Mục lục bài viết
1. CO Form AK là gì?
CO form AK là chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước thành viên trong hiệp hội ASEAN, được cấp dựa theo hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Có thể coi CO form AK là hình thức ưu đãi theo định hướng thương mại tự do giữa Hàn Quốc và ASEAN trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Đối với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hiện mẫu CO đang được sử dụng phổ biến là CO form Ak.
C/O Form AK cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó; hiện được cấp dựa trên hiệp định giữa Hàn Quốc và ASEAN. C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu theo quy tắc xuất xứ. Mẫu C/O Form AK không chỉ có tác dụng chứng minh rõ ràng nguồn gốc của hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi khi nhập khẩu (ưu đãi về thuế). Từ đó, cắt giảm được chi phí và tăng lợi nhuận lên một cách đáng kể.
Hàng hóa có C/O Form AK là hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước thành viên trong ASEAN thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định đã được ký.
2. Những quy định về CO Form AK
2.1. Nội dung trên C/O Form AK
CO form AK có nhiều mục với nhiều loại nội dung khác nhau và khai phải phù hợp với Tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan và các giấy tờ khác. Chứng từ phải được khai bằng tiếng Anh và đánh máy. Nội dung cụ thể của C/O mẫu AK cụ thể như sau:
- Ô số 1 và số 2: ghi thông tin về người xuất khẩu (exporter) và người nhập khẩu (importer). Bạn phải lưu ý rằng thông tin ở phần này phải trùng khớp với thông tin trên Invoice và vận đơn (bill of lading).
- Ô trên cùng bên phải: do tổ chức cấp CO ghi.
- Ô số 3: Phương tiện vận chuyển hàng hóa và phương thức vận tải, ví dụ như: đường bộ, đường biển hay đường hàng không….; ngày khởi hành và tên cảng bốc dỡ hàng.
- Ô số 4: Để trống vì là ô dành cho các cơ quan chức năng tại nước nhập khẩu hàng hóa sẽ đánh dấu thích hợp trước khi gửi lại cho tổ chức đã cấp CO này.
- Ô số 5: Danh mục hàng hóa
- Ô số 6: Số và ký hiệu trên kiện hàng hóa
- Ô số 7: Thông tin mô tả hàng hóa. Các thông tin này bao gồm: số lượng, khối lượng hàng hóa, quy cách đóng gói đóng gói của hàng hóa, mã HS code của loại hàng đó…
- Ô số 8: Đây là ô nêu nên các tiêu chí xuất xứ hàng hóa, nguyên liệu là xuất xứ thuần túy hay không thuần túy.
- Ô số 9: Biểu thị số lượng và giá trị FOB của lô hàng đó.
- Ô số 10: Ngày và số của hóa đơn thương mại (invoice). Bạn cần phải kiểm tra kĩ mục này vì đây là một thông số tham khảo vô cùng quan trọng.
- Ô số 11: Tên nước nhập khẩu, tên nước xuất khẩu, ngày xin và địa điểm xin cấp C/O form AK, cùng với đó là dấu của công ty xin C/O
- Ô số 12: Dấu và chữ ký của cán bộ duyệt C/O.
- Ô số 13: Những nội dung liên quan khác bao gồm: Third country invoicing: hóa đơn nước thứ ba, Back-to-back CO: C/O giáp lưng, Exhibitions: hàng phục vụ triển lãm.
2.2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phát Co Form AK
CO Form Ak được cấp tại phòng quản lý xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương. CO form Ak do nhà sản xuất cấp phát ra là dạng không chính thống và không hưởng được các chế độ ưu đãi của các nước nhập khẩu hàng hóa đó. Ở Việt Nam, cấp phát CO Form Ak do 2 cơ quan thẩm quyền:
+ Phòng quản lý xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương.
+ Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam.
2.3. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa CO
- Ðơn đề nghị cấp CO được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ ( theo mẫu số 3) (1 bản).
- Các tờ CO tương ứng đã được khai hoàn chỉnh: Tối thiểu 3 bản.
- Bản sao tờ khai hải quan làm thủ tục hải quan (có đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp). Các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp bản sao tờ khai hải quan.
- Bản sao hóa đơn thương mại ( có dấu sao y bản chính của thương nhân)
- Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (có dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.
- Bản tính toán chi tiết hàm lượng giá trị khu vực
- Bản kê khai chi tiết mã HS của nguyên liệu đầu vào và mã HS của sản phẩm đầu ra
- Bản sao quy trình sản xuất ra hàng hóa (có dấu sao y bản chính của thương nhân)
- Bản sao tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (có dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất.
- Trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất, bản sao hợp đồng mua bán hoặc bản sao hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước ( có dấu sao y bản chính của thương nhân). Trường hợp không có hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên phụ liệu trong nước thì phải có xác nhận của người bán hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi sản xuất ra nguyên liệu, hàng hóa đó.
- Giấy phép xuất khẩu (nếu có)
- Các chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
Lưu ý về mã HS của hàng hóa khai trên CO là mã HS của nước nhập khẩu. Trong trường hợp mã HS của nước nhập khẩu khác với mã HS nước xuất khẩu, thương nhân cần làm bản cam kết tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã HS nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.
3. Hướng dẫn khai báo CO form AK
- CO phải làm trên khổ giấy A4 phù hợp với mẫu quy định tại phụ lục VI-A và được gọi là CO mẫu AK. CO mẫu AK phải được làm bằng tiếng Anh.
- Một bộ CO bao gồm 01 bản gốc và 02 bản sao carbon. Các nước thành viên thỏa thuận về màu sắc của bản gốc và các bản sao carbon của một bộ CO . Trường hợp phải khai nhiều mặt hàng vượt quá trên một CO, các nước thành viên có thể sử dụng Tờ khai bổ sung CO phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục VI-B; riêng các nước thành viên ASEAN có thể lựa chọn sử dụng Tờ khai bổ sung CO hoặc sử dụng một CO mới.
- CO sẽ mang số tham chiếu riêng của mỗi địa phương hoặc Tổ chức cấp CO, CO mẫu AK chỉ thể hiện trị giá FOB tại ô số 9 khi áp dụng tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực (RVC)
- Bản gốc sẽ do nhà sản xuất/ người xuất khẩu gửi cho người nhập khẩu để nộp cho cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu. Bản thứ hai do Tổ chức cấp CO của nước thành viên xuất khẩu lưu. Bản thức ba sẽ do nhà sản xuất và người xuất khẩu lưu.
- Tổ chức cấp CO sẽ định kỳ cung cấp cho cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu các thông tin chi tiết trên CO được cấp gồm số tham chiếu và ngày cấp, nhà sản xuất và hoặc người xuất khẩu và mô tả hàng hóa.
- Trong trường hợp CO bị từ chối bởi cơ quan Hải quan nước nhập khẩu, CO sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và bản gốc CO này sẽ được gửi lại cho Tổ chức cấp CO trong thời hạn hợp lý nhưng không quá 02 tháng. Tổ chức cấp CO sẽ được thông báo về lý do từ chối cho hưởng ưu đãi đối với CO này.
- Trường hợp CO bị từ chối như đã nêu tại khoản 6, cơ quan Hải quan nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận giải trình của Tổ chức cấp CO và đánh giá lại liệu CP đó có được chấp nhận cho hưởng thuế suất ưu đãi hay không. Các giải trình của Tổ chức cấp CO phải chi tiết và lý giải những vấn đề mà nước thành viên nhập khẩu đã đưa ra để từ chối cho hưởng ưu đãi.
Quy trình thủ tục xin cấp CO Form AK
Sau khi nắm được những nội dung chính của CO Form AK bạn cần chuẩn bị các thủ tục chính theo các bước:
- Bước 1: Khai báo hệ thống trên website chính của Bộ Công Thương. Nếu doanh nghiệp chưa đăng ký thương nhận thì cần chuẩn bị hồ sơ thương nhận. Tiếp đó là xin cấp tài khoản trên hệ thống.
- Bước 2: Cần lấy số và chờ được gọi tại quầy.
- Bước 3: Nộp hồ sơ và sẽ được cán bộ tiếp nhận, kiểm tra và tư vấn chi tiết và cụ thể.
- Bước 4: Cấp CO và nhận dữ liệu từ website
- Bước 5: Cán bộ tiếp nhận ký duyệt CO Form AK. CO sẽ được đóng dấu, cơ quan quản lý sẽ lưu 1 bản, còn lại 1 bản trả cho CO hợp lệ cho doanh nghiệp.
Hi vọng qua những thông tin trên mà Luật Minh Khuê đã chia sẻ sẽ giúp ích với bạn, nếu còn bất cứ thắc mắc nào thì hãy liên hệ ngay qua hotline: 1900.6162 để được tư vấn kịp thời. Trân thành cảm ơn!