1. Hiến chương Liên Hợp quốc

Khi đề cập đến các văn bản pháp lý quốc tế về vấn đề quyền con người, trước hết phải nói tới Hiến chương Liên hợp quốc - Hiến pháp của cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ quyền con người.

Theo Điều 55 Hiến chương, Liên hợp quốc có nhiệm vụ khuyến khích và thúc đẩy:

a. Việc nâng cao mức sống, bảo đảm cho mọi người đều có công ăn việc làm cùng những điều kiện tiến bộ và phát triển trong lĩnh vực Kinh tế - Xã hội;

b. Việc giải quyết những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế và những vấn đề liên quan khác; sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực văn hoá và giáo dục;

c. Sự tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Điều 56 quy định tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Như vậy, với việc thành lập Liên hợp quốc, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại vấn đề quyền con người và hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người được đề cập đến trong một điều ước quốc tế đa phương toàn cầu. Từ đây lịch sử vấn đề bảo vệ quyền con người đã bước sang trang mới ở phạm vi toàn thế giới.

Ngoài Hiến chương của mình, Liên hợp quốc còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các văn kiện quốc tế về quyền con người.

2. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người

Hiến chương Liên hợp quốc mặc dù đã đề cập đến quyền con người ở phạm vi rộng nhưng cũng chỉ đưa ra các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, mà chưa đề cập đến một cách cụ thể những quyền nào của con người cần được bảo vệ cũng như biện pháp thực hiện như thế nào. Vì thế ngày 10/12/1948 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người. Tuyên ngôn là văn kiện đầu tiên không chỉ khẳng định các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc mà còn xác định cụ thể những quyển con người cần được tôn trọng và bảo vệ. Tuyên ngôn đã đề cập tới không chỉ các quyền dân sự, chính trị mà còn cả những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

Như vậy, với việc ra Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, Liên hợp quốc đã bước đầu thể hiện vai trò của mình là trung tâm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người trong thời đại mới.

Việc tuyên ngôn ghi nhận các quyền kinh tế - xã hội là một trong các quyền cơ bản của con người là một thắng lợi của các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Vì thế, Tuyên ngôn đã giành được sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, thường được các quốc gia viện dẫn như là một văn kiện có giá trị to lớn.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng trong đời sống quốc tế nhưng tuyên ngôn cũng chỉ là khuyến nghị mà không phải là điều ước quốc tế có giá trị pháp lý ràng buộc các quốc gia. vấn đề đặt ra là phải soạn thảo công ước quốc tế chung về quyền con người. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết giao cho các cơ quan của mình soạn thảo công ước này. Công việc này kéo dài 18 năm. Các nước tư bản luôn kiên trì quan điểm chỉ đưa vào công ước các quyền dân sự, chính trị mà không muốn đề cập tới các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Do tương quan lực lượng trong Liên hợp quốc vào những năm 1966 Liên hợp quốc đã soạn thảo và thông qua 2 công ước, đó là:

- Công ước về quyền dân sự và chính trị;

- Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

Các Công ước quốc tế năm 1966 về quyền con người đã chứng minh kinh nghiệm đầu tiên của cộng đồng quốc tế về xây dựng và thông qua các quy phạm về những quyền cơ bản của con người.

3. Công ước 1966 về các quyền dân sự và chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá

Điểm chung nhất mà cả hai Công ước đều để cập là: quyền dân tộc tự quyết; quyền bình đẳng của mọi người trong việc hưởng các quyền con người; cấm tuyên truyền chiến tranh xâm lược và mọi hành vi gây thù hằn dân tộc; nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải bảo đảm thực hiện và tôn trọng các quyền con người.

Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định con người có quyền được sống, quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể, không bị bắt bố tuỳ tiện, bình đẳng trước tòa án, tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tự do hội họp, lập hội; cấm lao động cưỡng bức, cấm tuyên truyền chiến tranh.

Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá quy định con người được hưởng các quyền: lao động, điều kiện lao động công bằng và thuận lợi, thành lập công đoàn, bảo đảm xã hội, được giúp đỡ về y tế, học tập, tham gia vào đời sống văn hoá.

Trong tất cả các Công ước quốc tế về quyền con người đều quy định các quốc gia thành viên có trách nhiệm ban hành các văn bản pháp luật và áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện trong cuộc sống các nội dung cam kết, đồng thời định kỳ báo cáo trước các uỷ ban liên quan của Liên hợp quốc về việc thực hiện các Công ước này.

Luật quốc tế hiện đại coi sự vi phạm thô bạo hàng loạt các quyền và tự do cơ bản của con người là tội phạm quốc tế, đe doạ hoà bình và an ninh thế giới. Vì thế cuộc đấu tranh chống sự vi phạm thô bạo quyền con người là một hướng hoạt động của Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân quyền.

Liên hợp quốc trong hoạt động của mình đã soạn thảo và thông qua hàng loạt điều ước quốc tế, trong đó có các quy định về cấm tội phạm quốc tế vi phạm thô bạo quyền con người, đó là:

- Công ước về phòng ngừa và trừng trị tội diệt chủng (1948);

- Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa (1960);

- Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1965);

- Công ước về không áp dụng thời hiệu đối với tội phạm chiến tranh và tội ác chống loài người (1968);

- Công ước về ngăn chặn và trừng trị chủ nghĩa Apacthai (1973)...

4. Công ước về phòng ngừa và trừng trị tội diệt chủng

Công ước ngăn ngừa và xử phạt tội ác diệt chủng là thỏa thuận quốc tế được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 9 tháng 12 năm 1948 với nội dung xác nhận rằng diệt chủng là tội ác được thực hiện bằng các hành vi như: giết, xâm phạm đến sự toàn vẹn thể chất hoặc tinh thần của các thành viên trong tập thể, cố ý bắt các tập thể phải sống trong những điều kiện dẫn đến việc biến mất cả cộng đồng, thực hiện các các biện pháp cản trở việc sinh đẻ của cộng đồng, cưỡng bức chuyển trẻ em từ cộng đồng này sang cộng đồng khác. Người thực hiện, người đề ra chủ trương, cổ vũ, mưu toan thực hành dù là người lãnh đạo nhà nước, là quan chức hay thường dân mà phạm tội ác diệt chủng đều bị đưa ra xét xử và trừng trị.

5. Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Vào tháng 12 năm 1960, sau một loạt các sự cố bài xích do thái ở một số nơi trên thế giới, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án "mọi biểu hiện và hành vi của hận thù chủng tộc, tôn giáo và quốc gia" là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền và kêu gọi các chính phủ của tất cả các quốc gia "áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn mọi biểu hiện của lòng căm thù chủng tộc, tôn giáo và quốc gia". Hội đồng Kinh tế và xã hội đã tiếp theo động thái này bằng cách soạn thảo một nghị quyết về "biểu hiện của thành kiến chủng tộc và không khoan dung về dân tộc và tôn giáo ", kêu gọi các chính phủ giáo dục công chúng chống lại không khoan dung và hủy bỏ các luật phân biệt đối xử. Việc thiếu thời gian đã ngăn cản Đại hội đồng xem xét nghị quyết này trong năm 1961, nhưng nó đã được thông qua trong năm tiếp theo.

Trong cuộc tranh luận ban đầu về nghị quyết này, các quốc gia châu Phi gồm nhóm Cộng hòa Trung Phi, Chad, Dahomey, Guinea, Bờ Biển Ngà, Mali, Mauritanie, và Thượng Volta đã kêu gọi có hành động cụ thể hơn về vấn đề này, nằm dưới hình thức của một công ước quốc tế chống phân biệt chủng tộc. Một số quốc gia muốn có một tuyên ngôn chứ không phải là một văn kiện ràng buộc, trong khi những quốc gia khác muốn giải quyết cả phân biệt chủng tộc và tôn giáo trong một văn kiện chung. Cuối cùng, vừa để thỏa mãn yêu cầu của phe đối lập chính trị tại các quốc gia Ả Rập đòi hỏi giải quyết bất dung tôn giáo đồng thời với bất dung chủng tộc, cũng như để thỏa mãn quan điểm của quốc gia khác cho rằng vấn đề bất khoan dung tôn giáo đã ít khẩn cấp hơn, hai nghị quyết đã ra đời cùng lúc, một nghị quyết yêu cầu xây dựng một tuyên ngôn và dự thảo một công ước nhằm loại bỏ sự phân biệt chủng tộc, nghị quyết kia yêu cầu tương tự về khoan dung tôn giáo.

Dự thảo Tuyên ngôn về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc đã được thông qua bởi Đại hội đồng về ngày 20 tháng 11 năm 1963. Cùng ngày Đại hội kêu gọi Hội đồng Kinh tế và Xã hội và Ủy ban Nhân quyền soạn thảo Công ước về các chủ đề một ưu tiên tuyệt đối. Bản dự thảo đã được hoàn thành vào giữa năm 1964, nhưng sự chậm trễ trong Đại hội đồng có nghĩa rằng nó không thể được thông qua vào năm đó. Cuối cùng nó đã được thông qua vào ngày 21 tháng 12 năm 1965.

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) là một công ước của Liên Hợp Quốc. Là một văn kiện nhân quyền thế hệ thứ ba, Công ước cam kết các thành viên của mình để xóa bỏ phân biệt đối xử về chủng tộc và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các chủng tộc. Công ước cũng yêu cầu các quốc gia thành viên cấm phát biểu thù hận và hình sự hóa việc tham gia các tổ chức phân biệt chủng tộc.

Công ước cũng bao gồm một cơ chế khiếu nại cá nhân, qua đó thực thi công ước với các quốc gia thành viên. Cơ chế khiếu nại cá nhân này cũng đã đưa ra một số phán quyết hỗ trợ cho việc giải thích và thực hiện Công ước.

Công ước được thông qua và mở lấy chữ ký tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21 Tháng 12 năm 1965, và có hiệu lực từ ngày 04 Tháng 1 năm 1969. Tính đến tháng 9 năm 2019, Công ước có 181 quốc gia thành viên và 4 quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn.

Công ước này được giám sát bởi Ủy ban về xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD).

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)