Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là những chức danh vị trí quan trọng nhất trong việc quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường, vì vậy việc trở thành hiệu trưởng, hiệu phó cũng không dễ dàng mà phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Vậy những điều kiện đó là gì? hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường tiểu học

1. Cơ cấu tổ chức của trường tiểu học tại Việt Nam

Cơ cấu tổ chức trường tiểu học được quy định chi tiết tại Điều 9 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

Cơ cấu tổ chức trường tiểu học gồm: hội đồng trường; hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật; hội đồng tư vấn; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức Công đoàn; tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các tổ chuyên môn; tổ văn phòng; lớp học sinh.

2. Điều kiện trở thành hiệu trưởng trường tiểu học

Điều kiện trở thành hiệu trưởng trường tiểu học được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

Hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Điểm b khoản 1 Điều 11 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định, người được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục phải đảm bảo các yêu cầu:

- Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp tiểu học là có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

- Đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp tiểu học.

Phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT. Trong đó, có 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí đi kèm để đạt chuẩn hiệu trưởng. Các tiêu chuẩn này là:

+ Tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp: Có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.

+ Tiêu chuẩn về quản trị nhà trường: Lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh.

+ Tiêu chuẩn về xây dựng môi trường giáo dục: Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

+ Tiêu chuẩn về phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội: Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.

+ Tiêu chuẩn về sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin: Có khả năng sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.

Như vậy, nếu muốn trở thành hiệu trưởng, giáo viên phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên trên.

3. Điều kiện trở thành hiệu phó trường tiểu học

Điều kiện trở thành hiệu phó trường tiểu học được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

Phó Hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong việc quản lý trường học, đồng thời giúp việc cho hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng; chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.

Căn cứ khoản 2 Điều 11 Điều lệ trường tiểu học, người được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận là phó hiệu trưởng đối với trường tư thục phải đảm bảo các yêu cầu như sau:

Có đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công;

- Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo đối với giáo viên tiểu học là có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên;

Đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp tiểu học;

Đạt mức cao của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, theo Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, giáo viên được đánh giá qua 05 tiêu chuẩn cùng với 15 tiêu chí. Các tiêu chuẩn này bao gồm:

+ Tiêu chuẩn về phẩm chất nhà giáo: Tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.

+ Tiêu chuẩn về phát triển chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

+ Tiêu chuẩn về xây dựng môi trường giáo dục: Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

+ Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội: Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

+ Tiêu chuẩn về sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục: Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Tóm lại: Hiệu trưởng, hiệu phó là những vị trí quan trọng nhất trong việc quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường, vì vậy việc trở thành hiệu trưởng, hiệu phó cũng không dễ dàng mà phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

4. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng, hiệu phí trường tiểu học

 -  Nhiệm kì của hiệu trưởng trường tiểu học là 05 năm. Sau mỗi năm học hiệu trưởng được viên chức, người lao động trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định. Hiệu trưởng công tác tại một trường tiểu học công lập không quá hai nhiệm kì liên tiếp.

-  Nhiệm kì của phó hiệu trưởng trường tiểu học là 05 năm. Sau mỗi năm học phó hiệu trưởng được hiệu trưởng, viên chức, người lao động trong trường góp ý và cấp có thẩm quyền đánh giá theo quy định.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng, hiệu phó

Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng, hiệu phó trường tiểu học được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng

Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền.

Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng thi đua khen thưởng; hội đồng kỉ luật, hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.

Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.

Tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa, nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý. Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng.

Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.

Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện xã hội hoá giáo dục, phối hợp tổ chức, huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục, phát huy vai trò của nhà trường đối với cộng đồng xã hội.

Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo quy định của Pháp luật.

Được hưởng chế độ phụ cấp đối với nhà giáo và các chính sách ưu đãi theo quy định.

Nhiệm vụ và quyền hạn của phó Hiệu trưởng

Chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.

Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý; dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý; tham gia giảng dạy theo quy định về định mức tiết dạy đối với phó hiệu trưởng.

Được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo theo quy định.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề" Điều kiện để trở thành hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học theo quy định mới nhất hiện nay". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty luật Minh Khuê