1. Hao mòn, khấu hao tài sản cố định của cơ quan nhà nước

Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm :

- Tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

- Tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị  xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

- Tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

2. Phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao bao gồm :

- Tài sản cố định hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều phải tính hao mòn, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 điều này

- Các tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao gồm :

+ Tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư

+ Tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật

+ Tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc phạm vi quy định tại điểm a, điểm b khoản này được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật

- Không phải tính hao mòn, khấu hao đối với :

+ Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản quy định tại Điều 100 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP

+ Tài sản cố định đặc thù quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư này

+ Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được (bao gồm cả tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết)

+ Các tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được

- Đối với tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào hoạt động liên doanh, liên kết thì giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập để góp vốn liên doanh, liên kết được phân bổ vào chi phí liên doanh, liên kết hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư này.

 

3. Cách tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định

Căn cứ quy định tại điều 14 Thông tư 23/2023/TT-BTC thì cách tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định như sau :

a) Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định được xác định theo công thức (trừ trường hợp các quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này) :

Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm)

Trong đó, tỷ lệ hao mòn được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp  tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

b) Đối với tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 3 Điều 7 Thông tư này thì hao mòn của tài sản cố định được xác định như sau:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tài sản điều chuyển hoặc được giao nhiệm vụ lập phương án xử lý tài sản có trách nhiệm tính hao mòn tài sản đến năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản, để làm căn cứ xác định giá trị còn lại của tài sản giao, điều chuyển như sau:

+ Đối với trường hợp quy định tại điểm a.1 khoản 3 điều 6, điểm a.1 khoản 3 Điều 7, mức hao mòn hàng năm của tài sản được xác định theo công thức quy định tại khoản 1; số hao mòn luỹ kế được xác định theo công thức quy định tại khoản 8

+ Đối với trường hợp quy định tại điểm a.2, điểm a.3 khoản 3 Điều 6, điểm a.2 khoản 3 Điều 7, mức hao mòn đồng thời là số hao mòn luỹ kế của tài sản tính đến năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản được xác định theo công thức :

Mức hao mòn của tài sản cố định = Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định xác định theo công thức quy định tại khoản 1 x ( Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại theo quy định - Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo quy định hoặc thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại )

+ Đối với trường hợp quy định tại điểm a.4 khoản 3 Điều 6, điểm a.3 khoản 3 Điều 7, mức hao mòn đồng thời là số hao mòn luỹ kế của tài sản tính đến năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản được xác định theo công thức :

Mức hao mòn của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định - Giá trị còn lại của tài sản cố định theo đánh giá lại

+ Trường hợp năm bàn giao, tiếp nhận tài sản giao, điều chuyển khác với năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều chuyển tài sản thì phải tính bổ sung số hao mòn của thời gian từ năm trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao đến năm bàn giao, tiếp nhận tài sản; mức hao mòn của 01 năm xác định theo công thức tại khoản 1

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản giao, điều chuyển có trách nhiệm tính hao mòn tài sản từ năm tiếp nhận tài sản đưa vào sử dụng. Mức hao mòn hàng năm của tài sản xác định theo công thức tại khoản 1

c) Đối với tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa quy định tại khoản 5 Điều 6, khoản 5 Điều 7 Thông tư này thì mức hao mòn hàng năm xác định theo công thức khoản 1. Riêng năm đầu tiên ghi sổ kế toán tại cơ quan thì mức hao mòn của tài sản được xác định theo :

Mức hao mòn của năm đầu tiên ghi sổ kế toán = Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định xác định theo khoản 2 x ( Thời gian tính hao mòn của tài sản cùng loại theo quy định - Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo quy định hoặc thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại )

d) Đối với tài sản cố định có thay đổi nguyên giá thuộc trường hợp nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 thì áp dụng công thức :

Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi thay đổi x Tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại (% năm)

e) Đối với tài sản cố định có điều chỉnh, thay đổi nguyên giá theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 6 và điểm c, điểm d khoản 1 Điều 9 :

+ Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định từ năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá được xác định :

Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi điều chỉnh, thay đổi x Tỷ lệ hao mòn của tài sản cùng loại (% năm)

+ Trường hợp tại thời điểm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá đã hết thời gian tính hao mòn của tài sản theo quy định thì mức hao mòn của năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá được xác định :

Mức hao mòn hàng năm của năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá = Nguyên giá sau khi điều chỉnh - Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến năm liên trước năm điều chỉnh, thay đổi nguyên giá

f) Đối với tài sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 thì xác định :

Mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định sau khi thay đổi : Thời gian tính hao mòn còn lại của tài sản theo đánh giá lại

g) Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích của từng tài sản cố định được xác định theo công thức :

Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến ngày 31 tháng 12 năm n = Số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích tính đến ngày 31 tháng 12 năm (n-1)  +  Mức hao mòn, khấu hao tài sản cố định của năm n xác định theo quy định tại Thông tư

h) Số hao mòn tài sản cố định cho năm cuối cùng thuộc thời gian để tính hao mòn của tài sản cố định được xác định là hiệu số giữa nguyên giá và số hao mòn luỹ kế, khấu hao đã trích của tài sản cố định đó xác định theo quy định khoản 8.

Trên đây là toàn bộ thông tin Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Nếu còn điều gì vướng mắc hay gặp bất kì vấn đề pháp lý nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số hotline: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu cụ thể đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp kịp thời. Rất mong nhận được sự hợp tác. Trân trọng!