Mục lục bài viết
1. Khái quát về Thông tư số 23/2023/TT-BTC
Ngày 25/4/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm: tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này không điều chỉnh đối với: tài sản cố định đang thuê hoạt động; tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân khác; tài sản cố định là tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 64 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao đối với các tài sản này thực hiện theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do Nhà nước đầu tư, quản lý được giao cho đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Điểm mới Thông tư 23/2023 về tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định CQNN
Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn xác định tài sản cố định:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định tiêu chuẩn xác định tài sản là tài sản cố định được quản lý, tính hao mòn, khấu hao tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi thỏa mãn 02 điều kiện:
- Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
- Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên;
Tuy nhiên đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ được xác định là tài sản cố định khi đáp ứng 02 điều kiện:
- Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
- Đáp ứng điều kiện về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại tài sản cố định:
Về định nghĩa tài sản cố định vô hình:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2023/TT-BTC tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:
- Loại 1: Quyền sử dụng đất.
- Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
- Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
- Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
- Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, so với quy định tại Thông tư 45/2018/TT-BTC thì quy định mới không phân loại tài sản cố định vô hình theo loại tài sản cố định vô hình khác.
Về tài sản cố định theo nguồn gốc hình thành tài sản:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 23/2023/TT-BTC, tài sản cố định phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản gồm:
- Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
- Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
- Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
- Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
- Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
- Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết.
- Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Như vậy, quy định mới bổ sung tiêu chí phân loại tài sản theo nguồn gốc hình thành tài sản: Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định.
Sửa đổi quy định tài sản cố định đặc thù:
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 23/2023/TT-BTC về tài sản cố định đặc thù như sau:
- Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, so với Thông tư 45/2018/TT-BTC quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BTC bổ sung tài sản cố định đặc thù là tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...
Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu quản lý đối với những tài sản quy định nêu trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Danh mục tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 23/2023/TT-BTC) để thống nhất quản lý.
Bỏ 02 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao:
Căn cứ tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao, trong đó 04 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao gồm:
- Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị tài sản.
- Tài sản cố định đặc thù theo quy định;
- Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được;
- Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được
Như vậy, so với quy định cũ tại Thông tư 45/2018/TT-BTC thì Thông tư 23/2023/TT-BTC bỏ 02 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao là tài sản cố định đang thuê sử dụng và tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước.
3. Điều khoản chuyển tiếp của Thông tư số 23/2023/TT-BTC
Điều khoản chuyển tiếp của Thông tư số 23/2023/TT-BTC được quy định cụ thể như sau:
- Đối với tài sản cố định đã được theo dõi trên sổ kế toán của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trước ngày 10/6/2023, có thời gian để tính hao mòn, tỷ lệ hao mòn quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2023/TT-BTC hoặc quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thay đổi so với quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 45/2018/TT-BTC hoặc quy định trước ngày 10/6/2023 của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì từ năm tài chính 2023 thực hiện xác định mức hao mòn hàng năm của tài sản.
- Đối với tài sản cố định có thay đổi nguyên giá trước ngày 10/6/2023, đã xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản cố định để điều chỉnh sổ kế toán và thực hiện kế toán theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 45/2018/TT-BTC thì từ năm tài chính 2023 căn cứ nguyên giá đã xác định lại và đã thực hiện kế toán, căn cứ tỷ lệ hao mòn tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC để xác định mức hao mòn hàng năm của tài sản cố định.
- Đối với tài sản cố định đã có quyết định giao, điều chuyển trước ngày Thông tư số 45/2018/TT-BTC có hiệu lực thi hành (ngày 02/7/2018) mà trước khi giao, điều chuyển tài sản đó chưa được theo dõi trên sổ kế toán hoặc khi thực hiện bàn giao, tiếp nhận chưa đánh giá lại giá trị tài sản thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản có trách nhiệm đánh giá lại giá trị tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC để ghi sổ kế toán, xác định mức hao mòn hàng năm của tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 23/2023/TT-BTC để kế toán tài sản cố định từ năm tài chính 2023.
- Trường hợp từ năm 2018 đến năm 2022, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 103 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán từ năm tài chính 2023.
Xem thêm: Cách tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định CQNN theo quy định của Thông tư 23/2023/TT-BTC
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn!