1. Bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác tin báo về tội phạm cho Công an xã
Trước đây, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Công an xã không có nhiệm vụ kiểm tra , xác minh sơ bộ giống như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an mà thay vào đó là lấy lời khai ban đầu. Tuy nhiên, đến Bộ luật sửa đổi bổ sung năm 2021 thì trách nhiệm của Công an xã đã được đặt ra tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an. Cụ thể khoản 3 Điều 146 Bộ lật sửa đổi bổ sung như sau : Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai làm việc, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà Công an xã sẽ phải tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu rồi mới chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Hoặc để cơ quan điều tra có thẩm quyền có thể tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định thì Công an xã phải báo cáo ngay bằng hình thức liên lạc nhanh nhất.
Sở dĩ pháp luật hiện nay quy định thêm trách nhiệm cho Công an xã bởi vì lực lượng Công an xã bây giờ không còn như ngày xưa nữa mà đã được tổ chức chính quy trên tất cả các phương diện về chức danh, cơ cấu lực lượng cũng như năng lực làm việc, trách nhiệm và đạo đức. Chính vì vậy, Công an xã đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công việc đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an ninh xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc biệt là trong hoàn cảnh mà dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng khó lường thì vai trò của Công an xã càng được đề cao hơn. Có thể thấy rằng, việc bổ sung quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự là vô cùng hợp lý và cần thiết.
2. Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự
Trước yêu cầu thực tiễn, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự sẽ tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để những khó khăn, vướng mắc được giải quyết ngay tại thời điểm phát sinh cũng như trong thời gian sắp tới. Khi đó, quyền con người, quyền công dân sẽ được đảm bảo tốt hơn. Đặc biệt là để khắc phục những khó khăn, vướng mắc do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh.
Thứ nhất, trong giai đoạn khởi tố, khoản 1 Điều 148 bổ sung thêm rằng trong trường hợp hết hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Thứ hai, trong giai đoạn điều tra, khoản 1 Điều 229 Bộ luật sửa đổi bổ sung năm 2021 đã bổ sung thêm trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra ngoài 3 trường hợp đã quy định ở Bộ luật trước đây. Như vậy, hiện nay thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp sau đây :
- Trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.
- Trường hợp có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra.
- Khi trưng cầu giám định, yêu vầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tu pháp chưa có kết quả những đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
- Khi không thể tiến hành kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.
Thứ ba, trong giai đoạn truy tố bị can, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng sửa đổi bổ sung năm 2021 đã bổ sung thêm một trường hợp mà Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án ngoài 3 trường hợp đã quy định trong Bộ luật năm 2015 bao gồm :
- Khi đã có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì Viện kiểm sát có thể tạm đình chỉ vụ án trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố.
- Trường hợp bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố, trong trường hợp này thì Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án.
- Trong trường hợp thực hiện trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp tiếp tục tiến hành cho đến khi có kết quả.
- Khi Viện kiểm sát không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Sở dĩ, pháp luật phải quy định thêm như vậy bởi vì việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng khi mà tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra hay dịch bệnh phức tạp kéo dài. Việc sửa đổi, bổ sung những điều khoản nêu trên đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tam đình chỉ; đảm bảo được vấn đề không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
3. Bỏ quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu bị hại với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trước đây quy định chỉ có 10 trường hợp được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, cụ thể là tại các khoản 1 của các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2021 đã bãi bỏ trường hợp áp dụng khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tại khoản 1 Điều 226.
Theo đó, để đồng bộ với việc bãi bỏ như trên thì tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng cũng sửa đổi quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự như sau : chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Tóm lại, hiện nay chỉ còn có 9 tội được phép khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại mà thôi.
Trên đây là toàn bộ thông tin bài viết về Điểm mới tại Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2021 mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2021 mới nhất để có thể nắm thêm được nhiều thông tin hữu ích.
Nếu có bất kì vướng mắc gì về vấn đề này hay gặp bất kì vấn đề pháp lý nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ tới bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu trực tiếp đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách. Trân trọng !