1. Khái quát vai trò của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ quyền con người

Nhân quyền (hay quyền con người; tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó để bảo vệ các quyền tự do đó – các quyền mà mọi cá nhân "hiển nhiên có" do sự tồn tại của mình.

Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành nghiên cứu, soạn thảo các báo cáo, đề xuất các khuyến nghị, đưa ra các quyết định, chuẩn bị các dự thảo công ước quốc tế, tổ chức các hội nghị quốc tế để thông qua các công ước liên quan đến quyền con người.

Trong nhiều trường hợp, LHQ thực hiện một số chức năng cụ thể nhằm kiểm tra việc thực hiện các cam kết, của các quốc gia trong việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong các công ước quốc tế.

Ý tưởng về tư duy nhân đạo mới đang được LHQ quan tâm đặc biệt đã trở thành trung tâm các giá trị văn minh của nhân loại.

2. Vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Theo Điều 13 của Hiến chương LHQ, Đại hội đồng tiến hành nghiên cứu và đề xuất các kiến nghị với mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ và thực hiện việc thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả không phân biệt màu da, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo.

Một bộ phận lớn các vấn đề về các quyền của con người được Ủy ban về các vấn đề văn hoá, xã hội và nhân đạo của Đại hội đồng xem xét trước.

Báo cáo chính hàng năm của Đại hội đồng về việc tuân thủ chung các quyền và tự do cơ bản của con người được thông qua với tính chất là các nghị quyết mặc dù chỉ mang tính khuyên nghị song chúng đề cập tới các khía cạnh quan trọng của nhân quyền và thể hiện như các đánh giá chung của cộng đồng quốc tế. Ví dụ, Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về việc lên án chế độ Apacthai ở Nam Phi.

3. Hội đồng kinh tế xã hội

Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ cũng có vai trò không nhỏ trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Hội đồng đã đề xuất các khuyến nghị nhằm khuyến khích sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của con người, soạn thảo các dự thảo các công ước quốc tế về nhân quyền và tổ chức các hội nghị quốc tế nhằm thông qua chúng.

Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhân danh LHQ ký các thỏa thuận với các tổ chức quốc tế chuyên môn (ví dụ, Tổ chức Lao động thế giới, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của LHQ) về việc đảm bảo quyền con người trên thế giới. Các tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc thảo luận các vấn đề về quyền con người. Hội đồng kinh tế - xã hội là trung tâm phối hợp các hoạt động của các tổ chức ấy thông qua sự tham vấn vối họ và đề xuất các kiến nghị. Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhận các báo cáo thường kỳ về hoạt động của các tổ chức trên và các thông báo về các biện pháp họ đã áp dụng nhằm thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng và Đại hội đồng LHQ.

Công việc chính của Hội đồng trong lĩnh vực nhân quyền được thực hiện thông qua sự trợ giúp của các cơ quan giúp việc của Hội đồng. Theo Điều 68 Hiến chương LHQ, Hội đồng đã thành lập (vào năm 1946) hai ủy ban chức năng là ủy ban Nhân quyền và ủy ban về các quyển của phụ nữ.

Ủy ban Nhân quyền bao gồm các đại diện của các quốc gia do Hội đồng Kinh tế - Xã hội bầu. ủy ban này tiến hành họp hàng năm, thông qua các quyết định về nhân quyền theo nguyên tắc quá bán. ủy ban có đóng góp to lớn trong việc soạn thảo các công ước quốc tế về nhân quyền, các văn bản pháp lý quốc tế khác về lĩnh vực này. Tại các cuộc họp của ủy ban, các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền con người các quốc gia được đưa ra thảo luận và đề xuất các quyết định nhằm ngăn chặn và loại trừ. Các vi phạm nhân quyền loại trừ như vậy, thường là những vi phạm xuất phát từ các chính sách xâm lược, diệt chủng, phân biệt chủng tộc, các tội các chiến tranh (ví dụ, ở Nam Phi, Chi lê, Xanvađo, Campuchia, Ruganđa).

Hội đồng Kinh tế - Xã hội ủy quyền cho ủy ban Nhân quyền thành lập các tổ chuyên viên, ví dụ, nhóm chuyên viên xem xét tình hình vi phạm nhân quyền Nam Phi vào thời kỳ còn duy trì ở đó chế độ Apacthai.

