1. Bảo lĩnh

1.1 Khái niệm

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự thay thế cho biện pháp tạm giam được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can, bị cáo khi có cá nhân hoặc tổ chức làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Biện pháp bảo lĩnh này thường được áp dụng khi không cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nghiêm khắc hơn đối với bị can, bị cáo mà vẫn có thể bảo đảm cho họ không tiếp tục phạm tội mới, không có hoạt động cản trở điều tra, truy tố, xét xử và có mặt khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

1.2 Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu trong trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cứ trú rõ ràng và không có biểu hiện hoạt động cản trở, điều tra truy tố, xét xử.

1.3 Căn cứ và điều kiện áp dụng

Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh phải thỏa mãn những căn cứ, điều kiện sau đây:

- Khoản 1 Điều 121 quy định: Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”. Theo đó biện pháp bảo lĩnh được áp dụng đối với bị can, bị cáo thỏa mãn những căn cứ sau:

  • Bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng.
  • Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng.

- Phải có cá nhân hoặc tổ chức đứng ra bảo lĩnh. Sự bảo lĩnh của cá nhân hay tổ chức phải là sự tự nguyên, các cơ quan tiến hành tố tụng không được áp đặt, bắt buộc cá nhân hay tổ chức phải nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

- Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người thân thích của họ và có ít nhất hai người đứng ra bảo lĩnh. Người bảo lĩnh là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh. Người nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Trong giấy cam đoan, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết.

- Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan tổ chức. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết.

1.4 Thẩm quyền áp dụng

Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh là những người có chức vụ trong các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cụ thể được xác định như sau:

- Thủ trưởng, Phó thủ trường Cơ quan điều tra các cấp (đối với trường hợp này quyết định phải được Viện kiểm sát phê duyệt trước khi thi hành);

- Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp’

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử;

- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

1.5 Thủ tục áp dụng

Khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh cần phải tiến hành theo các thủ tục sau đây:

- Có sự đồng ý tự nguyện của tổ chức hoặc những cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo và phải có sự tiến hành kiểm tra, xác minh tư cách của họ đủ điều kiện để bảo lĩnh cho bị can, bị cáo hay không.

- Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc nhận bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

- Thống báo cho tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh biết các tình tiết của vụ án; các quyền và nghĩa vụ của họ và trách nhiệm khi họ vi phạm các quyền và nghĩa vụ đó;

- Tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan nêu rõ không để bị can tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra, truy tố, xét xử và có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có vi phạm các cam kết.

- Cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định cho bảo lĩnh.

- Trong quá trình thực hiện việc bảo lĩnh, tổ chức hoặc cá nhân nhận bảo lĩnh thấy rằng không thể bảo đảm được những cam kết do bị can, bị cáo không nghe theo những lời khuyên bảo của họ hoặc là do những hoàn cảnh khách quan nào đó thuộc về bản thân của tổ chức này hay cá nhân nhận bảo lĩnh thì họ có thể làm đơn xin ngừng bảo lĩnh. Và trên cơ sơ đơn của tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn thích hợp khác.

- Cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh mà thực hiện các hành vi vi phạm nghĩa vụ đã được cam kết thì phải chịu trách nhiệ về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được bảo lĩnh sẽ bị áp dụn các biện pháp ngăn chặn thay thế khác.

2. Đặt tiền để bảo đảm

2.1 Khái niệm

Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự để thay thế biện pháp tạm giam do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áo dụng đối với bị can, bị cáo bằng việc cho phép bị can, bị cáo hoặc người thân thích của bị can, bị cáo đặt một khoản tiền nhất định nhằm bảo đảm sự có mặt cảu họ theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng và ngăn ngừa họ có hoạt động cản trở việc điều tra, giải quyết vụ án.

2.2 Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu trong trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng và không có những biểu hiện cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2.3 Căn cứ và điều kiện áp dụng

Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh phải thỏa mãn những căn cứ, điều kiện, cụ thể căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã  hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo. Theo đó biện pháp đặt tiền để bảo đảm được áp dụng đối với bị can, bị cáo thỏa mãn những căn cứ sau:

- Bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng;

- Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng

- Bị can, bị cáo hoặc người thân thích phải đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của mình theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng.

2.4 Thẩm quyền áp dụng

Thẩm quyền áp dụng biện pháp được quy định là những người có chức vụ trong Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án cụ thể được quy định tại Khoản 3 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự, như sau:

“3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”.

Vậy những người có thẩm quyền ra quyết định bao gồm:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

2.5 Về thủ tục áp dụng

Bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có những nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền đề nghị bằng văn bản với cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo.

Sau khi nhận được đơn trong thời hạn 3 ngày làm việc cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, dù thấy có đủ hay không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hay không thù đều phải ra thông báo cho bị can, bị cáo, người thân thích hoặc người đại diện của bị can, bị cáo biết.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của các cơ quan tiến hành tố tụng trả lời đơn xác định bị can, bị cáo đủ điều kiện được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo phải hoàn thành việc đặt tiền.

Trong trường hợp nộp tiền tại Kho bạc nhà nước thù người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo mang theo thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm, để Kho bạc nhà nước kiểm tra và làm các thủ tục nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc của Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Trường hợp nộp tiền tại các cơ quan tài chính trong quân đội thì cơ quan nhận tiền có trách nhiệm lập biên bản giao nhận tiền nộp, có chữ ký xác nhận của bên nộp tiền, bên nhận tiền.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được liên giấy nộp tiền, Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo và gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Luật Minh Khuê