1. Người lao động được hiểu như thế nào?

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019)

 

2. Thế nào là tai nạn lao động?

Tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (Khoản 8 Điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015)

Một số loại tai nạn lao động: 

Tai nạn lao động làm chết người lao động (tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp: chết tại nơi xảy ra tai nạn, chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu, chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y, người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những tấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP

Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ là tai nạn lao động còn lại không thuộc hai trường hợp trên.

 

3. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng cho người lao động, người lao động không chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn. Hầu hết những vụ tai nạn lao động xảy ra ở các ngành nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như xây dựng công trình, điện, ...

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động mặc dù dã được quan tâm nhưng chưa thường xuyên và chưa thực sự có hiệu quả. Một số địa phương chưa thường xuyên lãnh đạo, tổ chức thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện còn ít, việc thực hiện thanh tra chưa nghiêm, một số doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ còn coi thường pháp luật, chưa chấp hanh nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Nhiều nơi còn sử dụng máy móc lạc hậu, hỏng hóc, công tác vệ sinh chưa thực sự đảm bảo.

 

4. Quy định của pháp luật về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật lao động: (Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên

- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên

- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

 

5. Các loại trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động

- Trợ cấp một lần tai nạn lao động: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần (Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động). Mức trợ cấp một lần được tính bằng tổng mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động và mức trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

* Mức trợ cấp 1 lần = [5 x mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng + (mức suy giảm khả năng lao động - 5) x 0,5 x mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng] + [0,5 x mức tiền lương đóng bảo hiểm + (tổng số năm đóng bảo hiểm - 1) x 0,3 x mức tiền lương đóng bảo hiểm]

- Trợ cấp hàng tháng tai nạn lao động: mức trợ cấp hàng tháng bằng tổng mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động và mức trọ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

* Mức trợ cấp hàng tháng = [0,3 x  mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng + (mức suy giảm khả năng lao động - 31) x 0,02 x mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng] + [0,005 x mức tiền lương đóng bảo hiểm + (tổng số năm đóng bảo hiểm - 1) x 0,003 x mức tiền lương đóng bảo hiểm]

* Chằng hạn: anh A trên đường tan ca về nhà bị tai nạn giao thông vào 10/11/2019. Sau khi điều trị thương tật, anh A được giám định suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 60%. Anh A đã đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 10 năm, mức tiền lương đóng bảo hiểm thời điểm đó là 3.400.000 đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.490.000 đồng/ tháng. anh A được hưởng mức trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng được tính: 

Mức trợ cấp hàng tháng = [0,3 x 1.490.000 + (60 - 31) x 0,02 x 1.490.000 = 1.311.200] + [0,005 x 3.400.000 + (10 - 1) x 0,003 x 3.400.000 = 108.800] = 1.420.000 (đồng/ tháng)

- Trợ cấp một lần khi đang hưởng trợ cấp hàng tháng mà ra nước ngoài định cư: mức trợ cấp một lần bằng ba tháng mức trợ cấp đang hưởng. Mức trợ cấp 1 lần = 3 x mức trợ cấp đang hưởng.

* Chẳng hạn như trường hợp anh A trên thì mức trợ cấp hưởng 1 lần khi anh A muốn ra nước ngoài định cư = 3 x 1.420.000 = 4.260.000 đồng

- Tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: khi người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật, chỉ định của cơ sở khám, chữ bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng. Người lao động được hưởng khoản chi phí này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng có thẩm quyền.

- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị: mức trợ cấp mỗi ngày = 30% x mức lương cơ sở

* Trong thời gian 30 ngày đầu làm việc sau khi điều trị mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức từ 05 - 10 ngày. Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên. Tối đã 07 ngày đối với người lao động bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%. Tối đa 05 ngày đối với người lao động bị tai nạn lao động suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%

- Trợ cấp phục vụ: Người lao động bị tai nạn lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trên còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Đây là khoản phụ cấp tăng thêm

- Trợ cấp một lần khi chết: người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn đến chết hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

* Ngoài ra thân nhân người lao động còn được hưởng chế độ tử tuất khi: người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Tham khảo thêm một số bài viết liên quan đến chủ đề người lao động bị tai nạn lao động:

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn pháp luật mà Luật Minh Khuê gửi tới quý khách hàng về vấn đề trợ cấp tai nạn lao động. Còn bất kỳ điều gì vướng mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua tổng đài 24/7, gọi số 1900.6162 hoặc gửi email tới địa chỉ: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất từ Luật Minh Khuê. Chúng tôi rất hân hạnh nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.