Mục lục bài viết
1. Tác động điều chỉnh của hương ước, quy ước
Hương ước, quy ước là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ làng xã trong cộng đồng, là công cụ để quản lý làng xã, các điều khoản của hương ước, quy ước quy định trách nhiệm và chế độ thưởng phạt chủ yếu đối với các cá nhân trong làng. Với các điều khoản, hương ước đã kiểm soát, thái độ ứng xử của từng thành viên, không phân biệt già trẻ, gái trai và ở tầng lớp xã hội nào. Các hành vi từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, thăm hỏi, học hành cho đến nghĩa vụ với gia đình, họ mạc, làng xóm trong việc ma chay, cưới xin, khao vọng, biện lễ, lễ tế, khao thọ đến việc tuần phòng canh gác chống trộm cướp đều được quy định tỉ mỉ, chặt chẽ trong các điều khoản. Như vậy hương ước đã tạo sự ràng buộc, áp đặt và cả sự cưỡng chế của cộng đồng đối với con người trong làng. Nhờ đó hương ước còn làm được một nhiệm vụ quan trọng khác là sợi dây bền chặt để nối liền các tổ chức xã hội trong làng.
Hương ước, quy ước đã trở thành " Bản hiến pháp" của làng khi nó tạo ra sự ràng buộc, áp đặt và cưỡng chế của cộng đồng làng xã đối với mỗi cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức buộc nó phải vận hành thống nhất. Hương ước, quy ước còn quy định trách nhiệm của một tổ chức hay hạng dân đối với cộng đồng làng xã chẳng hạn việc tuần phòng, đắp hào lũy, biện lễ thờ thành hoàng, cắt cử người phục vụ tế lễ, rước xách trong các tiệc làng được quy định cụ thể cho các ngõ xóm, phe giáp. Từ xóm ngõ phe giáp lại phân công đến các thành viên cùng thực hiện, cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ thì tổ chức mà người đó tham gia phải chịu hình phạt.
Hương ước, quy ước dựa trên truyền thống để rồi trở thành truyền thống đó là bài học quản lý làng xã bằng hương ước. Điều này đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị mà những nhà quản lý, cấp chính quyền cơ sở cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng xã văn hóa nông thôn mới.
Trước hết hương ước, quy ước góp phần làm hình thành trong làng xã và người nông dân nhiều đức tính truyền thống và quý báu. Truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã: hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật; hương ước khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu hay gặp công to việc lớn trong nhà. Những trường hợp đánh cãi chửi nhau, triệt hạ lúa màu, gia súc, gia cầm của nhau đều bị phạt nặng. Mọi người tìm thấy ở xóm làng không chỉ chỗ dựa về vật chất mà chủ yếu ở tinh thần, một sự đùm bọc giúp đỡ vô tư giữa những người lao động.
Hương ước, quy ước quy định trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân và các hàng dân trong làng. Vì vậy các nghĩa vụ có liên quan đến trách nhiệm của công dân được thực hiện. Người nông dân tham gia đầy đủ các công việc trong làng với ý thức trách nhiệm họ cũng đòi hỏi những thành viên khác cũng phải thực hiện như thế. Chủ động trong bảo vệ an ninh thực hiện vai trò tự quản: trong nhiều hương ước quy định rất cụ thể nhiều khi đến ngặt nghèo, để ngăn chặn các tệ nạn xã hội như trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, nam nữ quan hệ bất chính.
Hay như các quy định về chế độ canh phòng bảo vệ trật tự trị an trong làng xóm, bảo vệ hoa màu ngoài ruộng đồng. Điều này đã phát huy được tinh thần tự quản, tinh thần đoàn kết và cố kết của người nông dân với làng xã làm cho cuộc sống ở đây có trật tự, làm cho làng trở thành pháo đài kiên cố ngăn chặn giặc ngoại xâm, trộm cướp.
2. Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 61/2023/NĐ-CP quy định về 3 trường hợp tạm ngừng thực hiện hương ước, quy ước bao gồm:
- Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ đối với trường hợp không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua hương ước, quy ước
- Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện một phần đối với trường hợp:
+ Có nội dung không phù hợp với mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
+ Có nội dung không phù hợp với nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước mà nếu áp dụng sẽ gây ra thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cộng đồng dân cư.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ khi không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, lấy ý kiến và thông qua hương ước, quy ước.
3. Các nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
- Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới
Hương ước, quy ước được xây dựng, duy trì để đáp ứng yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và thực hiện dựa trên nhu cầu tự nguyện, thỏa thuận của cộng đồng. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vẫn phải đặt dưới sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo nội dung của hương ước, quy ước không trái chủ trương, chính sách, pháp luật, không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình xây dựng hương ước, quy ước được thể hiện ở quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc cho ý kiến vào dự thảo hương ước; trách nhiệm của Phòng Tư pháp trong thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, công nhận hương ước, quy ước; mặt khác còn thể hiện ở hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
- Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước
Đây là nguyên tắc quan trọng, thể hiện bản chất của hương ước, quy ước, đồng thời là cơ sở để phân biệt giữa các quy phạm trong hương ước, quy ước và quy phạm pháp luật. Hương ước, quy ước là công cụ tự quản của cộng đồng dân cư, những quy tắc xử sự trong hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư tự nguyện thỏa thuận, thống nhất ý kiến và chủ động tổ chức thực hiện. Vì thế, việc xây dựng hương ước, quy ước phải xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng dân cư, pháp luật không áp đặt tất cả cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố phải có hương ước, quy ước mà chỉ định hướng, khuyến khích xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
- Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư
Xây dựng, duy trì hương ước, quy ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc (truyền thống hiếu nghĩa, đạo làm con, truyền thống hiếu học…), bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái Nhiều truyền thống, phong tục tập quán, luật tục tốt đẹp đã được các cộng đồng dân cư ghi nhận, văn bản hóa tại hương ước, quy ước.
- Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất
Trên thực tế còn nhiều bản hương ước, quy ước quy định hình thức phạt tiền, thậm chí với mức cao hơn mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, làm ảnh hưởng đến hiệu lực điều chỉnh của pháp luật. Hơn nữa, hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện, bao gồm Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Để bảo đảm thực hiện các quy định trong hương ước, quy ước cần phát huy tính tự giác, tự nguyện. Các biện pháp bảo đảm thực hiện quy định trong hương ước, quy ước chỉ mang tính chất giáo dục, thuyết phục, vận động. Nếu cần thiết phải đưa ra những chế tài trong hương ước, quy ước có thể áp dụng các biện pháp như: Buộc lao động công ích; giáo dục, phê bình trước tập thể nhân dân hay không đưa vào diện bình xét gia đình văn hóa…
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Hương ước là gì ? Khái niệm hương ước được hiểu như thế nào ? của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hương ước, quy ước bị tạm ngừng thực hiện toàn bộ khi nào? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!