1. Điện ảnh được hiểu là gì ?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Điện ảnh năm 2022 thì điện ảnh là ngành nghề tổng hợp, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất thành phim. Theo đó thì các tác phẩm điện ảnh sẽ được thể hiện dưới dạng phim.

Phim được coi là tác phẩm điện ảnh phải có nội dung và được biểu hiện bằng các hình ảnh động liên tiếp hoặc bằng các hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc cũng có thể là không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh; được ứng dụng trên các chất liệu, bằng kỹ thuật số hoặc phương tiện kỹ thuật khác và được phổ biến rộng rãi đến đông đảo người xem, bao gồm các loại hình dưới dạng như phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và phim kết hợp nhiều loại hình.

Ngoài ra, phim không bao gồm sản phẩm ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; sản phẩm ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

Hiện nay, các hoạt động điện ảnh bao gồm những hoạt động như hoạt động sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, quảng bá phim; xúc tiến phát triển điện ảnh, lưu chiểu, lưu trữ phim, đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh.

2. Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 thì văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm mục đích để tìm hiểu rõ thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật hiện hành của Việt Nam cho phép.

Cũng theo Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, pháp luật quy định rằng một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Pháp luật quy định điều kiện về cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP như sau :

+ Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.

+ Thương nhân nước ngoài muốn được cấp giấy phép thì phải rơi vào trường hợp đã hoạt động ít nhất 01 năm kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước mà thương nhân đó mang quốc tịch.

+ Trong trường hợp mà Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.

+ Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tức là nếu nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện có những hoạt động trái với các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì Văn phòng đại diện cũng sẽ không được thành lập.

+ Trường hợp mà nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.

3. Điều kiện để thành lập văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác do tổ chức, cá nhân thành lập, thực hiện hoạt động điện ảnh theo quy định pháp luật thì được gọi là cơ sở điện ảnh theo Luật Điện ảnh năm 2022.

Theo đó, điều kiện để thành lập văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam hiện nay như sau :

Thứ nhất, cơ sở điện ảnh nước ngoài muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải có thời gian hoạt động ít nhất là 01 năm kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước mà cơ sở điện ảnh đó mang quốc tịch.

Thứ hai, trong trường hợp thương nhân điện ảnh nước ngoài có Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm kể từ ngày nộp hồ sơ. Tức là nếu thời hạn dưới mức quy định là 1 năm thì cũng được coi là chưa đủ điều kiện để thành lập văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam khi thành lập phải có nội dung hoạt động phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và hiện là thành viên. Có nghĩa là nếu thành lập văn phòng đại diện mà nội dung có những vấn đề trái với các quy định Việt nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và là thành viên thì văn phòng đại diện điện ảnh này cũng sẽ chưa đáp ứng được điều kiện để được thành lập.

Thứ tư, nếu như văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã cam kết nội dung trước đó nhưng lại không thực hiện đúng hoặc thực hiện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc phía quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì việc Văn phòng đại diện thành lập phải nhận được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các giấy tờ cơ bản sau :

+ Tờ đơn đề nghị cấp giấy phép, trong đơn ghi rõ phạm vi hoạt động, mục đích nhiệm vụ, trụ sở, giám đốc văn phòng và thể hiện rõ sự cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của cơ sở điện ảnh nước ngoài được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền. Cần phải có văn bản này để có căn cứ thêm cho việc thành lập được văn phòng đại diện đúng theo quy định của pháp luật.

+ Tài liệu chứng minh như báo cáo tài chính hoặc các tài liệu khác cho biết cơ sở điện ảnh nước ngoài tồn tại và có hoạt động trong năm tài chính gần nhất.

+ Bản sao của điều lệ hoạt động mà cơ sở điện ảnh nước ngoài đang sử dụng.

Lưu ý : Các giấy tờ nêu trên đều phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài mà cơ sở điện ảnh xin đặt Văn phòng đại diện mang quốc tịch chứng nhận và thực hiện theo hình thức hợp pháp hóa lãnh dự theo quy định pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các giấy tờ này đều phải được dịch ra tiếng Việt.

Trên đây là bài viết liên quan đến vấn đề Điều kiện thành lập văn phòng đại diện nước ngoài điện ảnh tại Việt Nam mà Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Văn phòng đại diện là gì? Quy định chức năng văn phòng đại diện để hiểu rõ hơn. Nếu còn bất kì vướng mắc nào về vấn đề này hoặc gặp phải bất kì vấn đề pháp lý cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại: 1900.6162 hoặc gửi yêu cầu trực tiếp tới địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ nhanh chóng. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng !