Phiên họp toàn thể của Nghị viện có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Nghị viện. Chỉ thông qua các phiên họp, các quyết định của Nghị viện mới được ban hành. Xung quanh việc tổ chức các phiên họp có rất nhiều vấn đề phức tạp. Chẳng hạn như thủ tục điểm danh để xác định một phiên họp có giá trị, thủ tục điều hành phiên họp, thủ tục phát biểu, thủ tục tranh luận, kỷ luật trong phiên họp, việc tiến hành biểu quyết v.v..

1. Về triệu tập kỳ họp

    Theo Hiến pháp của Pháp, Nghị viện sẽ triệu tập kỳ họp thường lệ vào ngày làm việc đầu tiên của tháng 10 và kết thúc vào ngày làm việc cuối cùng của tháng 6 năm sau. Số ngày làm việc của kỳ họp được giới hạn là 120 ngày. Tổng thống có thể triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội thông qua một sắc lệnh nhằm xem xét chương trình kỳ họp cụ thể theo đề nghị của Thủ tướng hoặc đại đa số các đại biểu Quốc hội.

    Tại Tây Ban Nha, hàng năm, Nghị viện có 2 kỳ họp thường lệ trong các khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và từ tháng 2 đến tháng 6. Ngoài ra, Quốc hội chỉ triệu tập kỳ họp bất thường theo đề  nghị của Chính phủ, hoặc đại đa số đại biểu Quốc hội. Đề nghị này phải chỉ rõ đề xuất chương trình làm việc của kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội sẽ triệu tập kỳ họp bất thường ngay khi nhận được đề nghị của các đại biểu Quốc hội và theo nội dung chương trình đề xuất. Trong bất kỳ trường hợp nào, Quốc hội cũng phải tiến hành kỳ họp theo đúng chương trình kỳ họp đã được triệu tập.

    Tại Đức, Hạ viện quyết định khi nào kết thúc và tiếp tục kỳ họp. Chủ tịch Hạ viện có thể triệu tập kỳ họp sớm hơn dự kiến nếu như nhận được sự chấp thuận của 1/3 số đại biểu, Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ. Khi Chủ tịch Hạ viện có quyền quyết định thời gian của kỳ họp, thì ông cũng phải nhận được sự chấp thuận của Hạ viện ngay khi bắt đầu kỳ họp.

2. Về sự tham gia các phiên họp của Nghị sĩ

Nghị sĩ là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, nghị sĩ có nghĩa vụ tham gia các phiên họp của Nghị viện và đây là điều kiện cần thiết để tiến hành các phiên họp của Nghị viện. Nghị viện một số nước có quan niệm cho rằng một phiên họp của Nghị viện bị coi là không có giá trị khi có ít hơn một lượng đại biểu nhất định tham gia phiên họp. Điều này đảm bảo mỗi quyết định của Nghị viện sẽ tập trung đầy đủ những ý kiến thể hiện quan điểm của nhiều tầng lớp quần chúng khác nhau. Điều 4, Nội quy làm việc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quy định các kỳ họp chỉ được tổ chức khi có nhiều hơn hai phần ba tổng số đại biểu có mặt. Tuy nhiên, cũng có nhiều Nghị viện không đòi hỏi một số lượng tối thiểu các đại biểu có mặt thì các phiên họp của Nghị viện mới có giá trị (ví dụ như ở Thụy Điển, Italia, Phần Lan…). Lý do là trong trường hợp có quá ít các đại biểu có mặt thì Nghị viện không thể thông qua các quyết định do không có đủ đa số cần thiết theo luật định. Chính vì vậy, bắt đầu phiên họp của Nghị viện thường là thủ tục điểm danh để xác định túc số cần thiết. Đối với một số Nghị viện, thủ tục điểm danh là thủ tục có tính thường xuyên.

Điều 44, Nội quy của Đuma Liên bang Nga quy định: 1. Phiên họp Đuma Quốc gia bắt đầu từ việc điểm danh các đại biểu có mặt do chủ toạ tiến hành. 2. Phiên họp của Đuma Quốc gia được coi là hợp lệ khi đa số của tổng số đại biểu có mặt. Khi quy định về trình tự công việc trong phiên họp, Điều 51, Nội quy của Hạ viện Philippines cũng xác định thủ tục điểm danh là công việc đầu tiên của phiên họp. Trong một số trường hợp, việc tổ chức điểm danh tuỳ thuộc vào từng thời điểm. Nội quy của Hạ viện Nhật Bản xác định (Điều 106): “Khi số thành viên có mặt không đủ một phần ba tổng số thành viên, thì Chủ tịch Hạ viện phải tổ chức đếm lại số thành viên đó sau một khoảng thời gian hợp lý. Nếu sự có mặt của số thành viên tối thiểu để phiên họp có giá trị tiến hành không đủ vào lần đếm thứ hai thì Chủ tịch Hạ viện có thể tạm ngừng phiên họp. Khi không đủ số thành viên cần thiết để cuộc họp có giá trị được tiến hành trong thời gian phiên họp thì Chủ tịch Hạ viện có thể tuyên bố hoãn hoặc tạm ngừng phiên họp”. Ở Hạ viện CHLB Đức, việc điểm danh được thực hiện bằng cách các nghị sĩ khi đi qua cửa ra vào phòng họp Nghị viện phải ký vào các tấm thẻ tham dự phiên họp để tổng hợp kết quả.

3. Về phiên họp kín và phiên họp công khai

Nguyên tắc chung là các phiên họp của Nghị viện được tổ chức công khai. Đây là nguyên tắc được hầu hết Nghị viện các nước trên thế giới ghi nhận và tuân thủ. Ở Nghị viện các nước, sự công khai của các phiên họp của Nghị viện được thể hiện trước hết qua sự hiện diện của công chúng tại hội trường. Ở Hạ viện Cộng hoà Pháp, Hội trường tiến hành phiên họp toàn thể của Viện có 12 chỗ dành cho công chúng đến dự thính với nguyên tắc ai đến trước thì được tham gia mà không cần có giấy mời. Sự công khai của các phiên họp của Nghị viện còn thể hiện qua sự tham gia, đưa tin của báo chí về các hoạt động của Nghị viện. Đây là công cụ hết sức quan trọng làm cho các hoạt động của Nghị viện thực sự công khai đối với quảng đại công chúng. Do yêu cầu về tính công khai trong các hoạt động của Nghị viện được đề cao nên việc tiến hành các phiên họp kín của Nghị viện thực sự cần có sự cân nhắc kỹ càng.

Thông thường, các cuộc họp kín được tổ chức khi Nghị viện thảo luận về những vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia hoặc những vấn đề có tính nhạy cảm có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích chung.

4. Chỗ ngồi trong hội trường và vị trí phát biểu

Việc bố trí chỗ ngồi của nghị sĩ trong Hội trường cũng thường là vấn đề gây nhiều tranh luận trong quá trình hoạt động của Nghị viện nhiều nước vì dù thiết kế thế nào đi nữa thì cũng không tránh khỏi sẽ có những vị trí chỗ ngồi có nhiều thuận lợi hơn các vị trí còn lại. Vì lý do này mà nội quy hoạt động của Nghị viện nhiều nước đã dành nhiều điều khoản để quy định về vấn đề này(1). Cách thức bố trí chỗ ngồi của nghị sĩ ở Nghị viện các nước cũng có nhiều điểm khác nhau. Có nước áp dụng hình thức bốc thăm để xác định chỗ ngồi của đại biểu (như Philippines), có nước áp dụng hình thức phân bổ chỗ ngồi theo đơn vị cử tri và thực hiện luân chuyển (như Thụy Điển), có nước lại áp dụng phân chia chỗ ngồi theo đảng phái (ở Hạ viện Mỹ, nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ được bố trí ngồi lần lượt bên trái và bên phải chủ toạ, ở Hạ viện Anh, phe Chính phủ và phe đối lập được bố trí ngồi đối diện nhau).

5. Các nguyên tắc tổ chức các cuộc thảo luận

Thủ tục tiến hành các cuộc thảo luận có rất nhiều điểm phức tạp với những quy định chi tiết trong Nội quy của Nghị viện và cả những quy định có tính truyền thống mà ngay cả những nghị sĩ đã phục vụ lâu năm trong Nghị viện cũng khó có thể tường tận hết. Tuy vậy, theo Henry M.Robert(2) thì mọi cuộc thảo luận ở Nghị viện đều cần phải đảm bảo các nguyên tắc chung như:

Thứ nhất, các cuộc thảo luận phải được tiến hành trên cơ sở một thủ tục được xác định rõ ràng; Thứ hai, tất cả các nghị sĩ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong quá trình thảo luận, các quy tắc về thủ tục thảo luận phải được thực hiện một cách không thiên vị. Các ý kiến đa số có quyền quyết định cuối cùng nhưng quyền phát biểu của nhóm thiểu số phải được bảo đảm;

Thứ ba, phải bảo đảm số lượng nghị sĩ cần thiết có mặt để các cuộc thảo luận có giá trị;

Thứ tư, quyền bàn luận một cách đầy đủ và tự do là một quyền cơ bản trong khi tiến hành thảo luận;

Thứ năm, chỉ được phép có một vấn đề được thảo luận vào bất kỳ thời điểm nào khi tiến hành phiên họp;

Thứ sáu, Vào bất kỳ thời điểm nào, các nghị sĩ cũng có quyền được biết vấn đề gì đang được xem xét; và vấn đề đó cần phải nhắc lại trước khi cuộc biểu quyết được thực hiện (tuy nhiên, một nghị sĩ không được phép hỏi quá nhiều về vấn đề này vì như vậy ông ta đã thể hiện sự lơ là trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình);

Thứ bảy, không nghị sĩ nào được phép phát biểu nếu chưa được phép của Chủ tọa phiên thảo luận;

Thứ tám, không ai được phép phát biểu lần thứ hai vào cùng một vấn đề khi đang có người khác muốn thực hiện bài phát biểu của mình vào vấn đề đó .

Thứ chín, vị chủ tọa phải điều khiển phiên họp một cách công bằng và thẳng thắn. Với những nguyên tắc như vậy, các yêu cầu phát biểu tại phiên thảo luận của Nghị viện thường được gửi trước đến cho Chủ tịch Nghị viện.

Trong thời gian diễn ra phiên họp, Chủ tịch Nghị viện sẽ cho phép hay mời phát biểu theo thứ tự ghi tên xin phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, trong phòng họp khi tiến hành thảo luận, các nghị sĩ cũng có thể phát biểu ý kiến bằng cách giơ tay. Nhưng những người chưa gửi yêu cầu phát biểu đến trước cho Chủ tịch Nghị viện thì không được phép phát biểu cho tới khi những người đăng ký trước đã phát biểu hết. Chủ tọa phiên họp sẽ ưu tiên cho nghị sĩ nào giơ tay trước được phép phát biểu trước. Nếu có nhiều người cùng giơ tay một lúc, Chủ tịch Nghị viện sẽ ghi tên của những người này và toàn quyền xếp đặt thứ tự phát biểu ý kiến, với mục đích làm sao cho sự trình bày các ý kiến được mạch lạc và tạo ra sự đối thoại giữa các lập trường khác biệt đối với vấn đề đang tranh luận. Song, cũng có một nguyên tắc bắt buộc là trong cuộc thảo luận của Nghị viện không được có những cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai hay nhiều nghị sĩ. Quy tắc này được quy định để hạn chế sự căng thẳng trong quá trình thảo luận ở nghị trường. Nhằm tránh sự lạm dụng quyền phát biểu để thực hiện những mưu đồ chính trị riêng, Nội quy của Nghị viện nhiều nước có những quy định mang tính hạn chế quyền phát biểu của nghị sĩ bằng các biện pháp như:

5.1. Hạn chế số lần phát biểu của nghị sĩ về một vấn đề

Thông thường Nội quy của Nghị viện các nước quy định mỗi Nghị sĩ chỉ được phát biểu tối đa ba lần về một vấn đề, hay trong một buổi họp. Một số nước có quy định ngặt nghèo hơn, chẳng hạn Điều 117, Nội quy Thượng viện Nhật có quy định các nghị sĩ chỉ được tham gia nhiều nhất là hai lần thảo luận về một vấn đề đang được Nghị viện xem xét. Tuy nhiên, sau ba lần phát biểu ý kiến, Nghị sĩ vẫn có thể được Nghị viện cho phép phát biểu ý kiến thêm, bằng một biểu quyết không thảo luận.

5.2. Hạn chế thời gian của mỗi lần phát biểu

Các phát biểu thảo luận tại hội trường của Nghị viện phải chịu sự hạn chế về mặt thời gian. Nội quy Nghị viện các nước thường ấn định thời gian dành cho sự phát biểu không quá 5 phút trong một lần. Tuy nhiên, những diễn giả cũng có thể được phép gia hạn phát biểu từ 2 đến 5 phút khi được Nghị viện đồng ý nhằm làm sáng tỏ hơn các ý kiến của mình. Sự hạn chế quyền phát biểu không được áp dụng đối với những nhân vật có địa vị hoặc vai trò đặc biệt trong Nghị viện như: Chủ tịch Uỷ ban, Phúc trình viên của uỷ ban, hay tác giả đề án. Những người này, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể xin Chủ tọa phiên họp cho phép phát biểu ý kiến, để trả lời hay giải thích.

5.3. Hạn chế về phạm vi phát biểu

Các phát biểu tại cuộc thảo luận phải có liên quan trực tiếp đến những vấn đề đang thảo luận. Trong trường hợp nhận thấy người phát biểu có những biểu hiện vượt quá phạm vi tranh luận, Chủ tịch Nghị viện có thể mời người đó dừng ngay bài phát biểu của họ hoặc thậm chí có thể mời người này ra khỏi hội trường. Hơn nữa, Chủ tịch Nghị viện cũng có quyền yêu cầu những người phát biểu sau không được nhắc lại hoàn toàn những ý kiến đã được phát biểu trước đó mà không có bổ sung gì thêm. Mặc dù có rất nhiều quy định để hạn chế sự đình trệ thực hiện nghị trình, nhưng Nghị viện nhiều nước vẫn không tránh khỏi những sự lạm dụng của nghị sĩ để đình hoãn việc xem xét một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, Hạ viện Anh thường xuyên phải biểu quyết những vấn đề không cần phải thảo luận (chẳng hạn như các kiến nghị về sự vi phạm nội quy) do các nghị sĩ đưa ra nhằm kéo dài việc xem xét một vấn đề nào đó của Nghị viện và tránh đưa các vấn đề tiếp sau ra thảo luận quá sớm. Trong cuộc tranh luận, Chủ tịch Nghị viện không được tham gia trực tiếp vì nhiệm vụ của ông ta là chủ tọa phiên họp và đảm bảo cuộc thảo luận diễn ra theo đúng Nội quy mà Nghị viện đã định. Song, để đảm bảo quyền tham gia vào các quyết định của Nghị viện của Chủ tịch Nghị viện được phép rời bỏ vị trí chủ tọa của mình để ngồi vào ghế nghị sĩ của mình và tham gia tranh luận. Trong trường hợp này, chủ tọa phiên họp sẽ là một Phó chủ tịch Nghị viện, hoặc người có thâm niên làm nghị sĩ lâu nhất, hoặc người lớn tuổi nhất của Nghị viện. Vào bất cứ lúc nào trong một cuộc thảo luận, một Nghị sĩ nào nhận thấy nội quy bị vi phạm hay không được áp dụng, cũng có quyền đứng lên nêu vấn đề ngay, không phải đợi Chủ tịch mời phát biểu ý kiến. Một cuộc thảo luận chỉ kết thúc để đi đến biểu quyết khi tất cả nghị sĩ ghi tên đã lần lượt lên tiếng. Chính vì vậy, có những phiên họp của Nghị viện các nước kéo dài đến tận hơn nửa đêm. Tuy nhiên, Chủ tịch Nghị viện vẫn có thể đề nghị biểu quyết kết thúc cuộc thảo luận trước thời điểm này khi nhận được kiến nghị của một lượng nghị sĩ nhất định (thông thường chỉ cần 5 nghị sĩ nêu lên kiến nghị này). Cuộc thảo luận sẽ kết thúc nếu kiến nghị chấm dứt thảo luận nhận được sự đồng ý của một đa số các nghị sĩ tham gia thảo luận.

Tài liệu tham khảo:

(1). Đặc biệt Nội quy hoạt động của Hạ viện Philippines đã dành hẳn Chương 16 để quy định về chỗ ngồi của đại biểu Quốc hội.

(2). Xem Henry M.Robert (1993), Robert’s Rules of Order, Berkley, New York, 1993, p.1801