1. Quy định về xuất xứ hàng hóa 

Hàng hoá được xác định xuất xứ theo quy định có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó.

Đối với hàng hóa ưu đãi thì quy tắc xuất xứ được quy định như sau:

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan và phi thuế quan, quy tắc xuất xứ ưu đãi được thực hiện theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó.

- Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác, quy tắc xuất xứ ưu đãi được thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn quy tắc xuất xứ đó.

Đối với hàng hóa không ưu đãi thì quy tắc xuất xứ được quy định như sau:

- Hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu đáp ứng được theo quy định của pháp luật.

- Hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu đáp ứng được các tiêu chí như tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị.

Nhà sản xuất hoặc thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lựa chọn tiêu chí xuất xứ trên để kê khai, cam kết xuất xứ phù hợp với bản chất hàng hóa được sản xuất ra với điều kiện hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ đó và các quy định khác của pháp luật.

2. Có phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu không?

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó. Và theo quy định Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ có tên viết tắt là C/O (Certificate of Origin).

Việc nhập khẩu hàng hóa ngoài việc thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng của các bên còn tuân theo từng hiệp định thương mại, pháp luật của các nước có quy định xuất xứ riêng biệt (nếu có). Việc quy định các trường hợp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ sẽ giúp cho việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa dự trên giấy chứng nhận xuất xứ và nội dung khai báo của người khai hải quan, giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt chuyên môn của mình. Đặc biệt là cơ quan Hải quan là cơ quan thực thi, kiểm tra nội dung liên quan đến chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp khai báo, do đó việc phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hay không sẽ là cơ sở để doanh nghiệp được áp dụng các chính sách thuế ưu đãi đặc biệt hoặc để áp dụng các biện pháp kiểm soát theo quy định.

Căn cứ theo Điều 26 của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ban hành ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và quy định cụ thể hơn tại Điều 10 của Thông tư số 33/2023/TT-BTC Quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì đây mới là các trường hợp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu còn các trường hợp khác khi nhập khẩu thì không bắt buộc nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, việc có phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu hay không phụ thuộc vào trường hợp theo quy định nếu thuộc trường hợp phải nộp thì sẽ bắt buộc nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và ngược lại nếu không thuộc các trường hợp bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì không phải nộp. Nghĩa là không phải trong mọi trường hợp đều phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu.

3. Các trường hợp phải nộp và không phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu

Các trường hợp phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan

- Hàng hóa có xuất xứ từ nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó.

Trong trường hợp này người khai muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

- Hàng hóa thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.

Hàng hóa trong trường hợp này sẽ thuộc Danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 33/2023/TT-BTC hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.

- Hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.

Hàng hóa thuộc Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.

- Hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Hàng hóa trong trường hợp này sẽ theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các trường hợp không phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam gồm:

- Các trường hợp không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định trên.

- Trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ hàng hóa nhập khẩu có trị giá không vượt quá trị giá quy định về miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì dù trong trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng người khai hải quan đề nghị được nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan vẫn tiếp nhận và kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định. Khi đó người khai hải quan nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quản theo quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng hoặc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu phát hành đáp ứng các thông tin tối thiểu theo quy định.

Để hiểu rõ hơn về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xin mời quý khách hàng tham khảo bài viết sau của chúng tôi: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là gì? Gồm các loại nào?

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi yêu cầu quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 19006162  hoặc địa chỉ email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp.