1. Dịch vụ giao nhận tận nơi (Door to door) là gì ?

Cụm từ "Door to door" trong tiếng Việt có nghĩa là "từ cửa đến cửa", tức là có thể hiểu là từ nơi gửi đến nơi nhận hàng, hay hiểu nôm na là dịch vụ giao nhận tận nơi - giao hàng tận nhà. 

Dịch vụ giao nhận tận nơi có thể bao gồm cả khâu vận chuyển hàng hóa đến các thủ tục giấy tờ cần thiết, thủ tục hải quan, thủ tục thông quan, ... để có thể xuất khẩu hàng từ trong nước ra quốc tế hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Trường hợp khách hàng có nhu cầu thì dịch vụ này sẽ có cả dịch vụ gửi hàng - trả hàng hoặc dịch vụ bảo hiểm hàng hóa để phòng ngừa các trường hợp bất khả kháng.

Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng hai loại hình của dịch vụ vận chuyển giao nhận tận nơi này, bao gồm:

- Dịch vụ vận chuyển door to door quốc tế: đây là dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ người giao đến tận tay người nhận, có các thủ tục hải quan xuất - nhập khẩu.

- Dịch vụ vận chuyển door to door nội địa: đây là dịch vụ giao hàng tận nơi người nhận trong một quốc gia, trong một lãnh thổ.

Hiện nay, một số nhà cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa tận nơi nổi tiếng và phổ biến tại Việt Nam phải kể đến như: Giaohangtietkiem.vn; Giaohangnhanh.vn; Viettel Post; Shipantoan.vn ; Shipchung.vn; SShip.vn; ...

2. Vai trò của dịch vụ Door to door trong vận chuyển hàng hóa

Dịch vụ giao nhận tận nơi hay còn gọi là Door to door có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vận chuyển hành hóa bởi sự tiện lợi và hiệu quả mà dịch vụ này mang lại cho sàn giao dịch thương mại, đơn vị vận chuyển và người sử dụng dịch vụ. Một số lợi ích mà dịch vụ giao nhận tận nơi mang lại phải kể đến như:

- Hàng hóa được lấy và giao nhận tận nơi cho người nhận, rất thuận lợi, khách hàng không cần tốn sức, chỉ cần chọn điểm nhận và điểm lấy hàng thì hàng hóa sẽ được đơn vị vận chuyển đến lấy và giao tận tay.

- Chi phí giao nhận hàng hóa khá tiết kiệm và có nhiều sự cạnh tranh

- Dịch vụ này còn cung cấp cả loại hình giao hàng nhanh chóng, tiện lợi cho người tiêu dùng

- Tiết kiệm thời gian và công sức cho nhiều bên (người bán, người mua). Thời gian giao hàng và nhận hàng, vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận trực tiếp của các bên với nhau, không bắt buộc về thời gian hay địa điểm từ một phía.

- Hàng hóa được đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển từ kho đến tay người nhận vì quá trình giao và nhận hàng hóa đều được thực hiện theo quy trình, có ký biên bản nhận hàng, chụp ảnh hóa đơn, ... để có căn cứ giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh.

- Các chính sách nhận hàng và trả hàng hóa còn nguyên vẹn khi bên người mua từ chối nhận hàng hoặc quá trình vận chuyển có vấn đề trục trặc

- Người nhận sẽ được kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán (nếu bên bán và bên mua yêu cầu) hoặc có thể từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu theo thỏa thuận, nhằm hạn chế được rủi ro khi mua hàng hóa online.

Với những lợi ích mà dịch vụ giao hàng tận nơi mang lại thì có thể khẳng định dịch vụ này đang là loại hình được sử dụng nhiều nhất và mang nhiều lợi nhuận nhất trong ngành nghề vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ hóa - mua sắm online lên ngôi.

3. Tiến hành sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi

Mỗi loại dịch vụ đều sẽ có trình tự thủ tục riêng biệt, do đó, để sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, quý khách nên thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tìm hiểu và liên hệ với đơn vị vận chuyển để yêu cầu sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa

Cá nhân có nhu cầu vận chuyển - người bán hàng cần tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa giao nhận tận nơi uy tín và chất lượng để tiến hành hợp tác. Qúy khách có thể tham khảo trên các trang website của các đơn vị này hoặc thông qua bạn bè, người thân đã từng sử dụng dịch vụ của đơn vị này để quyết định giao kết. Thông qua đó, quý khách có thể đánh giá và có cái nhìn khách quan nhất để có thể lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa tận nơi uy tín, tránh bị lừa đảo và giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy đến cho mình.

