Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Tôi là Hiệu trưởng Trường THCS trên địa bàn của một huyện, theo thông tư 28/2009/BGD&ĐT về quy định chế độ làm việc của CBQL, GV, thông tư 15/2017/BGD & ĐT sửa đổi một số điều TT 28/2009/BGD và đến nay là văn bản hợp nhất số 03/VBHN – BGD & ĐT thì bản thân tôi phải thực hiện việc giảng dạy 2 tiết /tuần x 37 tuần trong năm là 74 tiết.

Trong năm học tôi đã thực hiện việc giảng dạy, xong do yếu tố khách quan tôi dạy chưa đủ số tiết (74 tiết) trong năm. Vậy tôi có bị truy thu tiền % đứng lớp không, nếu bị truy thu thì cách tính như thế nào ?

Trường hợp truy thu số tiết chưa dạy đủ : Lấy số tiền đứng lớp mà tôi được hưởng chia cho 2 tiết /tuần = 8 tiết/ tháng hay chia cho 19 tiết /tuần = 76 tiết/tháng (Bởi số tiết phải dạy của 1 GV là 19 tiết, mà Hiệu trưởng là 1 GV làm công tác quản lý nên chỉ dạy 2 tiết/ tuần còn được giảm trừ 17 tiết cho công tác quản lý.

2. Chế độ hưởng tiền đứng lớp tôi muốn được làm rõ

Bản thân tôi đang công tác trong vùng kinh tế khó khăn được hưởng theo chế độ chính sách của nhà nước. Vì vậy chế độ đứng lớp hiện tôi được hưởng theo Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP quy định về phụ cấp ưu đãi, mức phụ cấp nên không thuộc đối tượng hưởng chế độ đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG và hướng dẫn tại Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&DT-BNV-BTC, với mức phụ cấp 30%. Vậy bản thân tôi nếu không thực hiện việc đứng lớp hay đã thực hiện mà thiếu số tiết thì có bị truy thu số tiền đứng lớp không.

Xin luật sư tham khảo BGD và tư vấn làm rõ cho tôi về thực hiện chế độ đứng lớp thiếu số tiết có bị truy thu không và trường hợp tôi hướng chế độ đứng lớp nếu dạy thiếu có bị truy thu không, cách truy thu nếu có được tính như thế nào (70% hay 30%). Tôi xin thanh toán kinh phí tư vấn theo quy định

TRẢ LỜI:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật ngân sách Nhà nước 2015;

- Thông tư 28/2009/TT-BGGĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

- Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo thông tư 28/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

- Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

- Quyết định 244/2005/QĐ-ttg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập do thủ tướng Chính Phủ ban hành;

- Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ giáo dục và đào tạo-Bộ nội vụ-Bộ tài chính ban hành;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Dựa trên các thông tin Qúy khách cung cấp và quy định pháp luật có liên quan. Luật Minh Khuê trả lời từng vướng mắc của Qúy khách như sau:

Câu hỏi 1. Chế độ giảng dạy của CBQL nhà trường theo thông tư 28/2009/TT-BGDDT

Trả lời:

Theo thông tin Qúy khách cung cấp, Qúy khách là hiệu trưởng THCS trên địa bàn một huyện.

Điều 7 Thông tư 28/2009/TT-BGDDT được bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDDT quy định:

“Điều 7. Định mức tiết dạy đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

2. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.

Nội dung này cũng được quy định tại Điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành.

Như vậy, theo quy định trên và thông tin Qúy khách cung cấp. Qúy khách phải thực hiện việc giảng dạy 2 tiết /tuần x 37 tuần trong năm là 74 tiết. Trong năm học Qúy khách đã thực hiện việc giảng dạy, xong do yếu tố khách quan Qúy khách dạy chưa đủ số tiết (74 tiết) trong năm.

