1. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gì?

1.1 Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và cách áp dụng

Điều 32 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm:

  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp cho thương nhân;
  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do thương nhân phát hành theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.

 

1.2 Cách áp dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Điều 33 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định các trường hợp có thể áp dụng các loại chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau:

  • Đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu có nhu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
  • Pháp luật quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
  • Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo đề nghị của thương nhân hoặc do thương nhân tự chứng nhận đối với các trường hợp không thuộc quy định tại trường hợp a và trường hợp b.

Ngoài ra, còn có khái niệm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giáp lưng là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, được cấp bởi nước thành viên xuất khẩu trung gian dựa trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu đầu tiên.

 

2. Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thực trạng

2.1 Các cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Căn cứ Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và theo cam kết quốc tế, hiện ở Việt Nam có các cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau:

Một là, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp

Ví dụ: các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Bộ Công Thương cấp các Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu;

Hai là, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên một số chứng từ thương mại do thương nhân/nhà xuất khẩu đủ điều kiện (certified exporter) được Bộ Công Thương cấp Văn bản chấp thuận phát hành

Ví dụ: cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đang áp dụng trong ATIGA;

Ba là, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên một số chứng từ thương mại do thương nhân/nhà xuất khẩu tự đăng ký (registed exporter) với Bộ Công Thương hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền xác nhận theo quy định của nước nhập khẩu

Ví dụ: cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đang áp dụng trong GSP của EU thay cho việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A;

Bốn là, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có trị giá dưới một mức nhất định theo quy định FTA trên một số chứng từ có thông tin yêu cầu tối thiểu do thương nhân/nhà xuất khẩu phát hành

Ví dụ: cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đang áp dụng trong EVFTA chiều từ Việt Nam xuất khẩu đi EU.

 

1.2 Tình hình triển khai cơ chế chứng nhận xuất xứ

Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa có thẩm quyền trong việc ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức triển khai các cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.

- Để triển khai cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đến nay Bộ Công Thương đã ủy quyền cho: 19 Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực, Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất Hà Nội và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi; 36 Ban Quản lý Khu Công nghiệp-Khu Chế xuất cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi mẫu D; và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu B, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A (trừ mặt hàng giày dép đi thị trường EU) và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi theo quy định nước nhập khẩu.

- Để triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện thực hiện trên các chứng từ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Ngày 29 tháng 8 năm 2012, Việt Nam cùng Lào, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a ký Thỏa thuận (MOU) tham gia dự án thí điểm số 2 về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA), đặt bước đi đầu tiên của Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế này song song với cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi mẫu D. Dự án thí điểm số 2 về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được Bộ Công Thương nội luật hóa tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2015 (sau đây gọi là Thông tư số 28/2015/TT-BCT). Các tiêu chí để lựa chọn thương nhân được xét là nhà xuất khẩu đủ điều kiện tham gia thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN tại Việt Nam theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 28/2015/TT-BCT gồm có:

  1. Là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất;
  2. Kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 (mười) triệu đô la Mỹ;
  3. Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 (hai) năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký;
  4. Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Trong hơn 2 năm sau ngày thực hiện dự án thí điểm số 2 về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN, số lượng nhà xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam thông báo cho các nước thành viên ASEAN cùng tham gia dự án này chỉ dừng lại ở con số 2. Vì vậy, năm 2017 Bộ Công Thương đã dỡ bỏ một trong các điều kiện bị đánh giá là khó khăn để thương nhân được xét là nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 28/2015/TT-BCT “Kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 (mười) triệu đô la Mỹ”, bổ sung điều kiện “Là doanh nghiệp nhỏ và vừa trở lên” và sửa đổi khoản 4 Điều 4 Thông tư số 28/2015/TT-BCT thành “Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương chỉ định theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2015 hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định cấp” tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-BCT ngày 06 tháng 12 năm 2017 nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Song song với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đi một số nước tham gia dự án thí điểm số 2 trong ASEAN, các Công ty xuất khẩu đủ điều kiện vẫn có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong ASEAN.

Từ năm 2017, Việt Nam và các nước ASEAN đang tiến hành đàm phán để hướng tới một cơ chế tự chứng nhận xuất xứ chung trong toàn khối ASEAN (AWSC). Ngày 20 tháng 9 năm 2020, cơ chế AWSC chính thức có hiệu lực đối với toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN. Để triển khai cơ chế này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BCT ngày 14 tháng 8 năm 2020, trong đó quy định nhà xuất khẩu đủ điều kiện có thể là nhà sản xuất, cũng có thể là nhà xuất khẩu/thương nhân. Các tiêu chí xuất xứ để lựa chọn nhà xuất khẩu đủ điều kiện được quy định nới lỏng như sau:

  • Là nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất.
  • Không vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
  • Có cán bộ được đào tạo về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo đã được Bộ Công Thương hoặc được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ định.
  • Đã được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.
  • Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải được nhà sản xuất cam kết bằng văn bản về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.”

Bộ Công Thương kỳ vọng số lượng nhà xuất khẩu đủ điều kiện của Việt Nam trong tương lai gần sẽ tăng nhiều hơn con số 6 so với thời điểm thực hiện dự án thí điểm số 2.

Kể từ năm 2019, xu hướng thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ được dự đoán là tất yếu do các đối tác FTA của Việt Nam như Úc và Niu Di-lân đã có đề xuất thực hiện, Hàn Quốc đã có cam kết với Việt Nam trong FTA song phương về việc 3 năm sau khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc sẽ cố gắng triển khai cơ chế này.

- Để triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu tự đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định nước nhập khẩu, Bộ Công Thương ủy quyền cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xác nhận (sau đây được gọi là REX). Theo quy định của EU, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, thương nhân đăng ký mã số REX có thể tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của mình hoặc vẫn sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A để được hưởng chế độ ưu đãi GSP cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, 02 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A tại các nước được thụ hưởng GSP của EU sẽ tự động bị dỡ bỏ. Thương nhân sẽ có 2 lựa chọn: tự chứng nhận xuất xứ qua cơ chế REX để hưởng ưu đãi GSP hoặc đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi quy định trong EVFTA để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt FTA. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

3. Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

3.1 Đăng ký hồ sơ thương nhân

Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ. Hồ sơ thương nhân bao gồm:

  1. Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của thương nhân hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ký Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và mẫu con dấu của thương nhân theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP;
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có dấu sao y bản chính của thương nhân);
  3. Danh mục cơ sở sản xuất ra hàng hóa đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có) theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Hồ sơ thương nhân được khai báo qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Bộ Công Thương khuyến khích thương nhân đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử. Trong trường hợp không thể đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử, thương nhân được phép lựa chọn nộp bộ hồ sơ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được cập nhật tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc thông báo cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp không có thay đổi, hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật 2 năm một lần.

 

3.2 Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ra đời đã sát nhập thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BCT và thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 07/2006/TT-BCT vào chung làm một. Từ nay, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dù là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi hay Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi, cần phải chuẩn bị hồ sơ cơ bản gồm các chứng từ sau:

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;

  • Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
  • Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
  • Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
  • Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
  • Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;
  • Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;
  • Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).
  • Về cơ bản, hồ sơ, chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn không mấy thay đổi theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BCT và Thông tư số 07/2006/TT-BTM cũ. Điểm mới trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tại tiểu mục g theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT.

Việc sử dụng Bản khai báo này thứ nhất giúp cho nhà sản xuất/ nhà xuất khẩu thành phẩm cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ vào sản phẩm cuối cùng để đi xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thay vì sử dụng hóa đơn VAT thiếu cơ sở chứng minh xuất xứ như trước kia, thứ hai thúc giục nhà sản xuất, nhà cung cấp các nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam tăng cường tìm hiểu tiêu chí xuất xứ quy định riêng cho từng FTA và làm tăng giá trị nguyên liệu của họ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng 10 biểu mẫu hướng dẫn việc kê khai, cam kết các tiêu chí xuất xứ hàng hóa ưu đãi và không ưu đãi cơ bản ban hành kèm theo Thông tư số 05/2018/TT-BCT. Theo đó, thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong cả nước có thể kê khai, cam kết xuất xứ theo các biểu mẫu chuẩn hơn, rõ ràng và thống nhất hơn. Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sau này sẽ bớt gánh nặng hơn trong công tác xác minh xuất xứ hàng hóa.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ  Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.