Bước 2: Tiến hành trao đổi và thỏa thuận trực tiếp với đơn vị vận chuyển bằng hợp đồng

Để đảm bảo tính khách quan và rõ ràng trong quá trình sử dụng dịch vụ, khi tiến hành hợp tác với đơn vị vận chuyển nào đó nên có sự thỏa thuận bằng giấy tờ, văn bản cụ thể. Trong đó cần nêu rõ những nội dung về lợi ích, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên, đồng thời cũng nên đưa ra một số điều kiện về việc giải quyết tranh chấp khi xảy ra. Chỉ như vậy mớ có thể bình đẳng, công bằng cho cả hai bên, xây dựng được niềm tin và chữ tín lâu dài.

Bước 3: Nhân viên của đơn vị vận chuyển sẽ đến tận nơi để nhận hàng hóa từ người gửi

Nếu như trước đây, để gửi hàng thì người gửi phải mang hàng hóa đến địa chỉ giao nhận của đơn vị vận chuyển để viết đơn gửi, giao cho nhân viên để họ tiến hành giao hàng hóa đi gửi. Thì hiện nay, người gửi hàng chỉ cần làm thủ tục tạo đơn điện tử và gửi cho bên vận chuyển bằng cách nhập lên hệ thống. Khi nhận được đơn điện tử, đơn vị vận chuyển sẽ cử nhân viên đến địa chỉ giao hàng được ghi nhận trong đơn điện tử để lấy hàng hóa. Sau đó, nhân viên sẽ gom các đơn về kho lưu trữ và sắp xếp theo tuyến di chuyển để gửi cho người nhận hàng.

Bước 4: Đóng gói lại hàng hóa để đảm bảo tính nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển

Thông thường, trước khi gửi hàng hóa thì người bán đã tự đóng gói lại hàng rồi mới chuyển đi, tuy nhiên, sau khi nhận được hàng về kho thì nhân viên sẽ kiểm tra lại một lần nữa. Nếu trường hợp thấy hàng hóa chưa được đóng gói kỹ càng thì họ có thể tiến hành đóng gói lại hàng hóa. Sau khi đảm bảo hàng hóa đã được bảo quản cẩn thận thì nhân viên kho mới chuyển hàng đi.

Bước 5: Thực hiện vận chuyển hàng hóa và lưu kho bãi

Hàng hóa sẽ được chuyển đi đảm bảo đúng tuyến trình đã được thiết lập sẵn, từ kho đến nơi nhận. Trường hợp người nhận - người mua hàng chưa kịp nhận hàng hóa thì vẫn có thể hẹn lại với bên giao hàng về thời gian giao. Tuy nhiên, số lần hẹn giao lại tối đa có thể lên tới 03 đến 04 lần, tùy từng đơn vị vận chuyển.

Bước 6: Tiến hành các thủ tục hải quan khi cần thiết

Trường hợp người bán giao hàng quốc tế cho đơn vị vận chuyển thì chính đơn vị vận chuyển sẽ là người làm việc với cơ quan hải quan. Người bán - người gửi hàng hóa sẽ không cần phải quan tâm đến các thủ tục khai hải quan này. Khi đó, giá của dịch vụ vận chuyển mà đơn vị vận chuyển tính cho người bán sẽ bao gồm cả dịch vụ hải quan.

Bước 7: Bốc dỡ hàng hóa và chuyển lên các phương tiện vận chuyển thích hợp

Khi tiến hành vận chuyển thì các dịch vụ vận chuyển hầu như đều áp dụng các tuyến giao thông như: đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt, ... Tùy vào nhu cầu, tùy vào từng trường hợp mà người gửi hàng hóa sẽ lựa chọn con đường di chuyển cho kiện hàng hóa. Từ đó, thời gian người nhận nhận được hàng hóa sẽ phụ thuộc vào điều kiện đường di chuyển này.

Bước 8: Vận chuyển hàng hóa đến kho tại khu vực người nhận

Khi đến khu vực người nhận, hàng hóa sẽ được vận chuyển vào nơi kho lưu trữ tập kết và chuẩn bị vận chuyển về đến tay của người nhận theo yêu cầu của người gửi hành hóa trước đó.

Bước 9: Nhân viên đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận tay từng khách hàng

Khi sử dụng dịch vụ giao hành tận nơi, khách hàng sẽ không cần đến tận kho lưu trữ để nhận hàng mà chỉ cần ở nhà đợi nhân viên của đơn vị vận chuyển tại khu vực của người nhận mang hàng đến tận nhà. Người nhận tiến hành kiểm tra hàng hóa, thanh toán và nhận hàng thì mới được tính là kết thúc hoạt động của dịch vụ giao nhận tận nơi - door to door.

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm bài viết: Giao đúng hạn là gì? Nghĩa vụ giao nhận hàng hóa theo hợp đồng mua bán của Luật Minh Khuê

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.