Mục lục bài viết
Vậy cho tôi hỏi, nay ngân hàng đòi nợ tôi có phải có trách nhiệm trả nợ khoản tiền vay của bố tôi không? Bố tôi có 3 người con và tôi là con cả, vậy có phải là chỉ mình tôi phải trả nợ hay không?
Cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật sư tư vấn:
1. Quy định của pháp luật về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Căn cứ theo quy định trên, khi bố bạn mất mà để lại di sản thì những người thừa kế sẽ phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ mà bố bạn có. Tuy nhiên, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản này sẽ chỉ được thực hiện trong phạm vi di sản mà người đó được hưởng. Trong trường hợp không có di sản để lại thì người thừa kế không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do bố bạn để lại.
Chẳng hạn như khi mất bố của bạn để lại tài sản trị giá 100 triệu thì 100 triệu đó sẽ phải đem đi thanh toán khoản nợ 60 triệu trước sau đó 40 triệu con lại mới được chia thừa kế cho những người được thừa kế.
2. Ai có nghĩa vụ trả nợ khi người vay chết?
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bố của bạn có 03 người con, việc xác định người có nghĩa vụ trả nợ tùy thuộc vào ai là người được thừa kế tài sản.
- Trong trường hợp bố của bạn có để lại di chúc và di chúc hợp pháp thì những người thừa kế được chia tài sản trong di chúc sẽ là những người phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ 60 triệu này.
Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Căn cứ theo quy định trên, những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc vẫn sẽ được hưởng di sản dù họ không được lập di chúc cho hưởng di sản, vì vậy họ cũng là người có trách nhiệm thanh toán khoản nợ do người mất để lại.
- Trong trường hợp bố bạn mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trong trường hợp này, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm mẹ bạn, bạn và các anh chị em sẽ đều có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ do bố bạn để lại.
Như vậy, chỉ trừ trường hợp bạn là người duy nhất được hưởng di sản của bố thì bạn mới phải một mình chịu trách nhiện thanh toán khoản nợ 60 triệu nêu trên.
3. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Đặc điểm pháp lý của hợp đồng vay tài sản
Đây là hợp đồng đơn vụ. Xét theo nguyên tắc, hợp đồng vay tài sản là đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên bay. Bên vay không có quyền đối với bên cho vay. Tuy nhiên đối với hợp đồng vay tài sản có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
Hợp đồng vay là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù, nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
Hợp đồng vay là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay, khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng
Ý nghĩa của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản có tác dụng giúp cho bên vay giải quyết những khó khăn kinh tế trước mắt, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thiếu vốn để sản xuất và lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp. Hợp đồng vay tài sản trong nhân dân thường mang tính chất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.
4. Đối tượng, kì hạn và hình thức của hợp đồng vay tài sản
Đối tượng của hợp đồng:
Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là 1 khoản tiền. Tuy nhiên trong thực tế đối tượng còn có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc 1 số lượng tài sản khác. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang bên vay làm sở hữu. Bên vay có quyền định đoạt tài sản vay. Khi hết hạn hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản vay hoặc số tiền đã vay
Kì hạn của hợp đồng:
Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kì hạn (xác định, không xác định). Nếu hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận về kì hạn thì hợp đồng vay tài sản được coi là không có kì hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện hợp đồng bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bên vay chuẩn bị tiền hoặc tài sản khi trả, bên cho vay phải báo cho bên vay một thời gian hợp lí để thực hiện hợp đồng. Hết thời gian đó, bên vay buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nếu hợp đồng không có kì hạn thì bên vay có thể thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào, bên cho vay không được từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay. Xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng vay có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự của các bên và thời hiệu của hợp đồng.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn, không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào, còn bên cho vay chỉ được đòi tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý.
Trường hợp vay có kì hạn và có lãi, bên vay phải trả tài sản và lãi đúng thời hạn. Nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thỏa thuận.
Hình thức của hợp đồng
Hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản. Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định.
5. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Điều 266 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về vay ngân hàng, gọi: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê