1. Xóa án tích 

Xoá án tích là xoá bỏ bản án hình sử đôi với một người đã bị Tòa án kết án. Chế định xoá án trong luật hình sự nước ta, là thể hiện đúng nguyên tắc "người đã chấp hành xong hình phạt, khi có đủ điều kiện thì được xoá án tích". Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Tòa án cấp giấy chứng nhận, nếu họ phạm tội mới thì không bị tính là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Xoá án tích cho người bị kết án chính là thể hiện tính nhân đạo trong luật hình nước ta, xoá án tích là để cho người bị kết án không mặc cảm với tội lỗi của mình, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng.

1.1. Đương nhiên được xoá án tích

Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự thì những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:

- Người được miễn hình phạt coi như không có án tích ngay sau khi bản án có đã có hiệu lực pháp luật. Nếu người bị kết án yêu cầu thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận cho họ.

-  Người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm; bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.

- Người được đương nhiên xoá án trong các trường hợp trên không cần Tòa án phải ra quyết định nhưng nếu họ yêu cầu thì Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó cấp giấy chứng nhận cho họ.

1.2. Xoá án tích theo quyết định của Tòa án

Chỉ những người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự, thì việc xoá án tích mới do Tòa án quyết định. Đây là quy định mới so với Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định "đã bị phạt tù trên năm năm không kể tội gì mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm..." thì việc xoá án vẫn do Tòa án quyết định, nay trường hợp này được coi là đương nhiên xoá án.

Người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, Tòa án quyết định việc xoá án trong các trường hợp sau:

- Đã bị phạt tù đến ba năm mà không phạm tội mới trong thời hạn ba năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

- Đã bị phạt tù trên ba năm đến mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án;

- Đã bị phạt tù trên mười lăm năm mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án.

Người bị kết án muốn xin xoá án tích phải làm đơn xin xoá án gửi Tòa án xử sơ thẩm vụ án kèm theo nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc. Sau khi nhận được hồ sơ xin xoá án tích, Chánh án Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát phát biểu ý kiến bằng văn bản về đơn xin xoá án tích. Nếu xét thấy đủ điều kiện thì Chánh án ra quyết định xoá án tích; trong trường hợp chưa đủ điều kiện thì ra quyết định bác đơn xin xoá án tích. Người bị bác đơn xin xoá án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xoá án tích. Nếu bị bác đơn lần thứ hai trở lên thì phải sau hai năm mới được xin xoá án tích.

1.3. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt

Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt là trường hợp xoá án tích trước thời hạn quy định.

Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật hình sự, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Tòa án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm ít nhất một phần ba (1/3) thời hạn quy định.

Như vậy việc xoá án tích này không phụ thuộc vào tội phạm mà người bị kết án đã phạm, tức là đối với cả trường hợp đương nhiên xoá án cũng như trường hợp xoá án tích do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, đối với trường hợp đương nhiên được xoá án tích, muốn được xoá án tích trước thời hạn quy định thì phải làm đơn xin xoá án tích trước thời hạn, với các điều kiện được quy định tại Điều 66 Bộ luật hình sự, thì Tòa án mới cấp giấy chứng nhận.

1.4. Cách tính thời hạn để xoá án tích

Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật hình sự thì thời hạn để xoá án tích được tính như sau:

- Thời hạn để xoá án tích quy định tại Điều 64 và Điều 65 Bộ luật hình sự là căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Quy định này nhằm tránh việc hiểu không đúng về một số loại hình phạt vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung như: phạt tiền, trục xuất. Bộ luật hình sự không quy định xoá án tích cho người bị phạt trục xuất, vì người bị phạt trục xuất là người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, khi đã thi hành hình phạt trục xuất cũng là lúc họ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, nên việc xoá án đối với họ không ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử chưa xảy ra nhưng về lý thuyết, người bị phạt trục xuất, sau đó họ có thể trở lại Việt Nam và tiếp tục phạm tội thì việc tính tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đối với họ sẽ như thế nào? Đây là vấn đề cần được nghiên cứu hướng dẫn hoặc bổ sung, sửa đổi người bị hại khi cần thiết.

-    Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.

-    Điều luật quy định là "từ khi chấp hành xong bản án" chứ không phải chấp hành xong hình phạt, do đó khi xác định có thuộc trường hợp đương nhiên được xoá án hay không phải xác minh xem người bị kết án đã chấp hành xong bản án hay chưa? Chấp hành xong bản án là chấp hành tất cả các quyết định của Tòa án về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, về bồi thường thiệt hại, về các biện pháp tư pháp, về án phí... Thực tiễn xét xử, nhiều Tòa án không xác minh xem người bị kết án đã chấp hết các quyết định của bản trước chưa, nên đã coi người phạm tội đương nhiên được xoá án và không tính tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đô'i với họ, dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng.

Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.

2. Ý nghĩa của việc xóa án tích

- Về mặt pháp lý 

Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án” Như vậy, một người bị kết án hình sự đã được xóa án tích thì họ sẽ không phải gánh chịu hậu quả của việc từng bị kết án mang lại. Nghĩa là, sau khi xóa án tích,họ trở thành người bình thường về mặt tư pháp và họ không bị hạn chế về quyền lợi do đã từng bị kết án. 

- Về mặt xã hội 

Xóa án tích là một việc làm thể hiện tính nhân văn của nhà nước đối với những người đã bị kết án hình sự, tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, thay đổi bản thân để cống hiến cho xã hội.

3. Hoãn chấp hành hình phạt

Không phải bất cứ loại hình phạt nào cũng được hoãn chấp hành mà Bộ luật hình sự chỉ quy định hoãn chấp hành hình phạt tù, còn các loại hình phạt khác không được hoãn chấp hành. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong một số trường hợp, cơ quan thi hành án cho người bị kêt án hoãn cả việc chấp hành hình phạt tiền, với lý do là người bị kết án không có khả năng chấp hành khoản tiền phạt, nhất là đối với các khoản tiền phạt lớn. Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định "phạt tiền có thể được nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án”(khoản 4 Điều 30), nhưng thực tế vẫn có thể còn nhiều trường hợp cơ quan thi hành án vẫn phải hoãn chấp hành hình phạt tiền cho người bị kết án. Vì vậy, nên chăng Bộ luật hình sự quy định cả trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tiền cho một số trường hợp, nhằm đáp ứng tình hình kinh tế xã hội và hoàn cảnh cụ thể của người bị kết án.

Theo quy định tại Điều 61 Bộ luật hình sự, thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trương hợp sau:

  • Người bị kết án bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khoẻ được hồi phục;
  • Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
  • Người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, thì được hoãn một năm, trừ trường hợp bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng;
  • Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự

4. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật hình sự, thì các điều kiện để người bị kết án được tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù cũng giốhg như các điều kiện được hoãn thi hành hình phạt tù đã được quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ người bị kết án được tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù là người đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam hoặc trại tạm giam, nếu họ được tạm đình chỉ thì họ được trả tự do, còn người được hoãn chấp hành hình phạt tù là người chưa bị bắt vào tù.

Thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

Cần phân biệt hoãn chấp hành hình phạt thù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, với tạm đình chỉ thi hành bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.Theo quy định tại Điều 245 và Điều 264 Bộ luật tố tụng hình sự, thì người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó. Việc tạm đình chỉ thi hành bản án là tạm thời chưa thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có việc tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù, nếu người bị kết án chưa bị bắt thi hành án thì không bắt nữa, nếu đã bị bắt thi hành án thì được trả tự do để chờ quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Ngoài ra, còn tạm đình chỉ thi hành các quyết định khác như: quyết định về bồi thường, về hình phạt bổ sung, về xử lý vật chứng... tuỳ thuộc vào nội dung của kháng nghị mà người kháng nghị tạm đình chỉ thi hành vấn đề gì trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành bản án có nội dung rộng hơn hoãn thi hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và nó chỉ được thực hiện khi đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, còn hoãn thi hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thể được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự.

5. Ý nghĩa của việc hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Ý nghĩa của việc hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thể hiện ở chỗ Tòa án vẫn thể hiện được tính kiên quyết, thận trọng của hình phạt khi áp dụng với người phạm tội nhưng vẫn tạo điều kiện đề họ thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với xã hội, tạo điều kiện để họ có điều kiện chấp hành hình phạt và đạt được mục đích đặt ra của hình phạt. Xuất phát từ tính chất nhân đạo, tôn trọng quyền con người của chính sách hình sự nói chung và của chế định hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù nói riêng, việc Tòa án cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có ý nghĩa chính trị - xã hội, pháp lý rất quan trọng

Về mặt thực tiễn, nếu Tòa án áp dụng đúng đẫn và chính xác trong thực tiễn các quy phạm của chế định hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù sẽ đưa đến một loạt các lợi ích xã hội, đó là việc tăng cường pháp chế và củng cố trật tự pháp luật, bảo vệ vững chắc các quyền và tự do của con người, nâng cao uy tín của ngành Tòa án, tăng thêm lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào tính công minh và sức mạnh của pháp luật.

Về mặt chính trị - pháp lý: với chế định hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, một mặt góp phần đảm bảo cho việc thực hiện nhất quán nguyên tắc công bằng, mặt khác phản ánh nguyên tắc nhân đạo, tôn trọng quyền con người của Pháp luật hình sự. Vì pháp luật cần thiết phải quy định các chế tài để nghiêm trị và răn đe người phạm tội nhưng không thể thiếu tính nhân đạo; xã hội muốn có công bằng và nhân đạo phải là một xã hội có hệ thống pháp luật vì con người; xã hội không thể ổn định và phát triển được nếu như pháp luật không vì con người, nếu pháp luật không mở lối cho người bị kết án có điều kiện để giáo dục cải tạo, hoàn lương thì vô hình chung, pháp luật đã bị phản tác dụng