Mục lục bài viết
1. Tại sao phải kiểm tra đất có tranh chấp hay không?
Chúng ta luôn biết rằng đất là một loại tài sản có giá trị vô cùng lớn, thường thì người mua sẽ phải bỏ ra khoản tiền vô cùng cao để có thể mua được. Vì vậy tâm lý của người dân khi đi mua đất đều mong muốn thửa đất đó phải "sạch" để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người đi mua. Cũng vì đó mà pháp luật về đất đai có quy định việc đất không có tranh chấp là điều kiện tiên quyết để nhà nước công nhận những giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo đó, khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 có quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013
- Đất không có tranh chấp
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án
- Đất vẫn trong thời hạn sử dụng đất
Nhưng làm thế nào để kiểm tra một cách chính xác nhất đất đó có thật sự không có tranh chấp không thì người dân vẫn đang hết sức hoang mang, không biết có giấy tờ nào xác nhận được tính pháp lý của thửa đất không? Vậy bài viết này chính là dành cho quý khách, mời quý khách hãy cùng theo dõi phần thứ 2 ngay sau đây của bài viết để tìm ra lời giải đáp cho chính mình:
2. Có những cách nào để kiểm tra đất không có tranh chấp?
Hiện nay có 04 cách phổ biến nhất và chính xác nhất để người dân có thể kiểm tra xem đất có tranh chấp hay không. Cụ thể sẽ là các cách sau đây:
- Thứ nhất, người dân có thể liên hệ đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc liên hệ trực tiếp công chức địa chính xã, phường, thị trấn nơi có đất để hỏi xem có ai đang gửi đơn giải quyết tranh chấp hay không hoặc tranh chấp đất trên thực tế (có tranh chấp nhưng chưa gửi đơn)
- Thứ hai, người dân có thể hỏi thăm, hỏi dò những người dân, hàng xóm xung quanh hay người sử dụng đất liền kề để có thêm "manh mối" về tình trạng thửa đất này. Rất nhiều người dân khi áp dụng cách này đã có được thêm rất nhiều thông tin khá hữu ích về thửa đất trên thực tế ngoài việc xác định xem đất có tranh chấp hay không
- Thứ ba là người dân có thể liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự để tìm hiểu xem thửa đất có liên quan đến việc thi hành bản án giải quyết tranh chấp đất đai hay không
- Và cuối cùng là người dân có thể xin thông tin đất đai tại Văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất
Với bốn cách trên, người dân có thể thuận tiện lựa chọn cho mình cách thức phù hợp nhất. Đối với cá nhân Luật Minh Khuê, chúng tôi nhận thất rằng cách thứ tư là thực hiện chính xác nhất và đầy đủ nhất. Còn cách thứ nhất và cách thứ hai lại dễ dàng thực hiện nhất. Như vậy tùy vào tính chất của mỗi cách thức mà quý khách có thể đưa ra sự lựa chọn sao cho phù hợp nhất.
3. Thủ tục kiểm tra đất có tranh chấp
Căn cứ Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT quy định cách thức để tiến hành thủ tục kiểm tra đất có tranh chấp hay không như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Thực chất hồ sơ ở đây chỉ đơn giản là một phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu đến cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo Mẫu số 01/PYC bàn hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT
Bước 2: Nộp phiếu:
Người dân có thể nộp văn bản hoặc phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai bằng việc nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai hoặc gửi qua đường công văn, fax, bưu điện hoặc cũng có thể gửi qua thư điện tử, qua cổng thông tin đất đai
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý:
Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai sẽ tiếp nhận và xử lý sau đó thông báo nghĩa vụ tài chính trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Trong trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết về việc từ chối
Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu
Thời hạn cùng cấp dữ liệu đất đai được thực hiện theo quy định sau:
- Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp cho người dân thông tin về đất đai ngay trong ngày. Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo
- Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin thì thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu bằng hình thức hợp đồng.
4. Có mất phí khi kiểm tra đất có tranh chấp không?
Về loại phí này hiện nay sẽ do các tỉnh, thành phố quy định về mức thu nên sẽ có sự chênh lệch về phí giữa các nơi. Dưới đây Luật Minh Khuê sẽ đưa ra một số mức phí tại một số tỉnh thành để quý khách tiện tham khảo thêm:
- Đối với Thành phố Hà Nội: Tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND có quy định mức thu như sau:
+ Đối với tổ chức là 300 ngàn đồng một hồ sơ/ một lần
+ Đối với hộ gia đình, cá nhân là 150 ngàn đồng một hồ sơ/ một lần
Mức thu phí trên không bao gồm chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu
- Đối với Thành phố Hồ Chí Minh: theo Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND quy định mức thu là 200 ngàn đồng một hồ sơ/ một lần. Riêng hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng sẽ được miễn.
- Thành phố Đà Nẵng: tại Nghị quyết số 52/2016/NQ-HĐND có quy định mức thu như sau:
+ Phục vị khai thác thông tin đất đai dưới hình thức cấp bản sao hoặc cấp chứng thực lưu trữ sẽ thu 25 ngàn đồng cho một văn bản
+ Phục vụ khai thác thông tin đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin địa chính (10 thửa) sẽ thu 40 ngàn đồng cho một văn bản
- Thành phố Cần Thơ: Theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND có quy định mức thu sẽ căn cứ theo số trang là 20 ngàn đồng một trang, đối với thửa đất vfa văn bản thứ hai trở đi sẽ thu thêm 2 ngàn đồng một trang.
Ngoài ra, quý khách có nhu cầu có thể tham khảo thêm một số bài viết sau đây của Luật Minh Khuê sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến xác nhận đất không có tranh chấp:
Đất đang tranh chấp có bán được không? Mua bán bằng đất giấy viết tay có hợp pháp ?
Đất đang tranh chấp có được thừa kế được không ?
Đất đang tranh chấp có được làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không ?
Tư vấn xử lý tranh chấp đất chưa có sổ đỏ và xây dựng trái phép trên đất đang có tranh chấp?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cách kiểm tra đất đai có đang bị tranh chấp hay không? do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khải. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý liên quan khác, quý khách hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc
Nếu quý khách muốn báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quýt khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!