Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

Luật Nhà ở năm 2014

Bộ luật Dân sự năm 2015

Nội dung tư vấn:

 

1. Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

Khi tiến hành cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì các bên cần lưu ý một số điều kiện liên quan nhà ở cho thuê, bên cho thuê nhà và bên thuê nhà. Cụ thể:

 

1.1. Điều kiện đối với nhà ở cho người nước ngoài thuê tại Việt Nam

Trên cơ sở quy định tại Điều 118 Luật nhà ở năm 2014, nhà ở tại Việt Nam cho người nước ngoài thuê phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau đây:

Một là, bên thuê nhà phải có Giấy chứng nhận được pháp luật công nhận.

Hai là, nhà cho thuê không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại hoặc đang trong thời gian sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.

Ba là, nhà cho thuê không thuộc diện bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bốn là, nhà cho thuê không thuộc diện bị thu hồi đất, có thông báo giải tỏa hay phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.

Năm là, nhà cho thuê phải bảo đảm chất lượng nhà thuê với đầy đủ hệ thống điện, nước, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho người thuê phòng.

 

1.2. Điều kiện các bên tham gia hoạt động cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam

Trên cơ sở quy định tại Điều 119 Luật nhà ở năm 2014 thì người cho thuê nhà và người thuê nhà cần đáp ứng các điều kiện sau:

Đối với bên cho thuê

Nhà cho người nước ngoài thuê phải là nhà của bên cho thuê. Bên cho thuê nhà ở phải là chủ sở hữu ở hoặc là người được chủ sở hữu ủy quyền thực hiện giao dịch cho người nước ngoài thuê nhà theo quy định của pháp luật. Nếu bên cho thuê nhà là tổ chức thì tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân và có giấy phép hoạt động, trừ trường hợp nhà tình nghĩa, tình thương được tổ chức tặng. Nếu bên cho thuê là cá nhân thì cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo pháp luật dân sự.

Đối với bên thuê nhà

Bên thuê nhà trong trường hợp này phải là cá nhân người nước ngoài, có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam. Và bên thuê nhà đối tượng phải thuộc diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên không bắt buộc phải có giấy đăng ký tạm trú hoặc thường trú trực tiếp tại nơi diễn ra giao dịch.

 

2. Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

Theo như quy định của Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật khác thì để tiến hành thủ tục đăng ký cho người nước ngoài thuê nhà, bên cho thuê nhà cần thực hiện các bước sau:

2.1 Bước 1. Đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê nhà

Hoạt động kinh doanh cho thuê nhà là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Để thực hiện việc đăng ký kinh doanh bạn phải lên Ủy ban nhân dân cấp Quận/ Huyện nơi bạn có nhà cho thuê để đăng ký, khi đăng ký bạn cần các giấy tờ sau:

- Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu nhà cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Hợp đồng mua bán nhà ở);

- Giấy tờ tùy thân của bên cho thuê nhà (như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân).

2.2 Bước 2. Đóng lệ phí môn bài và kê khai mã số thuê căn hộ

Việc nộp lệ phí môn bài và kê khai mã số thuế sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát được hoạt động kinh doanh của bạn. Việc đóng thuế đầy đủ trong hoạt động kinh doanh vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ giúp phát triển đất nước. Những giấy tờ cần chuẩn bị để đóng lệ phí môn bài và kê khai mã số thuế bao gồm:

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Tờ khai lệ phí môn bài;
  • Tờ khai mã số thuế căn hộ tại địa phương.

2.3 Bước 3. Đăng ký an ninh trật tự tại địa phương

Việc đăng ký an ninh trật tự giúp cơ quan quản lý kiểm soát được việc cư trú, lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nếu bạn bỏ qua bước này mà cho người nước ngoài thuê thì khi bị phát hiện bạn đã vô tình vi phạm pháp luật và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phạt hành chính.

Những giấy tờ để người cho thuê đăng ký an ninh trật tự tại địa phương cần có:

  • Giấy đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê nhà ở;
  • Bản khai lý lịch chủ hộ kinh doanh;
  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh;
  • Giấy tờ chứng minh nhân dân, căn cước công dân hợp pháp theo quy định pháp luật;
  • Giấy đăng ký đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.

2.4 Bước 4. Khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại công an địa phương

Bên thuê nhà trong trường hợp này được hiểu là người nước ngoài. Sau khi bạn hoàn thiện đầy đủ 3 bước trên thì có thể hiểu là bạn đã đủ điều kiện cho thuê nhà theo pháp luật quy định. Tuy nhiên cần tiến hành khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Công an địa phương để cơ quan nhà nước có thẩm quyền nắm bắt được tình hình cư dân tại địa phương và dễ dàng xử lý hơn nếu có vấn đề xảy ra. Theo đó, hồ sơ và thủ tục đăng ký tạm trú đối với bên thuê là người nước ngoài sẽ gồm những giấy tờ sau:

- Giấy phép đăng ký kinh doanh;

- Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài;

- Passport còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam của cá nhân người nước ngoài;

- Hợp đồng thuê nhà;

- Giấy đăng ký an ninh trật tự do Công an quận/ huyện cấp;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thuê và các loại giấy tờ tùy thân khác.

2.5 Bước 5. Thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân

Sau cùng, để kết thúc quá trình cho khách nước ngoài thuê phòng, bên cho thuê cần nộp thuế thu nhập cá nhân ở chi cục thuế. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân là bước cuối cùng để hoàn thiện quá trình cho người nước nhà thuê nhà tại Việt Nam. Nếu bạn phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo yêu cầu của pháp luật thì bạn phải hoàn thiện bước này bằng cách lên Chi cục thuế quận/ huyện để khai thuế. Những giấy tờ mà bên chủ nhà cần chuẩn bị gồm có:

  • Hợp đồng cho thuê nhà;
  • Tờ kê khai thuế phải nộp với cơ quan thuế;
  • Giấy xác nhận khai thuế thu nhập cá nhân lên kho bạc để nộp vào ngân sách nhà nước.

 

3. Một số lưu ý đối với việc cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

3.1 Thứ nhất, bên cho thuê cần có hồ sơ chứng minh được rằng mình là chủ sử dụng hợp pháp

Cụ thể như sau: Trường hợp địa điểm dùng làm cơ sở kinh doanh cho người nước ngoài thuê nhà là nhà của bạn thì nhà bạn đã phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp địa điểm dùng làm cơ sở kinh doanh là bạn thuê của chủ sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm hiện tại thì trong Hợp đồng bạn ký với chủ sử dụng đất bạn phải có quyền cho thuê lại.

3.2 Thứ hai, cần lưu ý đối với Hợp đồng thuê nhà

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Nhà ở năm 2014 thì hợp đồng thuê nhà các bên phải lập thành văn bản trong đó phải có đầy đủ các nội dung như sau:

NỘI DUNG CHÍNH TRONG HỢP ĐỒNG CHO THUÊ NHÀ
STT NỘI DUNG CHÍNH
1
  • Họ và tên của các cá nhân và địa chỉ của các bên.
  • Mô tả đặc điểm của nhà ở và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
  • Giá cho thuê.
  • Thời hạn và phương thức thanh toán tiền.
  • Thời gian giao nhận nhà ở và thời hạn cho thuê.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên.
  • Cam kết của các bên.
  • Các thỏa thuận khác.
  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
  • Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
  • Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên.

Bên cạnh đó, hợp đồng này hai bên chỉ cần ký tay là đã có hiệu lực chứ không cần phải công chứng, chứng thực.

>>Tải ngay : Mẫu hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

----------------------------------------