>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.6162

Vay tín chấp là gì?

Vay tín chấp là hình thức vay tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp.Tất nhiên, tài sản thế chấp được đề cập ở đây là một tài sản hữu hình hoặc một bất động sản đầu tư. Khái niệm trên cho thấy, vay tín chấp không phải là việc cho vay không có bảo đảm mà cao hơn, tài sản bảo đảm là sự tín nhiệm giữa người cho vay (các ngân hàng, tổ chức tín dụng) và người vay, thông thường là các doanh nghiệp. Từ những phân tích trên, có thể thấy, vay tín chấp có những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, vay tín chấp không thể thực hiện được trong giai đoạn đầu của mối quan hệ giữa người cho vay và người vay. Để có được sự tín nhiệm, quan hệ vay – cho vay phải trải qua một thời gian nhất định.

Hai là, thế chủ động trong việc quyết định cho vay tín chấp thuộc về người cho vay. Bởi lẽ, khi và chỉ khi người cho vay có được độ tin cậy rất cao đối với người vay mới có thể quyết định cho vay tín chấp.

Ba là, người vay (các doanh nghiệp) đóng một vai trò to lớn trong quá trình tạo ra sự tín nhiệm để có thể vay tín chấp. Trong nhiều trường hợp, chính hoạt động kinh doanh có hiệu quả và sự minh bạch của doanh nghiệp lại là nhân tố quyết định để ngân hàng và các tổ chức tín dụng quyết định cho vay tín chấp.

Bốn là, sự tín nhiệm (“tài sản” đảm bảo tiền vay) lại là loại tài sản vô hình, không thể đem đấu giá để thu hồi vốn cho vay. Vì vậy, quyết định cho vay tín chấp của các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần đặc biệt cẩn trọng và vì vậy, khó khăn là lẽ đương nhiên.

Thực trạng về vay tín chấp ở nước ta

Khoản 2, Điều 52 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 quy định: “Tổ chức tín dụng cho vay trên cơ sở có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo lãnh của bên thứ ba; không được cho vay trên cơ sở cầm cố bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng cho vay”. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004 sửa đổi khoản 2 nêu trên như sau: “Tổ chức tín dụng có quyền xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng vay, bảo lãnh của bên thứ ba và chịu trách nhiệm về quyết định của mình…”. Như vậy, có thể kết luận rằng, trước ngày 01/10/2004, cho vay tín chấp chưa được thừa nhận trong hệ thống pháp luật về tín dụng, ngân hàng ở nước ta.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004, về lý thuyết, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã được trao quyền tự chủ, được quyết định cho vay tín chấp từ ngày 01/10/2004. Nhưng cho vay tín chấp ở nước ta vẫn chưa trở thành hiện thực. Rất ít ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng dám quyết định cho vay tín chấp đối với khách hàng (ngoại trừ việc cho vay đối với các doanh nghiệp Nhà nước). Điều đó có những nguyên nhân sau đây:

Một là, sự tín nhiệm giữa người cho vay và người vay không thể hình thành ngay trong một sớm, một chiều mà đó là kết quả của một quá trình quan hệ. Từ cuối năm 2004 đến nay là khoảng thời gian ngắn, chưa đủ để tạo ra sự tín nhiệm ở mức độ cao có thể cho vay tín chấp.

Hai là, thị trường vốn ở nước ta còn nhỏ bé về quy mô. Cạnh tranh trong hoạt động tín dụng còn chưa gay gắt. Vì vậy, chỉ với hình thức cho vay có tài sản thế chấp, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã yên tâm và thu lợi nhuận khá cao. Từ đó, thiết lập các quan hệ để áp dụng hình thức cho vay tín chấp chưa phải là nhu cầu cấp bách của các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Ba là, kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Song, khi xẩy ra rủi ro trong kinh doanh, phần lớn những vụ thất thoát do không thu hồi được vốn vay đều bị hình sự hóa. Người cho vay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị đi tù và chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, thậm chí là tan cửa, nát nhà. Do đó, ít có tổng giám đốc ngân hàng dám mạnh dạn duyệt cho vay tín chấp.

Bốn là, các doanh nghiệp – khách hàng chủ yếu của ngân hàng và các tổ chức tín dụng – cũng chưa thật chú ý đến việc bảo đảm tín nhiệm trong kinh doanh nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng. Tình trạng sử dụng tiền vay không đúng mục đích và nguy hiểm hơn cả là vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, vay đảo nợ vẫn xẩy ra ở khá nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, thông tin về tình hình kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp thiếu minh bạch là nguyên nhân đặc biệt quan trọng dẫn đến các ngân hàng và tổ chức tín dụng không đủ lòng tin khi cho vay tín chấp.

Ngày mai sẽ ra sao?

Việc cho vay tín chấp ở nước ta trong những năm qua  dường như là một việc hoang tưởng. Song, chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, vay tín chấp sẽ được thực hiện nhiều hơn. Chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng vào điều đó.
Trước hết, với việc thực hiện nghiêm túc lộ trình mở cửa trong cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài có mặt và hoạt động ở Việt Nam sẽ ngày càng nhiều. Các ngân hàng thương mại cổ phần, các công ty tài chính của các nhà đầu tư trong nước cũng sẽ được thành lập nhiều hơn. Khi đó, thị trường tín dụng sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt hơn, buộc các ngân hàng và tổ chức tín dụng phải quan tâm hơn đến việc thiết lập các quan hệ, tạo ra sự tín nhiệm – cơ sở để cho vay tín chấp.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng lớn lên từng ngày. Quy mô của doanh nghiệp tăng lên, phạm vi hoạt động rộng hơn, cái áo “gia đình trị” sẽ không còn phù hợp nữa. Khi đó, muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải minh bạch trong quản lý nói chung và quản lý tài chính nói riêng. Đến lượt nó, sự minh bạch, công khai về tài chính của doanh nghiệp lại là điều kiện đặc biệt quan trọng để các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay tín chấp.

Kinh tế thị trường phát triển ngày càng cao. Từ đó, hệ thống thể chế pháp luật nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng ngày càng hoàn thiện. Năng lực kinh doanh, tình trạng tài chính của các doanh nghiệp sẽ được đánh giá, đo lường bởi những công cụ khoa học và khách quan. Chẳng hạn, theo đà phát triển của kinh tế thị trường, những lĩnh vực kinh doanh bắt buộc phải kiểm toán các báo cáo tài chính hàng năm sẽ nhiều hơn. Các tổ chức đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp (cả của nước ngoài và Việt Nam) sẽ ra đời và đánh giá, công bố mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Điều đó, giúp cho các nhà đầu tư, các ngân hàng và tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro khi đầu tư, cho vay.

Những nhân tố nêu trên có tác động rất tích cực và thúc đẩy hơn nữa việc cho vay tín chấp. Tuy nhiên, đó chỉ là những điều kiện cần. Điều kiện đủ và là điều kiện quyết định để cho vay tín chấp trở thành hiện thực chính là việc giữ chữ tín trong kinh doanh, đầu tư của các chủ doanh nghiệp. Bởi lẽ, cho vay tín chấp, mặc dù là quan hệ kinh tế, nhưng suy cho cùng đó chính là quan hệ giữa người với người. Khi chủ doanh nghiệp không nghiêm túc trong cuộc sống, không tôn trọng các cam kết trong kinh doanh thì không có một điều kiện nào thay thế được và không có một ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào dám cho vay tín chấp!

Cho vay tín chấp là biểu hiện của trình độ văn minh bậc cao trong kinh doanh, có thể phát triển hơn nhưng không bao giờ thay thế hoàn toàn việc cho vay trên cơ sở cầm cố, thế chấp tài sản.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ QUẢN LÝ SỐ 57, THÁNG 3 NĂM 2008 - LG. VŨ XUÂN TIỀN – Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

--------------------------------------------------------------------------------

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)