1. Giáo viên hợp đồng, giáo viên biên chế là gì?

Giáo viên hợp đồng là giáo viên chưa được tuyển dụng chính thức, các trường học khi thiếu giáo viên chưa tuyển được giáo viên chính thức sẽ tiến hành tuyển dụng nhân viên hợp đồng. Đây cũng chính là yếu tố tạm thời nên giáo viên hợp đồng sẽ không được hưởng phúc lợi, chế độ hay mức lương giống như giáo viên biên chế hay chính thức.

Như vậy, Giáo viên hợp đồng không phải là viên chức. Do đó, việc tính lương hay phụ cấp cho giáo viên hợp đồng có sự khác biệt nhất định

Thuật ngữ “giáo viên biên chế” không được quy định trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, về cơ bản giáo viên biên chế được hiểu là những giáo viên được ký hợp đồng làm việc “vĩnh viễn” với nhà trường, có sự ổn định.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2020, sẽ không còn chế độ “biên chế” nữa. Các giáo viên sẽ ký hợp đồng làm việc thời hạn từ 12-60 tháng. Ngoại lệ, các đối tượng sau thì vẫn được hưởng chế độ này:

  • Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;
  • Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức;
  • Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng có chức năng giống nhau đều thực hiện công tác giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, chịu trách nhiệm giảng dạy đảm bảo chất lượng…nhưng chế độ lương khác nhau. Dưới đây là mức lương và cách tính dành cho giáo viên hợp đồng.

 

2. Những quy định của luật về giáo viên hợp đồng

Giáo viên hợp đồng là đối tượng đã xuất cùng với sự ra đời của luật giáo dục . Pháp luật Việt Nam đã có những quy định về những đối đối tượng này. Cụ thể:

 

2.1 Những trường hợp không được ký HĐLĐ

Khoản 3 điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định không được ký hợp đồng lao động với các đối tượng sau:

1. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:

a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.

b) Những người làm bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Chính phủ, Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan.

c) Lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, đối với chức danh “giáo viên”, các nhà trường không được ký hợp đồng lao động.

 

2.2 Trường hợp ngoại lệ

Nghị quyết 102/NQ-CP cho phép ký hợp đồng lao động với chức danh giáo viên trong trường hợp sau:

Chính phủ cho phép các trường công lập được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 02 buổi/ngày).

Có thể thấy, với những trường hợp nêu trên thì các trường công lập được ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với giáo viên.

 

3. Quy định về lương của giáo viên hợp đồng

Giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng có chức năng giống nhau đều thực hiện công tác giảng dạy; sinh hoạt chuyên môn, chịu trách nhiệm giảng dạy đảm bảo chất lượng…nhưng chế độ lương khác nhau. Dưới đây là mức lương và cách tính dành cho giáo viên hợp đồng.

 

3.1 Cách tính lương của giáo viên hợp đồng

Cách Tính Lương Giáo Viên Dạy Hợp Đồng Cụ Thể Được Xác Định Như Sau:

Cách tính lương = Lương cơ bản x Hệ số lương x % Phụ cấp (nếu có) – Các khoản phí khác (phí Bảo Hiểm và phí công đoàn).

 Hoặc mức lương thoả thuận trong hơp đồng.

Theo cách tính ở đây ta có thẻ thấy lương của giáo viên hợp đồng hiện nay là áp dụng mức lương cơ bản theo quy định của Bộ luật lao động, không áp dụng mức lương theo quy định của cá bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, còn áp dụng theo những quy định do Bộ GDĐT đề ra. Tùy từng quy chế từng trường học sẽ có cách tính cụ thể khi có nhu cầu tuyển dụng.

 

3.2 Lương cơ bản là gì?

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định về lương cơ bản. Tuy nhiên, có thể hiểu, lương cơ bản là mức lương thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Hay chính xác hơn, lương cơ bản là mức lương thấp nhất mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó. Mức lương cơ bản không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác.

Lương cơ bản năm 2021 của người lao động

Khác với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước, lương cơ bản của người lao động làm việc tại doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hàng năm.

Theo đó, mức lương được trả cho người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng (căn cứ khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019). Bên cạnh đó, đối với công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hiện nay, chưa có quyết định chính thức của Chính phủ về lương tối thiểu vùng cho năm 2021.

Cùng với đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho nền kinh tế khó khăn nên Hội đồng tiền lương Quốc gia đã trình Chính phủ đề xuất không tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Nếu phương án này được Chính phủ lựa chọn thì năm 2021 tới đây mức lương tối thiểu vùng sẽ được giữ nguyên theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP:

Mức lương tối thiểu vùng

Áp dụng với doanh nghiệp thuộc:

4.420.000 đồng/tháng

Vùng I

3.920.000 đồng/tháng

Vùng II

3.430.000 đồng/tháng

Vùng III

3.070.000 đồng/tháng

Vùng IV

 

 

4. Lao động theo hợp đồng có được xét nâng bậc lương không?

Theo khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì đối tượng thuôc phạm vi điều chỉnh được nâng bậc lương thường xuyên ngoài cán bộ, công chức, viên chức còn có:

b) Những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành của pháp luật.

d) Những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù.

Căn cứ theo quy định trên thì đối với người lao động thì chỉ những người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập mới được nâng bậc lương thường xuyên như cán bộ, công chức, viên chức.

 

5. Về phụ cấp, mà giáo viên hợp đồng được hưởng

Giáo viên hợp đồng ngoài hưởng lương chính thức còn được hưởng phụ cấp đứng lớp. Vậy phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng được tính thế nào?

 

5.1 Cách tính phụ cấp đứng lớp của giáo viên hợp đồng

Theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC. Chế độ phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập (hay còn gọi là phụ cấp đứng lớp) được áp dụng cho cả giáo viên hợp đồng.

Cách tính phụ cấp ưu đãi của giáo viên được quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01, cụ thể:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

 

5.2 Về tỷ lệ phụ cấp ưu đãi

Cũng như các loại phụ cấp khác; phụ cấp ưu đãi cũng mang ý nghĩa khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với nghề hơn. Căn cứ vào từng đối tượng mà tỷ lệ hưởng các loại phụ cấp ưu đãi sẽ khác nhau. Cụ thể:

Đối với mức cơ bản:

  • Mức 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(Trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh)

  • Mức 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại:

+ Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

+ Trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Các mức đặc biệt:

  • Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại:

+ Các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

+ Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

  • Mức 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm; khoa sư phạm (đại học, cao đẳng, trung học); trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo ; nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp; trường dạy nghề.
  • Mức 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng.
  • Mức 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non; tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

 

5.3 Các trường hợp không được hưởng phụ cấp

Theo điểm b khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC. Giáo viên không được tính hưởng phụ cấp đứng lớp trong các thời gian sau:

  • Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương. (Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP);
  • Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;
  • Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
  • Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;
  • Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Như vậy, trong thời gian không tham gia giảng dạy, giáo viên sẽ không được hưởng phụ cấp đứng lớp.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nội dung tư vấn dựa trên quy định pháp luật hiện hành. Nội dung tư vấn nhằm mục đích cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc gì liên quan đến nội dung tư vấn, vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng!