Trả lời:
Trọng tài phi chính phủ đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỉ XX(Hội đồng trọng tài ngoại thương ra đời năm 1963 theo Nghị định số 59/CP ngày 30/4/1963 và Hội đồng trọng tài hàng hải ra đời năm 1964 theo Nghị định số 153/CP ngày 05/10/1964 của Hội đồng Chính phủ) và đã được các nhà kinh doanh trong nước, ngoài nước biết đến như một hình thức giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả. Có được điều này là bởi pháp luật điều chỉnh hoạt động trọng tài qua thời gian đã khá hoàn thiện. Đến thời điểm hiện tại, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động trọng tài là Luật Trọng tài thương mại năm 2010 hầu như tương thích với các quy định của Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế (sửa đổi năm 2006) và luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt mà trọng tài phải tuân thủ khi thụ lý giải quyết các tranh chấp. Nếu vi phạm nguyên tắc, việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài sẽ vi phạm pháp luật và không có giá trị đối với các chủ thể tham gia, không được nhà nước bảo hộ. Cụ thể, theo Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài bao gồm:
Nguyên tắc thứ nhất: Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội
Đây là nguyên tắc thể hiện sự tự do ý chí của các chủ thể khi lựa chọn ưọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Khác với việc giải quyết tranh chấp thương mại tại toà án, khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, các bên tranh chấp có quyền tự do thỏa thuận lựa chọn hình thức trọng tài, Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên... sẽ giải quyết tranh chấp cho mình. Việc thỏa thuận lựa chọn trọng tài của các bên được lập thành văn bản, hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản, gọi là thỏa thuận trọng tài. Quy định này không chỉ được ghi nhận ở Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam, mà còn được ghi nhận ở luật trọng tài của các nước (Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Điều 7(2) Luật mẫu; Điều 5 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 1443 Luật Trọng tài Pháp; Điều 178 Luật Trọng tài Thụy Sỹ; Điều 1031 Luật Trọng tài Đức). Thỏa thuận trọng tài thể hiện ý chí muốn giải quyết tranh chấp của cả hai bên (Điều 7 Luật mẫu; Điều 6 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 1442 Luật Trọng tài Pháp; Điều 1029 Luật Trọng tài Đức) và có thể lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp (Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Nếu lập trước khi tranh chấp phát sinh, thỏa thuận trọng tài có thể là một điều khoản của hợp đồng, nằm trong hợp đồng nhưng có tính độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài (Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Điều 7 Luật Trọng tài Anh năm 1996; Điều 178(3) Luật Trọng tài Thụy Sỹ), trừ trường hợp nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu cũng là nguyên nhân khiến thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Đây là quy định khá đặc biệt, vì điều khoản trọng tài là điều khoản về tố tụng, không phải là điều khoản về nội dung hợp đồng, do vậy hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Nếu lập sau khi tranh chấp phát sinh, thỏa thuận trọng tài được lập dưới hình thức một thỏa thuận riêng, thường là văn bản phụ lục hợp đồng, gắn kèm và phát sinh hiệu lực cùng với giá trị của hợp đồng chính. Dù lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp, thỏa thuận trọng tài cũng có giá trị trao quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên cho trọng tài và trọng tài phải tôn trọng thỏa thuận này khi được các bên lựa chọn.
Ngoài thỏa thuận lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp cho mình, các bên khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài còn có quyền thỏa thuận địa điểm xét xử, thời gian xét xử, ngôn ngừ xét xử, quy tắc tố tụng... và trọng tài phải tôn trọng sự lựa chọn đó, miễn là thỏa thuận của các bên không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội.
Nguyên tắc thứ hai: Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Đây không phải là nguyên tắc riêng của trọng tài, mà là nguyên tắc chung của tố tụng. Trong tố tụng toà án, nguyên tắc này được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 103), Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 (khoản 1 Điều 9), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 12): “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dãn sự, Thẩm phản giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là nguyên tắc đảm bảo việc xét xử của trọng tài nói riêng và cơ quan tài phán nói chung khách quan, vô tư, đúng pháp luật; là cơ sở quan trọng cho việc tuyên những phán quyết, bản án, quyết định đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nguyên tắc'trọng'tài viên độc lập, khách quan, vô tư, chỉ tuân theo quy định của pháp luật không chỉ được ghi nhận ở Luật Trọng tài thương mại năm 2010 hiện hành, mà đã được ghi nhận từ những văn bản pháp luật trước đây về trọng tài (Điều 6 Nghị định số 116/CP ngày 05/9/1994 của Chính phù về tổ chức vậ hoạt động của trọng .tài kinh tế; Điều 9 Điều lệ tổ chức Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003). Nguyên tắc này đã tạo niềm tin để các chủ thể kinh doanh khi phát sinh tranh chấp lựa chọn trọng tài hay toà án là cơ quan giải quyết cho mình.
Nguyên tắc thứ ba: Các bên tranh chấp đều bình đảng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Nguyên tắc các bên tranh chấp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cũng không phải là nguyên tắc riêng của trọng tài mà là nguyên tắc chung của tố tụng. Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 quy định:
“Toà án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giảo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tố chức đều bình đẳng trước toà án” (Điều 12).
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc này như sau:
‘‘Trong tổ tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tổ tụng trước toà án. Toà án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đảng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ tụng dân sự”.
Việc quy định nguyên tắc này thực sự có ý nghĩa đối với các bên ữanh chấp, bởi vì, nếu không đảm bảo quyền bình đẳng giữa các bên trong tố tụng, quyền lợi của các bên tranh chấp sẽ không được bảo đảm. Ví dụ: một công ty nhà nước có vốn lớn, thuộc sở hữu và chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước, ngành nghề kinh doanh đa dạng... khi có tranh chấp vói một doanh nghiệp tư nhân có vốn nhỏ, ngành nghề kinh doanh đơn giản, trực thuộc địa phương quản lý..., cả hai bên tranh chấp đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước pháp luật. Khi đã đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài (cũng như toà án), họ sẽ là nguyên đơn, bị đơn của vụ kiện, có các quyền và nghĩa vụ tương ứng theo luật định mà không có sự phân biệt vốn nhiều hay ít, ngành nghề kinh doanh đa dạng hay đơn giản, thuộc sở hữu nhà nước hay thuộc sở hữu tư nhân...
Nguyên tắc thứ tư: Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Nguyên tắc xét xử không công khai (hay xét xử “kýn”) của tố tụng trọng tài được hiểu là: phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài được tiến hành không công khai, chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ tranh chấp mới được quyền tham dự. Do vậy, tất cả những chủ thể không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ franh chấp sẽ không được quyền tham dự, không được đưa tin, chụp ảnh, viết bài... về vụ tranh chấp đang được trọng tài giải quyết. Nguyên tắc này khiến việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài có thể đảm bảo được bí mật và giữ được uy tín của các bên tranh chấp, là ưu điểm của tố tụng trọng tài so với tố tụng toà án. Nguyên tắc xét xử không công khai của tố tụng trọng tài đối lập với nguyên tắc xét xử công khai của tố tụng toà án, bởi vì nguyên tắc xét xử của toà án là xét xử kịp thời, công bằng và công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mĩ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì toà án có thể xét xử kýn (Khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Chính ưu điểm có thể bảo đảm được bí mật và giữ được uy tín của các bên tranh chấp thông qua nguyên tắc xét xử không công khai mà trọng tài trở thành hình thức giải quyết tranh chấp được các nhà kinh doanh trên thế giới ưu chuộng và sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân, trọng tài vẫn chưa được nhiều nhà kinh doanh biết và tin tưởng lựa chọn để giải quyết tranh chấp cho mình khi tranh chấp xảy ra.
Nguyên tắc thứ năm: Phán quyết trọng tài là chung thẩm hay nguyên tắc xét xử một lần.
Nguyên tắc xét xử một lần là nguyên tắc đặc trưng của tố tụng trọng tài, đôi lập với nguyên tắc đảm bảo xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (Điều 6 Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014) của tố tụng toà án. Xét xử một lần nghĩa là khi trọng tài đã ra phán quyết, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngay mà không có kháng cáo, kháng nghị. Sở dĩ trọng tài không tồn tại nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hay xét xử hai cấp như toà án, bởi vì các Trung tâm trọng tài là độc lập, không có trọng tài cấp trên và không có trọng tài cấp dưới. Các Trung tâm trọng tài cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng và không trung tâm nào có thẩm quyền cao hơn để xem xét lại phán quyết trọng tài của trung tâm nào; khác với toà án được tổ chức theo một hệ thống từ Toà án nhân dân tối cao, toà án nhân dân cấp cao, toà án nhân dân cấp tỉnh đến toà án nhân dân cấp huyện (Điều 3 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014). Do vậy, xét xử một lần phù hợp với đặc trưng của trọng tài, kể cả trọng tài thường trực hay trọng tài vụ việc. Nguyên tắc này khiến việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài kết thúc nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa kéo dài vì phải qua nhiều cấp xét xử. Việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài, vì vậy, có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các bên khi đưa tranh chấp ra trọng tài và khiến trọng tài trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được các nhà kinh doanh ưa chuộng. Tuy nhiên, với nguyên tắc này, các chủ thể tranh chấp có thể không thực sự yên tâm vì nếu phán quyết trọng tài sai, phán quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành mà không có cơ hội sửa như bản án, quyết định của toà án. Điều này đòi hỏi các Trọng tài viên phải có trình độ chuyên môn giỏi; có kĩ năng, kinh nghiệm tranh tụng, đạo đức nghề nghiệp để đưa ra phán quyết chính xác, nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên và giữ gìn uy tín, nghề nghiệp trọng tài viên của chính mình.
Tóm lại, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình hoạt động của họng tài, buộc các Trọng tài viên cũng như các bên tham gia tranh tụng phải tuân thủ nghiêm túc khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Luật Minh KHuê (sưu tầm & biên tập)