Mục lục bài viết
1. Quan hệ đồng tính là gì?
Đồng tính là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người có xu hướng tình dục với người cùng giới tính với mình.
Xu hướng tình dục (sexual orientation) là sự hấp dẫn có tính bền vững của một người về phía những người khác giới, cùng giới hoặc cả hai giới.
- Người chịu sự hấp dẫn của người cùng giới tính gọi là người dị tính luyến ai.
- Người chịu sự hấp dẫn của người cùng giới tính gọi là người đồng tính luyến ái
- Người chịu sự hấp dẫn bởi cả hai giới gọi là người lưỡng tính luyến ái.
Trên thực tế mọi người thường gọi chung nhóm đối tượng "đồng tính" này với tên gọi là "Cộng đồng LGBT". "LGBT" là viết tắt các biểu hiện của cộng đồng người đồng tính gồm: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính), Transgender (chuyển giới).
Như vậy, quan hệ đồng tính là cụm từ dùng để chỉ mối quan hệ tình cảm giữa những người cùng giới tính với nhau.
2. Đồng tính có phải là bệnh lý?
Ngày 17/5/1990 Tổ chức y tế Thé giới WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi dánh sách bệnh Tâm thần. Điều đó đồng nghĩa rằng, đã có nhưng cơ sở để cho rằng đồng tính không phải là bệnh lý. Bên cạnh đó, Hiệp hội Tâm thần học HOa Kỳ cũng cho rằng đồng tính không phải là bệnh. Điều này xuất phát từ các nghiên cứu của các nhà khoa học và đi đến kết luận xu hướng tình dục là một yếu tố được quyết định độc lập bởi các vùng não bộ và đồng tính luyến ái bản chất là một biến thể bình thường về tính dục của con người, không phải là bệnh lý hay sự lệch lạc về tâm lý.
Thực tế người đồng tính sinh ra vẫn là một người nam hay một người nữ hoàn toàn từ nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, cơ quan sinh dục ngoài và có thể cả vẻ bề ngoài cũng theo đúng giới tính nam/nữ. Và họ vẫn nhận thức được rằng họ là nam hay nữ, song cảm xúc của họ lại chỉ thấy rung động với người cùng giới với mình.
Như vậy, có thể thấy đã có cơ sở khoa học để khẳng định đồng tính không phải là bệnh lý về cả mặt sinh học hay mặt tâm thần.
3. Cha mẹ có quyền ngăn cấm con có quan hệ đồng tính không?
Hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng một lần nghe được câu chuyện về bạn A, bạn B yêu bạn cùng giới bị cha mẹ cấm cản hay câu chuyện về nghệ sĩ C, nghệ sĩ D là người đồng tính chia sẻ về sự phản đối, không chấp nhận của cha, mẹ khi công khai xu hướng tình dục của mình. Điều đó để thấy rằng, tuy rằng đã có những cơ sở khoa học để chứng minh đồng tính không phải là bệnh lý hay là do yếu tố tâm lý song thực tế việc chấp nhận con mình là đồng tính với người làm cha, mẹ quả thật không dễ dàng gì.
Thậm chí có những trường hợp cha, mẹ cho rằng do con bị bệnh và nhất quyết đưa con đi điều trị, hoặc có những trường hợp cho rằng trong đám bạn con chơi cung có người đồng tính và nó ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của con từ đó cấm cản con chơi chung với những người bạn đó.
Điều này cũng không phải là khó hiểu, chúng ta hoàn toàn lý giải được vì sao cha, mẹ lại có phản ứng như vậy! Cha mẹ chưa có nhiều thông tin chính thống về người đồng tính, bản thân cũng không phải là người đồng tính để hiểu được ngọn nguồn vấn đề, và vì bố mẹ cho rằng điều này là trái ngược với lẽ tự nhiên cùng với đó là áp lực với dị nghị của những người xung quanh.
Mỗi cá nhân trong xã hội đều có quyền bình đẳng và tự do trong việc thiết lập các quan hệ xã hội như làm bạn với ai, làm việc với ai, yêu đương với ai.... Con cái trong mối quan hệ với cha, mẹ cũng vậy, con hoàn toàn có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống riêng tư của bản thân. Dẫu rằng cha, mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục. Song việc con là người đồng tính, có quan hệ đồng tính không phải là hành vi sai trái đạo đức, trái pháp luật (đạo đức và pháp luật chưa có ghi nhận nào cấm cản) do đó, cha mẹ cũng không có quyền được cấm cản con có quan hệ đồng tính.
4. Làm sao để cha mẹ dễ dàng chấp nhận con là người đồng tính?
Đây có lẽ là điều mà hầu hết những bạn đồng tính cân nhắc, đắn đo nhiều nhất trước khi quyết định công khai xu hướng tình dục của mình với gia đình. Bởi lẽ trên thực tế đã có quá nhiều trường hợp cha mẹ có phản ứng rất gay gắt, thậm chí từ mặt con.
Song cũng cần hiểu rằng, trên thế giới tại những quốc gia đã công nhận người đồng tính, hôn nhân đồng tính mà vẫn có những trường hợp cha, mẹ không thể chấp nhận sự thật con mình là người đồng tính, huống chi ở Việt Nam, hôn nhân đồng giới chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ, cùng với đó tâm lý xã hội về vấn đề này vẫn còn rất khắt khe thì những người có con là người đồng tính có phản ứng gay gắt là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, không phải trong mọi trường hợp thì cha, mẹ đều không chấp nhận được, mà phần lớn là họ sẽ rất sốc và có phản ứng từ chối khi lần đầu tiên tiếp nhận vấn đề, nhưng sau đó khi họ bình tĩnh lại và bắt đầu tìm hiểu thì trong số những người có phản ứng gay gắt ban đầu sẽ chấp nhận từ từ và dần hiểu con hơn. Vì vậy, để cha mẹ có thể chấp nhận được thì cần thiết phải có thời gian và bản thân người con đồng tính cần phải thực hiện những việc sau đây:
- Tìm hiểu và thu thập thật nhiều và đọc thật kỹ những tài liệu về người đồng tính để chính bản thân mình hiểu đúng về bản thân, từ đó mới có thể thuyết phục được cha mẹ;
- Chuẩn bị tài liệu như sách, báo, các chương trình dành cho người đồng tính mang ý nghĩa nhân văn ... phân tích đa chiều về người đồng tính để cho cha, mẹ đọc. Đương nhiên phải là những nguồn tài liệu tích cực, khách quan và có tính khoa học thì càng hiệu quả.
- Lựa chọn thời điểm công khai cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới phản ứng của cha mẹ. Nếu trong gia đình bạn dễ dàng chia sẻ với mẹ hơn thì nên nói chuyện với mẹ trước về vấn đề này.
- Trước phản ứng gay gắt của cha, mẹ bản thân không nên tỏ ra bất mãn, trách móc mà hãy thật bình tĩnh và cho bố mẹ thời gian.
- Nếu bạn thấy bất lực, cũng như cô độc khi chưa thuyết phục được cha mẹ thì hãy tham gia cộng đồng của những người đồng tính, hoặc tham gia các buổi chia sẻ của các chuyên gia về vấn đề này để bản thân được giãi bày, chia sẻ và thấu hiểu. Từ đó, cũng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để vượt qua mọi chuyện cũng như có thêm phương hướng để thuyết phục cha mẹ hiệu quả hơn.
Là người đồng tính không có điều gì là sai trái, trên thực tế cũng đã có rất nhiều người đồng tính sau khi công khai họ vẫn sống có ích, sống cống hiến và được cộng đồng yêu mến, gia đình dần dần chấp nhận và thông cảm, ủng hộ. Chính vì vậy, quan trọng nhất chính là ở thái độ sống và suy nghĩ của chính bạn. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan và đương nhiên sống là một người có giá trị với cộng đồng, gia đình thì sẽ chẳng ai từ chối thấu hiểu và ủng hộ bạn cả.
Người làm cha, mẹ nào cũng đều mong muốn con mình thành công, hạnh phúc, được cộng đồng tôn trọng. Bởi vậy trước khi trách móc cha mẹ không hiểu mình thì bạn hãy đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận trước đã. Đứa con gái mà cha mẹ cất công nuôi dưỡng khổ cực với hy vọng nó sẽ lấy chồng, có gia đình hạnh phúc, bỗng một ngày nó tới nó nói con muốn lấy vợ, nếu là bạn, bạn có sốc không? Bởi vậy, hãy cho cha mẹ thời gian và thực hiện những gợi ý trên đây, có thể không có hiệu quả ngay tức thì nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc thuyết phục cha, mẹ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận con mình đồng tính và có quan hệ đồng tính.
Sống là chính mình là quyền của mỗi cá nhân, có được là chính mình thì mới tự do, lạc quan, tích cực được. Bởi vậy, nếu bạn là người đồng tính, bạn không giống số đông, bạn bị kỳ thị bởi một bộ phận chưa hiểu mình hãy đừng tỏ ra bất mãn, mặc cảm. Bởi bạn hiểu mình, tin mình và tự tin là chính mình, sống có giá trị thì bạn mới có thể thuyết phục được người khác.
5. Hôn nhân đồng tính có được công nhận ở Việt Nam?
Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Như vậy, hôn nhân đồng tính chưa được Nhà nước công nhận và bảo vệ. Điều đó có nghĩa rằng những người cùng giới sẽ không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Việt Nam.
Tuy vậy, quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã cho thấy sự cởi mở hơn trong việc nhìn nhận quan hệ đồng tính trong xã hội Việt Nam. Bởi trước đó theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 vẫn quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", với quy định này thì sự nhìn nhận của xã hội đối với người đồng tính vẫn còn rất gay gắt. Bởi xuất phát từ quan niệm một trong những mục đích của hôn nhân chính là duy trì nòi giống.
6. Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi không?
Một trong những nguyên nhân khiến xã hội có nhìn nhận khắt khe với quan hệ đồng tính là bởi không đảm bảo được mục đích duy trì nòi giống (mục đích căn bản của việc xác lập quan hệ hôn nhân). Tuy vậy, các chính sách pháp luật luôn thay đổi và đáp ứng nhu cầu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, trong đó, ghi nhận quyền nuôi con nuôi cũng là một trong những chế định có ý nghĩa đối với cặp đôi đồng tính. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền y học, cho đến nay đã có rất nhiều phương pháp can thiệp, hỗ trợ các cặp đôi đồng tính chung sống như vợ chồng hoàn toàn có thể có được đứa con mang huyết thống của chính mình.
Về quyền nhận nuôi con nuôi của cặp đôi đồng tính:
Tuy rằng pháp luật không công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng trên thực tế ở Việt Nam vẫn có rất nhiều cặp đôi đồng tính tổ chức đám cưới, chung sống cùng nhau và coi nhau như vợ chồng và họ luôn mong muốn có những đứa con để thực sự như một gia đình, nên một số cặp đôi có nguyện vọng nhận con nuôi. Vậy theo pháp luật Việt Nam thì cặp đôi đồng tính có quyền nhận con nuôi không?
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trong đó, theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 có quy định người được nhận làm con nuôi phải đáp ứng các điều kiện:
- Trẻ em dưới 16 tuổi (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi)
- Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Theo đó, cặp đôi đồng tính chung sống như vợ chồng nhưng không phải là quan hệ vợ chồng có sự công nhận của pháp luật. Và vì vậy, cặp đôi đồng tính không thể cùng nhận chung một con nuôi theo quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo quy định này, thì một trong hai người của cặp đôi đồng tính có thể đứng ra nhận con nuôi riêng.
Bên cạnh việc nhận con nuôi thì cặp đôi đồng tính ngày nay cũng có thêm lựa chọn khác. Cùng với sự phát triển của y học thì cặp đôi đồng tính nữ hoàn toàn có thể có được những đứa con mang huyết thông của mình thông qua phương thức: hiến tặng tinh trùng, bơm tinh trùng (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đối với những cặp đồng tính nam nếu muốn em bé mang huyết thống của mình có thể lựa chọn phương thức mang thai hộ bằng việc lấy tinh trùng của một trong hai người và kết hợp với trứng của người hiến tặng.
Như vậy, với những phương thức hỗ trợ sinh sản hiện đại hiện nay thì việc duy trì nòi giống đối với cặp đôi đồng giới không còn là vấn đề không thể.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung "Cha mẹ có quyền ngăn cấm con có quan hệ đồng tính hay không?" và một số vấn đề pháp lý liên quan. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích về quan hệ đồng tính để có được nhìn nhận khách quan, cởi mở hơn đối với người đồng tính và quan hệ đồng tính. Mọi vướng mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến luật sư mời liên hệ tới Hotline 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ bởi Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!