Khách hàng: Kính thưa Luật sư Minh Khuê, Luật sư hãy nói đôi nét về ông Maximilian Karl Emil Weber? Qua đó đánh giá, bình luận về tư tưởng thể chế quản lý hành chính của Weber?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Vài nét về Maximilian Karl Emil Weber

Max Weber (1864 - 1920) là một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức, sống cùng một thời kỳ với Taylor và Fayol. Ông đã có những cống hiến kiệt xuất đối với lý luận quản lý cổ điển phương Tây.

Maximilian Karl Emil Weber là một nhà xã hội học, nhà sử học, nhà luật học và nhà kinh tế chính trị người Đức, người được coi là một trong những nhà lý thuyết quan trọng nhất về sự phát triển của xã hội phương Tây hiện đại. Ý tưởng của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết xã hội và nghiên cứu xã hội. Mặc dù được công nhận là một trong những cha đẻ của xã hội học, cùng với Auguste Comte và Émile Durkheim, Weber chưa bao giờ thừa nhận mình như một nhà xã hội học, mà là một nhà sử học.

Khác với Émile Durkheim, Weber không tin vào những lời giải thích đơn nguyên, thay vào đó đề xuất rằng đối với bất kỳ kết quả nào cũng có thể có nhiều nguyên nhân. Do đó, ông là người đề xướng phương pháp luận chống chủ nghĩa thực chứng, lập luận cho việc nghiên cứu hành động xã hội thông qua các phương pháp diễn giải (chứ không phải theo chủ nghĩa kinh nghiệm), dựa trên sự hiểu biết về mục đích và ý nghĩa của các cá nhân gắn với hành động của chính họ. Mối quan tâm chính của Weber là tìm hiểu các quá trình hợp lý hóa, thế tục hóa và "sự biến đổi", mà ông cho là kết quả của một cách nghĩ mới về thế giới, liên kết các quá trình đó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản và nền văn minh hiện đại.

Ông Weber được biết đến nhiều nhất với luận án kết hợp xã hội học kinh tế và xã hội học tôn giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của những ảnh hưởng văn hóa gắn liền với tôn giáo như một phương tiện để hiểu về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản (trái ngược với chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx).

2. Vai trò của Weber trong quá trình phát triển tư tưởng quản lý cận đại của phương Tây

Trong thời kỳ của Weber, sản xuất tư bản chủ nghĩa đang phát triển mạnh ở Đức. Là một nước tư bản chủ nghĩa phát triển sau, từ thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, tốc độ phát triển công nghiệp ở Đức đã vượt Anh và Pháp. Bước vào thế kỷ XX, Đức đã trở thành cường quốc công nghiệp số một của Châu Âu. Nhưng lúc đó, ảnh hướng của chế độ phong kiến vẫn tồn tại rộng rãi ở nước này. Thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng mà Weber đề ra, một mặt là mô thức chung và công cụ hữu hiệu của quản lý tư bản chủ nghĩa, phù hợp với nhu cầu quản lý phức tạp ở các xí nghiệp hiện đại của sản xuất xã hội hóa và tất cả các tổ chức xã hội quy mô lớn, phản ánh yêu cầu phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa của nước Đức; và mặt khác, là vũ khí mạnh mẽ nhằm phủ định mô thức quản lý phong kiến kiểu cha truyền con nối.

Ông Weber cho rằng, đặc trưng cơ bản của mô thức quản lý phong kiến, kiểu cha truyền con nối là lấy ý chí cá nhân làm trung tâm, là hành vi theo ý chí. Tất cả những nhà cai trị phong kiến đều phản đối việc dùng hình thức pháp luật để hạn chế hành vi quản lý của họ.

Đặc trưng của thể chế quan liêu, tức thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng là ở chỗ tất cả các hành vi quản lý đều tuân theo những nguyên tắc của lý trí, phải hợp lý, hợp pháp, không cho phép pha lẫn yếu tố tình cảm, ý muốn cá nhân.