4. Cơ quan về phòng ngừa sự kỳ thị và bảo vệ các dân tộc thiểu số

Năm 1947, một cơ quan giúp việc cho ủy ban Nhân quyền được thành lập - Cơ quan về phòng ngừa sự kỳ thị và bảo vệ các dân tộc thiểu số. Cơ quan này bao gồm các chuyên viên do ủy ban Nhân quyền bầu và làm việc với tư cách cá nhân. Cơ quan giúp việc tiến hành họp hàng năm. Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan này là tiến hành điều tra và đề xuất các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự kỳ thị dưới bất kỳ dạng nào trong lĩnh vực các quyền và tự do cơ bản của con người và bảo vệ các nhóm người bị đối xử phân biệt dưới bất kỳ sự khác biệt gì như màu da, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Để tiến hành các hoạt động điều tra như vậy, cơ quan giúp việc chỉ định các chuyên viên của mình. Một trong các kết quả của các cuộc điều tra như vậy là báo cáo Những hậu quả xấu do sự trợ giúp về chính trị, kinh tế và quân sự cho chính quyền Apatthai ở Nam Phi vào các năm 70 của thế kỷ XX.

Nhóm quyền hạn của ủy ban Nhân quyền và Tiểu ban về ngăn ngừa sự kỳ thị và bảo vệ các dân tộc thiểu số đã được mở rộng trên cơ sở các Nghị quyết của Hội đồng Kinh tế - Xã hội số 1235 (XLII) 1967 và 1503 (XI.XIII) 1970 liên quan tới các vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trên cơ sở các khiếu nại về vấn đề này.

Các khiếu nại như vậy được chuyển tới Ban thư ký của LHQ từ các cá nhân, các đại diện của họ (các luật sư), các tổ chức xã hội ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế phi chính phủ. Các khiếu nại như vậy được chuyển đến nhóm của Tiểu ban Nhân quyền để tiến hành điều tra sự vi phạm nhân quyền ở các quốc gia nơi các khiếu nại đề cập.

Đa phần những vi phạm như vậy là tội giết người hàng loạt, tra tấn, bức cung, tù đày không thông qua sự xét xử của toà án, đàn áp lực lượng đối lập, áp dụng các biện pháp tình trạng giới nghiêm với dụng ý xấu Tiểu ban Nhân quyền chuyển các khiếu nại lên ủy ban Nhân quyền. Sau đó, ủy ban sẽ thông qua các quyết định về các biện pháp cần được tiến hành ở các quốc gia này hoặc quốc gia khác. Trong trường hợp quyết định đó được ủy ban Nhân quyền thông qua và chuyển tới Hội đồng Kinh tế - Xã hội để ra quyết định cuối cùng thì khi đó vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng Hội đồng có thể ra nghị quyết yêu cầu các quốc gia hữu quan.

5. Ủy bản về quyền phụ nữ và Ủy ban nhân quyền

Ủy ban về quyền phụ nữ bao gồm các đại diện các quốc gia được thành lập năm 1946 đã thông qua các khuyến nghị và báo cáo Hội đồng về bảo vệ quyền phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân sự, xã hội và giáo dục. ủy ban này đã đề xuất Hội đồng thông qua các quyết định khẩn cấp về các vấn đề quyền phụ nữ với mục đích đưa vào cuộc sống nguyên tắc không phân biệt đối xử về giới tính.

Trên cơ sở Điều 28 Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị, ủy ban Nhân quyền tiến hành hoạt động, ủy ban bao gồm các chuyên gia được chọn từ các quốc gia thành viên với tư cách cá nhân xem xét các báo cáo của các quốc gia thành viên về các biện pháp mà họ đã áp dụng nhằm thực thi các cam kết được ghi nhận trong Công ước. Sau khi xem xét các báo cáo, ủy ban Nhân quyền LHQ đưa ra nhận xét về chúng và đề xuất để các quốc gia thành viên có các biện pháp cần thiết nhằm thực thi tốt cam kết.

Xem xét các báo cáo trên của các quốc gia thành viên có ý nghĩa quan trọng và công cụ hữu hiệu của việc kiểm tra sự tuân thủ các quyền con người.

6. Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc

Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc được thành lập trên cơ sở Điều 8 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc tiến hành hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Theo Điều 9 Công ước, các quốc gia thành viên phải báo cáo ủy ban về các biện pháp đã thực hiện như lập pháp, tư pháp, hành pháp nhằm thực hiện các cam kết trong Công ước. ủy ban trình báo cáo hàng năm cho Đại hội đồng và đưa ra các đề xuất và kiến nghị trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo của các quốc gia thành viên.

Một hình thức quan trọng trong việc xem xét các báo cáo của ủy ban là phân tích các nguồn pháp luật quốc nội của các quốc gia thành viên trên cơ sở đối chiếu với các quy định của Công ước về chống phân biệt chủng tộc. Ví dụ, ủy ban đã rút ra nhận xét rằng trong các nguồn quốc nội của pháp luật quốc gia một loạt nước thiếu vắng các quy định được ghi nhận trong Công ước về việc tuyên bố các tổ chức phân biệt chủng tộc là các tổ chức bất hợp pháp và mọi sự truyền bá bất kỳ tư tưởng gì về phân biệt chủng tộc là hành vi tội phạm.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)