Chế độ phụ cấp cũng là một trong các căn cứ để tính lương cho giáo viên. Nhà giáo trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp từ việc trực tiếp giảng dạy đó. Theo quy định trên, Hiệu trưởng cũng phải thực hiện giảng dạy trực tiếp theo số tiết nhất định tương ứng với vị trí của mình. Do vậy, Hiệu trưởng cũng được nhận phụ cấp trực tiếp giảng dạy theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Quyết định 244/2005/QĐ-TTG được hưởng dẫn bởi Điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC:

Mức phụ cấp áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy được tính như sau:

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;”

Như vậy, có thể thấy mức phụ cấp giảng dạy đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong trường trung học phổ thông là 30%. Tuy nhiên, nếu Hiệu trưởng không hoàn thành đủ số tiết phải thực hiện giảng dạy trực tiếp, phải truy thu mức phụ cấp đứng lớp theo quy định tại Khoản 8 Điều 65 Luật ngân sách Nhà nước 2015;

Điều 65. Yêu cầu quyết toán ngân sách nhà nước

8. Những khoản thu ngân sách nhà nước không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đã nộp; những khoản thu ngân sách nhà nước nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách; những khoản chi ngân sách nhà nước không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách.

Theo quy định trên, những khoản chi ngân sách Nhà nước không đúng theo quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách. Vậy có thể thấy, nếu giáo viên không đứng lớp mà vẫn được nhận phụ cấp đứng lớp là khoản chi không phù hợp, do đó khoản chi này phải được thu hồi. Tuy nhiên, công thức tính truy thu bao nhiêu, truy thu như thế nào chưa có văn bản quy phạm pháp Luật quy định cụ thể.

Theo quan điểm của Luật Minh Khuê, phụ việc nếu cứ đánh giá việc Hiệu trưởng hay Phó Hiệu Trưởng không đứng lớp đủ số tiết quy định thì sẽ truy thu % số tiền phụ cấp là chưa thực sự hợp lý bởi phải xét nguyên nhân, lý do dẫn đến việc không hoàn thành số tiết dạy là gì? Trên thực tế nguyên nhân dẫn đến việc Hiệu trưởng không đứng lớp đủ số tiền có rất nhiều nguyên nhân: Do đặc thù của trường ít học sinh, phân công công việc giữa các giáo viên chưa thực sự hợp lý, ít lớp...

Do đó, nếu việc truy thu không thỏa đáng, gây bất hợp lý cho Qúy khách. Qúy khách có thể làm đơn kiến nghị lên cấp trên. Trường hợp truy thu phải có văn bản thể hiện rõ việc truy thu và cách tính truy thu phụ cấp.

Câu hỏi 2. Chế độ hưởng tiền đứng lớp tôi muốn được làm rõ

Bản thân tôi đang công tác trong vùng kinh tế khó khăn được hưởng theo chế độ chính sách của nhà nước. Vì vậy chế độ đứng lớp hiện tôi được hưởng theo Thông tư liên tịch 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP quy định về phụ cấp ưu đãi, mức phụ cấp nên không thuộc đối tượng hưởng chế độ đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG và hướng dẫn tại Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&DT-BNV-BTC, với mức phụ cấp 30%. Vậy bản thân tôi nếu không thực hiện việc đứng lớp hay đã thực hiện mà thiếu số tiết thì có bị truy thu số tiền đứng lớp không.

Trả lời:

Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ giáo dục và đào tạo - Bộ nội vụ - Bộ tài chính ban hành.

Thông tư này áp dụng đối với Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước thuộc biên chế trả lương ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điểm a Khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định:

“ Nhà giáo, CBQLGD đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.”

Như vậy, nếu Qúy khách đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Vì vậy, theo quan điểm của Luật Minh Khuê nếu Qúy khách không được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thi không đặt ra vấn đề truy thu phụ cấp đứng lớp này.

Tuy nhiên, việc không đứng lớp đủ số tiết theo quy định cũng là căn cứ cho việc đánh giá Qúy khách có hoàn thành nhiệm vụ.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềChế độ giảng dạy của giáo viên là cán bộ quản lý”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH Minh Khuê!