Lúc này Chi Nhánh.... của ngân hàng thiếu nhân viên kho quỹ, và kêu 7 nhân viên kho quỹ đến phỏng vấn tại P.Nhân sự của hội sở ngân hàng. Tôi được sếp Chi nhánh ứng tuyển cho tôi vào làm việc Chi nhánh.... của ngân hàng. Trong quá trình chờ quyết định để chuyển công tác qua Chi nhánh. Tôi xin nghỉ không lương tại phòng giao dịch từ ngày 27/5 đến 13/6/2015 (15 ngày k lương). Lý do : tôi chuyển phôi trữ Thụ tinh trong ống nghiệm của bệnh viện X. Đến ngày 12/6 có kết quả có thai. Đồng thời có quyết định chuyển công tác về Chi nhánh ngày 15/6/2015. Tôi tiếp tục làm đơn xin nghỉ không lương 1 tháng đến hết ngày 14/7 tại Chi nhánh. Nay chuẩn bị đi làm tại Chi nhánh, tôi bị động thai. Bác sĩ có ghi sổ khám bệnh cần nghỉ ngơi & hạn chế đi lại. Tôi lại làm đơn xin nghỉ không lương thêm 3 tháng và kèm sổ khám thai nộp tại Chi nhánh. Nhưng đơn nghỉ phép này Chi nhánh k giải quyết vì nói tôi nghỉ đến 3 tháng. Chi nhánh chuyển đơn xin nghỉ không lương 3 tháng về P.Nhân sự của hội sở. Cách đây 2 ngày P.Nhân sự gọi cho tôi, nói tôi cân nhắc công việc do tôi là nhân viên kho quỹ, công việc về tiền, rất nặng nề. Nói tôi nếu nghỉ 3 tháng không lương thì có vào làm việc ổn không?. Tôi trả lời " đến đó chắc cũng sẽ ổn". Và hướng tôi làm đơn xin nghỉ luôn. Và nói tôi làm đơn xin nguyện vọng  vị trí nào đó nếu có nghỉ thời gian vị trí đó tuyển thì sẽ để ý cho tôi vị trí đó. 

Thưa luật sư, trường hợp này P.Nhân sự có giải quyết cho tôi nghỉ không lương 3 tháng hay chấm dứt hợp đồng với tôi?. Nếu cho tôi nghỉ k lương 3 tháng, sau 3 tháng đó tôi vào làm bố trí công việc nặng tôi có từ chối được không ạ? 

Chân thành cảm ơn luật sư. Trân trọng.  

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê.

>> Luật sư tư vấn luật Dân sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Công ty chúng tôi.  Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Lao đông năm 2012

Luật Các tổ chức tín dụng của Quốc hội, số 47/2010/QH12

Thông tư liên bộ 03/TT-LB năm 1994 quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ do Bộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế ban hành

2. Nội dung trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì căn cứ vào Điều 39 và Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định:

Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.

4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Điều 39 và Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong trường hợp của bạn nếu trong hợp đồng làm việc giữa bạn và nơi làm việc không quy định về vấn đề này thì nơi bạn đang làm việc không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với bạn theo quy định của pháp luật. Bạn có thể thực hiện việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động, cụ thể:

Điều 156. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Đối với vấn đề phòng nhân sự nơi bạn làm việc có quyết định cho bạn nghỉ không lương tiếp tục hay không là dựa vào điều lệ của nơi bạn đang làm việc cụ thể. 

Đối với trường hợp sau khi được giải quyết nghỉ không lương 3 tháng thì bạn căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mình để yêu cầu nơi làm việc của bạn thực hiện sắp xếp một vị trí công việc phù hợp với bạn_theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 155 như trên. Căn cứ vào Điều 160 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định:

Điều 160. Công việc không được sử dụng lao động nữ

1. Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước.

3. Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.

 Như vậy theo Khoản 1 Điều 160 thì nơi bạn làm việc không được giao cho bạn những công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con của bạn. Đối với các trường hợp cụ thể không sử dụng lao động nữ bạn có thể xem thêm trong Thông tư liên bộ số 03/TT-LB.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty chúng tôi, hy vọng chúng tôi đã giải đáp được vấn đề của bạn. Hãy gọi:1900.6162khi bạn gặp vướng mắc về pháp lý. Cảm ơn bạn tin tưởng sử dụng dịch vụ của Công ty chúng tôi.

Trân trọng ./.

Bộ phận tư vấn luật lao động - Công ty luật MInh KHuê