩa vụ thông báo các thông tin liên quan đến tài sản. Phạm vi thông tin phải thông báo là mọi thông tin trừ các thông tin mà bên được chuyển giao phải biết. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng tặng cho... đều quy định nghĩa vụ này. Hợp đồng mượn tài sản, pháp luật cũng ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến việc sử dụng tài sản hoặc các khuyết tật của tài sản cho bên mượn tài sản.
Nghĩa vụ thanh toán chi phí sửa chữa, làm tăng giá trị tài sản: Nghĩa vụ này của bên cho mượn tương đồng với quyền của bên mượn tài sản liên quan đến việc thanh toán chi phí sửa chữa hoặc làm gia tăng giá trị tài sản. Nghĩa vụ thanh toán chi phí sửa chữa hoặc gia tăng giá trị tài sản thuộc về bên cho mượn tài sản.
Khi tài sản có khuyết tật mà bên mượn tài sản không thể biết và không buộc phải biết dẫn đến trong quá trình sử dụng, khuyết tật này gây thiệt hại cho bên mượn tài sản thì phần giá trị thiệt hại này sẽ do bên cho mượn gánh chịu.
6. Bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản trong trường hợp nào?
Bên cạnh hai nghĩa vụ cơ bản được quy định tại Điều 498 Bộ luật dân sự 2015, bên cho mượn tài sản có các quyền được quy định tại Điều 499 Bộ luật dân sự 2015, Cụ thể:
- Quyền đòi lại tài sản từ bên mượn: Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận cụ thể, bên cho mượn tài sản có quyền đòi lại tài sản trong các trường hợp sau:
+ Ngay khi bên mượn đạt được mục đích thuê khi không có thỏa thuận về thời hạn mượn tài sản. Khi bên mượn tài sản đạt được mục đích mượn sau khi sử dụng tài sản thì bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản. Điều này đồng nghĩa, bên mượn tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho bên cho mượn ngay khi đạt được mục đích thuê và bên cho mượn có yêu cầu trả.
+ Bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn: Hợp đồng mượn tài sản là hợp đồng không có tính chất đền bù, bên mượn được khai thác, sử dụng tài sản không phải trả một giá trị vật chất nào nên pháp luật cho phép bên cho mượn được đòi lại tài sản nếu chủ thể này có nhu cầu sử dụng đột xuất và cấp bách. Ghi nhận quyền này của bên cho mượn tài sản hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của các bên cũng như lợi ích các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
+ Đòi lại tài sản khi bên mượn tài sản sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận. Khi bên mượn tài sản vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản đúng mục đích, công dụng, cách thức sử dụng tài sản, bên cho mượn có quyền đòi lại tài sản cho mượn của mình nhằm bảo đảm giá trị sử dụng, tình trạng tài sản của mình.
+ Đòi lại tài sản khi bên mượn tài sản cho mượn lại với người thứ ba mà không có sự đồng ý của bên cho mượn, về nguyên tắc, bên mượn tài sản chỉ được cho mượn lại tài sản nếu được bên cho mượn đồng ý. Do đó, khi bên cho mượn tài sản chưa đồng ý mà bên mượn tài sản đã cho mượn lại thì pháp luật cho phép bên cho mượn được đòi lại tài sản. Quyền này của bên cho mượn tài sản được ghi nhận đảm bảo việc bảo quản, giữ gìn tài sản mượn
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra: trong trường hợp bên mượn tài sản có lỗi, gây thiệt hại đối với tài sản mượn thì bên cho mượn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ghi nhận quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại có ý nghĩa bảo vệ lợi ích cho bên cho mượn tài sản. Đồng thời, quy định này cũng buộc bên mượn tài sản có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo quản tài sản mượn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Trân trọng./.