Như báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ở huyện Tân Hưng (Long An) xảy ra vụ tảo hôn. Gia đình hai bên đã tổ chức đám cưới cho cô dâu MT (17 tuổi) và chú rể T. (14 tuổi).

Đám cưới phạm luật này tổ chức linh đình, có văn nghệ phục vụ suốt một ngày nhưng chính quyền ấp đến xã đều không phát hiện. Khi nghe dân phản ánh, công an xuống tận nơi gửi giấy mời nhưng đêm đó cô dâu, chú rể cùng cha chồng gom quần áo trốn khỏi địa phương.

Trong sự kiện này, cha mẹ hai bên vi phạm quy định về tảo hôn đã rõ nhưng có người đặt vấn đề do chú rể mới 14 tuổi, liệu cô dâu 17 tuổi này có phạm tội giao cấu với trẻ em. Hiện nay họ đang bỏ trốn và tiếp tục chung sống, điều này có hệ quả pháp lý gì không?

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Cô dâu chưa thành niên nên không cấu thành tội

Tội giao cấu với trẻ em có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Theo đó, Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp này, cô dâu mới 17 tuổi, chưa thành niên nên không thể xem xét đến tội này.

 

2. Nếu tiếp tục quan hệ có thể phạm tội giao cấu trẻ em

Khó có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với tội giao cấu với trẻ em tại thời điểm này. Cơ quan điều tra phải xác định kỹ lưỡng độ tuổi của hai bên và phải xác định là có việc giao cấu hay không. Trên thực tế có việc tổ chức đám cưới diễn ra giữa hai bên nhưng căn cứ theo quy định pháp luật, việc tổ chức đám cưới không đồng nghĩa với có hành vi giao cấu.

Tuy nhiên, trước mắt hai bên gia đình nên khuyên bảo cô dâu, chú rể tạm thời chấm dứt quan hệ, chờ đủ độ tuổi kết hôn để tránh khả năng bị truy tố tội hình sự. Vì chỉ một thời gian, khi cô dâu đủ tuổi thành niên mà chú rể vẫn còn nhỏ tuổi (dưới 16) thì nhiều khả năng cô dâu sẽ bị truy tố.

 

2.1 Phải đủ trưởng thành khi lập gia đình

Xét về tâm sinh lý cũng như các khía cạnh khác thì khó có thể cho rằng cặp đôi này đủ trưởng thành để có thể kết hôn cũng như tạo lập gia đình hạnh phúc. Rất nhiều trách nhiệm được đặt ra khi quyết định lập gia đình như: bảo đảm tài chính cho gia đình, chăm sóc con cái, cha mẹ hai bên… Vì thế, trách nhiệm sẽ trở thành gánh nặng đối với những cặp đôi quá nhỏ tuổi như thế này. Một gia đình mà không hạnh phúc sẽ tạo ra hệ lụy cho bản thân những người đó và cho xã hội.

Vì thế, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong trường hợp này phải giáo dục, khuyên bảo, định hướng được cho các con. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức hữu quan nên đề cao việc tuyên truyền, giáo dục về tâm sinh lý cũng như quy định về pháp luật cho các cháu hiểu rõ.

 

2.2 Chỉ xử phạt hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn, tảo hôn

Cha mẹ và những người tổ chức đám cưới cho cặp đôi chưa đến tuổi kết hôn này sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội tổ chức tảo hôn (Điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, người bị khởi tố về tội danh này phải kèm điều kiện là đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm. Nếu cha mẹ hai bên và những người tham gia tổ chức chưa bị xử phạt hành chính thì cơ quan chức năng chỉ tiến hành xử phạt họ về mặt hành chính. Căn cứ vào quy định, tòa án có thể buộc cặp đôi này chấm dứt quan hệ vợ chồng (nếu xác định là có), nếu cặp đôi không chấp hành có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật về Hình sự trực tuyến qua điện thoại, gọi: 1900.6162 hoặc gửi qua email: lienhe@luatminhkhue.vn hoặc tới trực tiếp trụ sở chính tại: Phòng 2007, Tầng 20, Tòa nhà C2, Vincom Trần Duy Hưng, Đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.  Rất mong nhận được sự hợp tác!