Mục lục bài viết
Kính chào công ty Luật Minh Khuê, theo em tìm hiểu thì tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 sẽ bao gồm cả các khoản bổ sung khác. Vậy xin hỏi các khoản bổ sung khác doanh ghi chung chung như vậy vào hợp đồng lao động được không? Hay buộc phải ghi cụ thể? Ví dụ bên mình lương ở mức 20.000.000 đồng/tháng, mình tách ra tương đối như sau: - Lương tầm 5 triệu - Phụ cấp chức vụ, công việc 5 triệu - Các khoản bổ sung khác 5 triệu - Các chế độ và phúc lợi khác: Thưởng tháng 13, thưởng khác theo quyết định cụ thể Công ty. Cơm trưa 680.000, điện thoại 500.000; phụ cấp nhà ở 2.000.000, phụ cấp xăng 1.000.000 thì có được không?
Rất mong nhận được tư vấn từ công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người hỏi: Hồng Hương - TP.HCM
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động gọi:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý quy định tiền lương, mức đóng bảo hiểm xã hội
- Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH
2. Bảo hiểm xã hội là gì ?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Nguyên tắc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đó là: Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.
>> Tham khảo: Lương tham gia bảo hiểm xã hội là gì? Cách tính tiền lương đóng BHXH
3. Nội dung hợp đồng lao động
Căn cứ quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
"a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề."
Tiền lương chính là cơ sở để xác định mức đóng bảo hiểm cho người lao động, do đó, để xác định được việc ghi mức lương như thế nào trong hợp đồng lao động cần tìm hiểu thêm quy định về các khoản tiền lương phải đóng bảo hiểm xã hội.
>> Xem thêm: Thủ tục điều chỉnh tiền lương đóng BHXH khi tăng lương tối thiểu vùng?
4. Quy định mới nhất về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng trường hợp của bạn thuộc người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định như sau:
“2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.”
Khoản này được hướng dẫn tại Khoản 26 Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội áp dụng từ tháng 9 năm 2021 như sau:
“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đg thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).
Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
b2) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
c2) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
d) Hình thức trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động;
đ) Kỳ hạn trả lương do hai bên xác định theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động.
Theo đó, từ ngày 01/09/2021 mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ gồm những khoản sau:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
Bên cạnh đó tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định: "Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH."
>> Tham khảo: Tiền lương đóng BHXH có được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng?
5. Ghi tiền lương trong hợp đồng lao động
Như vậy, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác cần phải ghi vào hợp đồng lao động như sau:
- Mức lương: ghi mức lương theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng xây dựng theo quy định pháp luật; theo sản phẩm hoặc lương khoán (ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán).
- Phụ cấp lương: ghi các khoản bù đắp yếu tố vì điều kiện lao động không tốt, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ; gắn với quá trình làm việc hoặc kết quả làm việc bao gồm các khoản: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
- Các khoản bổ sung khác: xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc không xác định cụ thể.
- Các khoản phúc lợi khác: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật lao động 2019; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ tiền xăng xe, nhà ở, đi lại, nuôi con nhỏ, tiền giữ trẻ; Tiền hỗ trợ người lao động khi có người thân kết hôn, người thân chết, sinh nhật người lao động, hỗ trợ người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp và các khoản trợ cấp khác; Trợ cấp lương tháng 13;... Và lưu ý đối với ác khoản phúc lợi này không phải đóng BHXH.
6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong tham gia bảo hiểm xã hội
1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.