1. Vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay, vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người vừa được xem là một nhân tố khẳng định tính chất pháp quyền của Nhà nước, vừa là mục tiêu, là yêu cầu đòi hỏi các cơ quan trong bộ máy Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng phải chú trọng thực hiện trong thực tiễn hoạt động. Hiến pháp 2013 khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”; “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

2. Vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền con người của Chính phủ

Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v... Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số 11 nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.

3. Giải pháp phát huy vai trò của Chính phủ trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Một là, để thực hiện quyền lập quy của Chính phủ đáp ứng vai trò thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Chính phủ phải từng bước chuyển đổi vai trò người trực tiếp hoạch định chiến lược, chính sách thành thiết chế phối hợp các hoạt động do nhiều chủ thể tham gia trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách. Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp vào các chiến lược và chính sách của Chính phủ. Trên thực tiễn, các chính sách phát triển của đất nước bao giờ cũng gắn với chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảo bảo các quyền con người và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người. Do đó, trong thời gian tối, Chính phủ cần phát huy vai trò là đầu mối tổ chức và chỉ đạo thực thi các chính sách quốc gia và các cam kết về quyền con người mà Việt Nam đã tuyên bố" và ký kết.

Hai là, để thực sự là nhân tố đóng vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền con người đòi hỏi Chính phủ phải tiến hành quyết liệt công cuộc cải cách hành chính hướng đến một nền hành chính với thủ tục tinh, gọn. Chỉ có cải cách thủ tục hành chính mối có thể giải phóng lợi ích cho người dân với các mối quan hệ với cơ quan công quyển. Theo đó, cơ chế xin - cho, hiện tượng xin ý kiến cấp trên mối bị xóa bỏ. Thủ tục hành chính tinh gọn chính là động lực thúc đẩy quyền con người một cách hữu hiệu.

Ba là, đổi mới tư duy và cách thức quản lý đối với các hoạt động đầu tư công và quản lý tài sản công nhằm bảo đảm quyền con người được thực hiện một cách công bằng. Thông qua việc quản lý ngân sách và hoạt động chi tiêu công, Chính phủ đảm bảo rằng các đối tượng yếu thế trong xã hội được quan tâm một cách thỏa đáng.

Bốn là, cần khẩn trương xây dựng cơ chế pháp lý đảm bảo cho việc thực hiện trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự của Chính phủ đối với công dân. cần xây dựng và phát huy vai trò của Tòa hành chính với các trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính khoa học, dân chủ và đúng pháp luật. Ưu tiên quyền tài phán hành chính cho Thủ tướng Chính phủ đồng thời đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện hành chính của công dân.

4. Nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người

Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách tư pháp cũng như trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận. Kể từ lần rà soát chu kỳ II, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ nhằm hoàn thiện cả về mặt pháp luật, thể chế, chính sách về quyền con người, tạo nền tảng vững chắc mang lại những kết quả thực tiễn đáng khích lệ.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện tốt các khuyến nghị quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam chấp thuận thông qua các cơ chế của Liên hợp quốc như Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát; cơ chế báo cáo định kỳ các Công ước mà Việt Nam là thành viên; xây dựng các chương trình hành động quốc gia về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; nỗ lực trong việc triển khai các chương trình phát triển, đặc biệt là việc hỗ trợ người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam sẽ nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả của công cuộc phát triển đất nước.

Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ 1/1/2014 là sự kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó có riêng Chương II với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 mở rộng nội dung về quyền, có các điều khoản riêng về quyền con người như: quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trước pháp luật; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quyền bảo vệ đời tư; quyền tiếp cận thông tin; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền bình đẳng giới; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền được xét xử công bằng, công khai và không bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án; quyền sở hữu tài sản tư nhân; quyền bảo đảm an sinh xã hội; quyền có việc làm.

Hiến pháp 2013 quy định một số quyền mới, như quyền sống, các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền được hưởng an sinh xã hội.

5. Sửa đổi, ban hành mới văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến quyền con người

Từ năm 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013.

Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua gồm có: Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật Nhà ở 2014, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Tố tụng Hành chính 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra Hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018....

Trong đó, một số luật lần đầu tiên được ban hành để thể chế kịp thời các quy định về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 (Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu dân ý).

Cùng với đó, các Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã góp phần củng cố khung pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, nội dung quyền con người được giáo dục từ bậc mầm non đến đại học.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)