Tóm lại, phải làm cho công việc quản lý không bị nhân cách hóa. Điều đó cũng có nghĩa là, uy quyền mà thể chế quản lý này đòi hỏi là uy quyền của lý trí, pháp luật chứ không phải là uy quyền cá nhân. Cái mà nó đòi hỏi người ta phục tùng không phải là cá nhân nhà quản lý mà là những trình tự, quy phạm không bị nhân cách hóa. Ở đây, cá nhân nhà quản lý chỉ là người thực thi những trình tự và quy phạm đó.

Do vai trò của lý luận về tổ chức của Weber trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản ở Đức, các nhà khoa học về quản lý ở phương Tây đã ví Weber với Adam Smith. Adam Smith phê phán lý luận của chủ nghĩa trọng thương trong kinh tế học là để dọn đường cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở nước Anh. Max Weber phê phán ảnh hưởng phong kiến trong lĩnh vực quản lý là để dọn đường cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Đức.

Xét theo vai trò của Weber trong quá trình phát triển tư tưởng quản lý cận đại của phương Tây, cống hiến chủ yếu của ông là phân tích một cách có hệ thống cơ cấu của các tổ chức chính thức và trình bày một cách toàn diện những đặc trưng cơ bản cần có của tất cả các tổ chức xã hội lớn tư bản chủ nghĩa. Tư tưởng trung tâm của nó là coi tổ chức là một hệ thống do cơ cấu cấp bậc của các chức vị và các bộ phận hình thành.

Quyền hạn và chức trách của mỗi chức vị, bộ phận đều được xác định theo những nguyên tắc hợp lý, hợp pháp và cãn cứ vào địa vị của nó trong tổ chức. Mọi hành vi chức vụ của mỗi thành viên trong tổ chức đều chịu sự ràng buộc của những quy tắc đã định. Cũng như trường hợp của Fayol, trước thập kỷ 40, 50 của thế kỷ XX, các nước Âu Mỹ chưa coi trọng đúng mức tư tưởng quản lý của Weber.

3. Ảnh hưởng quan điểm của ông Weber đến sự phát triển của lý luận quản lý phương Tây

Với sự phát triển của kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, quy mô của các xí nghiệp và tổ chức xã hội được mở rộng, nên người ta ngày càng nhận rõ giá trị của thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng do Weber nêu ra.

Ngày nay, thể chế quản lý ấy đã trở thành một cơ cấu điển hình của các tổ chức chính thức, một hình thức tổ chức chủ yếu, được ứng dụng rộng rãi trong các thiết kế tổ chức và đã phát huy tác dụng chỉ đạo một cách hữu hiệu.

Những quan điểm sắc sảo của ông đã ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến sự phát triển của lý luận quản lý phương Tây sau đó. Cống hiến của Weber đối với sự phát triển của lý luận quản lý đã được các nhà khoa học về quản lý ở phương Tây thừa nhận một cách rộng rãi. Những ý kiến bổ ích của’ ông đã không ngừng gợi mở nhiều vấn đề cho các nhà quản lý.

Nhưng cũng cần thấy rằng, thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng mà Weber trình bày cũng tồn tại một số thiếu sót khó khắc phục.

Từ những đặc trưng của thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng mà Weber trình bày, người ta dễ dàng nhận thấy, xuất phát điểm căn bản xuyên suốt thể chế này, cũng giống như lý luận quản lý một cách khoa học của Taylor, đều coi con người là công cụ bị động. Weber nói: “Một viên chức chẳng qua chỉ là một cái răng khế trên một cỗ máy đang vận hành. Phương hướũg vận hành của cỗ máy đã quy định phương hướng vận hành cơ bản, cố định của cái răng khế”.

Thể chế quản lý máy móc ấy, trong những điều kiện thích đáng, có thể phát huy hiệu quả cao. Thế nhưng, như một số nhà khoa học về quản lý ở phương Tây đã vạch rõ, các yếu tố cấu thành của thể chế quản lý này, trong những điều kiện nhất định, cũng có thể có tác dụng ngược lại, dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho tổ chức.

4. Ví dụ chứng minh cho quan điểm của ông Weber

a. Thí dụ, việc nghiêm khắc tuân theo quy chế để xử lý công việc là điều kiện cần thiết để thực hiện mục đích của tổ chức.

Tuy nhiên, nếu không xem xét cụ thể mà cứ nhấn mạnh quá mức và chấp hành quy chế một cách máy móc, khiến cho phương tiện thực hiện mục đích của tổ chức trở thành mục tiêu của công việc thì sẽ dẫn đến tình trạng biến việc chấp hành quy chế thành chuẩn mực tối cao, bất khả xâm phạm mà không xét đến hậu quả của nó sẽ có lợi cho việc thực hiện mục đích của tổ chức hay không. Kết quả là mọi người đều bị quy chế buộc chặt chân tay, mất hết tính chủ động, sáng tạo trong công việc, khiến cho toàn bộ tổ chức trở nên xơ cứng, mất hết năng lực ứng biến. Đồng thời, các hiện tượng tiêu cực tương tự tất nhiên sẽ xuất hiện như dùng những văn bản phức tạp để trói buộc mọi người, khiến cho hoạt động của tổ chức mất đi hiệu lực cần có; mọi người sẽ quá ư cẩn thận khi xử lý công việc để bảo vệ lợi ích bản thân, chỉ cần biết có phù hợp quy chế hay không mà không cần nghĩ đến mục đích căn bản của tổ chức. Trong quan hệ giữa các bộ phận, giữa các thành viên của tổ chức sẽ có tình trạng khi gặp việc thì đùn đẩy, giằng co nhau trong công việc v.v...

b. Ví dụ khác về hệ thống cấp bậc là một đặc trưng cơ bản của thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng, là một nguyên tắc quan trọng để giữ gìn trật tự của tổ chức và bảo đảm hiệu lực của tổ chức. Theo nguyền tắc đó, cấp dưới phải tiếp thu sự chỉ huy, điều khiển, giám sát, đôn đốc của cấp trên. Việc thăng cấp cho cấp dưới là do cấp trên quyết định hoàn toàn.

Như vậy, sẽ dẫn đến việc cấp dưới nịnh bợ cấp trên, chỉ báo cáo thành tích, không báo cáo khuyết điểm, khiến cho quan hệ cấp trên và cấp dưới không lành mạnh. Mặt khác, do sự hiểu biết của cấp trên về năng lực và biểu hiện thực tế của cấp dưới không thể lúc nào cũng đúng, nên tất nhiên sẽ dẫn đến sự bất mãn của cấp dưới. Tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng đến khối đoàn kết của tổ chức và việc nâng cao hiệu quả công việc.

Kết quả là tác dụng của thể chế mà người ta mong muốn lúc đầu đã vận động theo chiều hướng ngược lại. Hiện tượng “quan liêu chủ nghĩa” mà lúc đầu người ta chưa nghĩ tới đã dần dần nảy nở và lan rộng.

5. Kết thúc vấn đề

Như vậy, thể chế quản lý hành chính trong lý tưởng mà Weber nêu ra vẫn thích ứng với thể chế quản lý mà sản xuất lớn, xã hội hóa đòi hỏi. Những tư tưởng cơ bản của ông về lý luận tổ chức vẫn là nguyên tắc chỉ đạo hữu hiệu của tất cả các tổ chức phi chính thức.

Đối với những vấn đề nan giải và những khiếm khuyết của thể chế quản lý này, các nhà lý luận về quản lý ở phương Tây đã không ngừng tranh luận trong một thời gian dài. Người ta đã đưa ra những chủ trương sửa đổi hoặc thay thế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được đáp án hoàn hảo.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn)