Hẳn bạn cũng hiểu rõ tầm quan trọng của các giấy tờ tùy thần như giấy CMND, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hay sổ hộ khẩu, V.V., trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nếu không có các loại giấy tờ này, bạn sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí không thể giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như thực hiện các thủ tục hành chính, tư pháp liên quan đến bản thân và gia đình bạn.

Vì vậy, việc giữ gìn tốt các giấy tờ tùy thân là đòi hỏi đương nhiên đối với mỗi người. Mặc dù, việc làm thất lạc các giấy tờ đôi khi vẫn có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Trong những trường hợp đó, bạn cẩn phải thực hiện thủ tục xin cấp lại các giấy tờ này.

 

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi là Linh tôi đăng ký hộ khẩu trường trú ở Đà Lạt. Một ngày trước tôi có đi công tác ở Sài Gòn và làm mất một số giấy tờ tùy thân ở đây do bị móc túi. Hiện tại, tôi muốn xin cấp lại các giấy tờ tùy thân là: Thẻ căn cước công dân, bằng lái xe. Vậy, tôi có phải xin xác nhận về việc mất giấy tờ do bị móc túi ở công an Phường không?

Trả lời:

Cảm ơn câu hỏi của chị, thay mặt Luật Minh Khuê, tôi xin giait đáp vấn đề thắc mắc của chị như sau:

 

1. Giấy tờ tùy thân là gì?

Giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ cá nhân là những loại giấy tờ có thể giúp xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể. Phạm vi các loại giấy tờ tùy thân được xác định tùy vào quy định pháp luật của từng quốc gia. Nhưng nhìn chung các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân (hay thẻ căn cước), hộ chiếu, thẻ công dân, thẻ cư trú.... đều được coi là giấy tờ tùy thân. Thông thường, giấy tờ tùy thân là các loại giấy tờ có dán ảnh hợp lệ và có đóng dấu giáp lai lên ảnh tuy nhiên trong một số loại không nhất thiết bắt buộc về chi tiết này.

Trong đó, Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân; Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.

Nhiều văn bản khác cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ như Luật Công chứng, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 123/2015 hướng dẫn Luật Hộ tịch… nhưng không có loại giấy tờ nào khác được khẳng định là giấy tờ tùy thân.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì tới thời điểm hiện tại chỉ Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân được trực tiếp khẳng định là giấy tờ tùy thân.

 

2. Cách sử lý khi mất giấy tờ tùy thân

Vì tính chất quan trọng, thiết yếu của giấy tờ tùy thân nên thường công dân phải mang giấy tờ tùy thân theo bên mình khi đi đến bất kì đâu để đề phòng trường hợp cần phải xác định nhân thân. Nên việc mất giấy tờ tùy thân do bất cẩn do bị mất cắp, cướp giật là điều xảy ra thường xuyên.

Thông thường, trong những trường hợp mất giấy tờ tùy thân và muốn cấp lại, bạn phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đó

Khi đó các cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu bạn xuất trình “Đơn cớ mất” có xác nhận của cơ quan công an rằng bạn đã trình báo việc mất giấy tờ đến cơ quan công an. Việc thông báo mất giấy tờ còn giúp bạn ngăn ngừa việc phát sinh các trách nhiệm của bạn trong trường hợp có cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức sử dụng những giấy tờ tùy thân mà bạn bị mất này vào những việc không hợp pháp. Đơn cớ mất giấy tờ, có xác nhận của cơ quan công an cấp xã nơi bạn đã trình báo, có thể được sử dụng làm bằng chứng để loại bỏ trách nhiệm cho bạn nhé.

Ví dụ: Trong trường hợp trên khi mất giấy tờ tùy thân ở Sài Gòn, bạn sẽ phải đến trình báo tại cơ quan công an cấp xã, phường nơi bạn phát hiện ra mình bị mất. Cơ quan công an sẽ lập biên bản và cấp cho bạn giấy tờ để xác nhận việc bạn bị mất giấy tờ, tiền bạc do bị móc túi tại địa bàn đó.

 

3. Thủ tục thông báo khi mất giấy tờ tùy thân

Hiện tại, pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ phải thông báo kịp thời khi mất giấy tờ tùy thân mà chưa có quy định cụ thể về thủ tục thông báo mất giấy tờ tùy thân được thực hiện như thế nào. Theo sự tìm hiểu và kiểm chứng các quy định pháp luật hiện hành, bạn cần thực hiện việc thông báo mất giấy tờ tùy thân ngay sau khi phát hiện việc mất giấy tờ, theo các bước sau

Bước 1: Bạn chuẩn bị hổ sơ gồm:

- 01 ảnh chụp 3cm X 4cm của bạn;

- Các giấy tờ tùy thân khác (nếu có) để chứng minh nhân thân của bạn.

Bước 2: Bạn nộp ảnh thẻ và xuất trình giấy tờ tùy thân khác (nếu có) cho cơ quan công an phường/xã tại nơi bạn làm mất giấy tờ. Trong trường hợp bạn không rõ mình làm mất ở đâu thì bạn có thể làm thủ tục này tại cơ quan công an phường/xã tại địa phương nơi bạn cư trú. Tại cơ quan công an, bạn sẽ điền vào Mẫu Đơn cớ mất do cơ quan công an cung cấp theo hướng dẫn của cán bộ công an.

Bước 3: Trong những trường hợp thông thường, ngay sau khi bạn nộp đơn, cơ quan công an sẽ dán ảnh chụp của bạn vào Đơn cớ mất mà bạn đã khai và đóng dấu xác nhận lên đơn và cấp lại đơn này cho bạn.

 

4. Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD)

Khoản 1 Điều 24 Luật CCCD và Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định thủ tục cấp lại thẻ CCCD như thủ tục cấp mới CCCD, các bước được thực hiện như sau:

Bước 1: Điền vào tờ khai CCCD

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu, kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân. Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị.

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay và in Phiếu thu nhận thông tin

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục và In Phiếu thu nhận thông tin CCCD, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.

Bước 4: Cấp giấy hẹn trả thẻ

Cán bộ cơ quan quản lý CCCD cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ.

Bước 5: Nhận thẻ

Trả thẻ CCCD theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

>> Xem thêm: Mẫu đơn trình báo mất giấy tờ, tài liệu, tài sản

 

5. Thủ tục làm lại bằng lái xe

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe bị mất

* Trường hợp Giấy phép còn thời hạn sử dụng hoặc quá hạn dưới 03 tháng

Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, người có Giấy phép lái xe bị mất cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe như sau:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép lái xe theo mẫu quy định;

- Hồ sơ gốc phù hợp với Giấy phép lái xe (nếu có);

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại Giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;

- Bản sao CMND, Thẻ căn cước công dân, Hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND hoặc Thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

Sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện Giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại Giấy phép lái xe.

* Trường hợp Giấy phép quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên

Người có Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung:

- Quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết;

- Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Người lái xe chuẩn bị 01 bộ hồ sơ dự sát hạch lại, bao gồm:

- Bản sao CMND hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND hoặc Thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam); Hộ chiếu còn thời hạn (đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài);

- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

- Đơn đề nghị đổi (cấp lại) Giấy phép lái xe theo mẫu quy định có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;

- Bản chính hồ sơ gốc của Giấy phép lái xe bị mất (nếu có).

Khoản 6 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, thời gian cấp Giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe bị mất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải. Người lái xe chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.

Bước 3: Nộp lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe

Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định cụ thể lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe bị mất như sau:

- Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.

- Phí sát hạch lái xe:

+ Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.

+ Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.

Bước 4: Nhận Giấy phép lái xe cấp lại

Theo thời hạn trên giấy hẹn, người làm thủ tục đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để nhận Giấy phép lái xe được cấp lại.

>> Tham khảo thêm: Mẫu đơn trình báo mất giấy tờ xe máy, ô tô