Mục lục bài viết
- 1. Khu kinh tế quốc phòng là gì?
- 2. Mục tiêu xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
- 3. Thẩm quyền tổ chức lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
- 4. Nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
- 5. Quy trình lập kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
- 6. Yêu cầu về nội dung của kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
- 7. Điều chỉnh kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
- 8. Mở mới khu kinh tế - quốc phòng
- 9. Kết thúc xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
1. Khu kinh tế quốc phòng là gì?
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 164/2018/NĐ-CP giải thích: Khu kinh tế - quốc phòng là khu vực có ranh giới xác định bao gồm một số xã của một hoặc nhiều huyện, thuộc một hoặc một số tỉnh, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia. Trong khu vực đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
Xây dựng khu kinh tế - quốc phòng nhằm mục tiêu sau:
- Củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
- Tổ chức bố trí, sắp xếp dân cư tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong thế trận khu vực phòng thủ, hình thành các cụm, bản, làng, xã.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trong Khu kinh tế - quốc phòng để từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
3. Thẩm quyền tổ chức lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
Kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng là văn bản do Bộ Quốc phòng xây dựng để cụ thể hóa hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, làm cơ sở cho các Đoàn kinh tế - quốc phòng triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
- Quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng lựa chọn tổ chức tư vấn lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được giao quản lý.
- Đơn vị tư vấn lập kế hoạch phải đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật.
4. Nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
Căn cứ lập nhiệm vụ:
- Hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
- Báo cáo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước.
Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, gồm:
- Căn cứ lập kế hoạch;
- Yêu cầu về nội dung, phương pháp lập kế hoạch;
- Chi phí lập kế hoạch;
- Thời hạn lập kế hoạch;
- Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc lập kế hoạch.
Bộ Quốc phòng thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
Thành phần hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Quốc phòng; Thư ký hội đồng là cơ quan có chức năng quản lý nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; thành viên Hội đồng là lãnh đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ Quốc phòng.
Kinh phí lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng sử dụng nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
5. Quy trình lập kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
Căn cứ quy định tại Điều 14 nghị định 22/2021/NĐ-CP, quy trình lập kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng được thực hiện như sau:
Căn cứ nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được phê duyệt, các quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng thực hiện:
- Lựa chọn đơn vị tư vấn đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này; phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình quốc phòng, an ninh, đề xuất các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển.
- Thống nhất với Ủy ban nhân dân các cấp về vị trí, quy mô từng dự án bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.
- Hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh theo quy định.
- Tiếp thu, giải trình ý kiến của địa phương, hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, báo cáo Bộ Quốc phòng thẩm định.
- Hoàn thiện kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng báo cáo Quân khu, quân chủng, binh đoàn trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
6. Yêu cầu về nội dung của kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng
Nội dung của kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng cần đáp ứng yêu cầu sau đây:
- Phù hợp với hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các quy hoạch có liên quan; đảm bảo quốc phòng, an ninh tuyến biên giới, khu vực phòng thủ.
- Đối với Khu kinh tế - quốc phòng biển, đảo: Ngoài đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng biển, đảo phải phù hợp với Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, quy hoạch không gian biển quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, đảo.
- Kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được xác định trên cơ sở kế hoạch phòng thủ khu vực, kế hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong Khu kinh tế - quốc phòng.
Nội dung kế hoạch xây dựng khu kinh tế quốc phòng
- Xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.
- Xây dựng kế hoạch sử dụng đất.
- Xây dựng kế hoạch các dự án đầu tư.
- Đánh giá sự phù hợp của việc phát triển Khu kinh tế - quốc phòng đối với công tác bảo vệ môi trường và xây dựng các giải pháp về bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các nguồn lực và sử dụng các nguồn lực để thực hiện kế hoạch.
- Xây dựng kế hoạch về công tác dân vận và tuyên truyền đặc biệt.
- Xây dựng các kế hoạch khác theo quy định của Bộ Quốc phòng.
7. Điều chỉnh kế hoạch xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
Căn cứ điều chỉnh kế hoạch:
- Có sự điều chỉnh hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng;
- Có sự điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và các quy hoạch khác có liên quan;
- Do yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch:
- Khi có các căn cứ quy định tại khoản 1 điều này, Đoàn kinh tế - quốc phòng báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu, quân chủng, binh đoàn về nội dung điều chỉnh kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng;
- Bộ Tư lệnh quân khu, quân chủng, binh đoàn thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về nội dung điều chỉnh kế hoạch xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng;
- Tư lệnh quân khu, quân chủng, binh đoàn báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc điều chỉnh kế hoạch.
Hồ sơ đề nghị điều chỉnh kế hoạch, gồm:
- Tờ trình đề nghị điều chỉnh kế hoạch;
- Báo cáo thuyết minh tổng hợp kế hoạch điều chỉnh;
- Các báo cáo kế hoạch chuyên đề, các phụ lục kèm theo.
8. Mở mới khu kinh tế - quốc phòng
Mở mới Khu kinh tế - quốc phòng là quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép mở mới Khu kinh tế - quốc phòng, phù hợp với hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định mở mới Khu kinh tế - quốc phòng khi có các căn cứ sau đây:
- Hợp phần quy hoạch Khu kinh tế - quốc phòng được tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng;
- Tính cấp thiết về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội;
- Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều kiện mở mới Khu kinh tế - quốc phòng:
- Có sự thống nhất bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mở mới Khu kinh tế - quốc phòng;
- Nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Quy trình mở mới Khu kinh tế - quốc phòng:
- Quân khu, quân chủng, binh đoàn gửi văn bản kèm theo hồ sơ đề xuất mở mới Khu kinh tế - quốc phòng đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến mở mới để xin ý kiến.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của quân khu, quân chủng, binh đoàn, Ủy ban nhân cấp tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến bằng văn bản về tính cấp thiết, sự phù hợp, phạm vi, quy mô của Khu kinh tế - quốc phòng dự kiến mở mới;
- Lập hồ sơ báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc mở mới Khu kinh tế - quốc phòng.
Hồ sơ đề xuất mở mới Khu kinh tế - quốc phòng, gồm:
- Tờ trình đề nghị mở mới Khu kinh tế - quốc phòng của quân khu, quân chủng, binh đoàn;
- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Các văn bản pháp lý liên quan khác.
9. Kết thúc xây dựng khu kinh tế - quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kết thúc xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng khi mục tiêu xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo quân khu, quân chủng, binh đoàn tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng.
Quân khu, quân chủng, binh đoàn chỉ đạo Đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan triển khai thủ tục kết thúc xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng và bàn giao các công trình cơ sở hạ tầng cho địa phương quản lý.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê