Mục lục bài viết
1. Những điểm mới về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên
Theo quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
Chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên:
Theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là chứng chỉ) như sau: Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau:
- Đối với giáo viên mầm non: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
- Đối với giáo viên tiểu học: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
- Đối với giáo viên THCS: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS.
- Đối với giáo viên THPT: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp:
Thông tư mới đã bổ sung tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, bao gồm:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở.
- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.
Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS) hạng I phải có trình độ thạc sĩ:
- Đối với giáo viên tiểu học hạng I, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT yêu cầu có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
- Đối với giáo viên THCS hạng I, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT yêu cầu có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS.
Mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết. Do đó, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GDĐT điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I là đại học.
Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 03 năm:
Theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc tương đương từ đủ 03 (ba) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GDĐT điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác (ví dụ như quy định thời gian giữ ngạch cán sự là 03 năm theo Thông tư 02/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ).
Giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới:
Thông tư mới quy định nhiệm vụ theo từng hạng là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nếu được hiệu trưởng phân công. Tuy nhiên, khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng. Để khắc phục tình trạng này ở một số địa phương, Bộ GDĐT dự kiến điều chỉnh như sau:
- Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phân công.
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện
- Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.
Như vậy, quy định về nhiệm vụ nộp minh chứng của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc tất cả các giáo viên phải thực hiện.
>> Xem thêm: Lương giáo viên khi chuyển hạng từ cũ sang mới thay đổi thế nào?
2. Ưu điểm của tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên theo quy định mới
Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết
Đồng thời, quy định mới sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.
3. Một số thay đổi khác về xếp lương giáo viên theo quy định mới
Ngoài nội dung về xếp lương giáo viên, Thông tư 08 còn có một số quy định quan trọng khác như:
- Quy định nguyên tắc chuyển chức danh nghề nghiệp, nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với trường hợp giáo viên vẫn giữ mã ngạch công chức hoặc vẫn giữ các ngạch giáo viên có đầu mã ngạch là 15, 15a, 15c.
- Quy định việc đạt yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối với các trường hợp có bằng cao đẳng sư phạm hoặc trung cấp sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp trước ngày 22/5/2021
- Làm rõ khái niệm chuyên ngành phù hợp để thuận tiện trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên
- Việc bổ nhiệm CDNN, xếp lương đối với các trường hợp giáo viên được phân công giảng dạy các môn học mới, môn học còn thiếu giáo viên hoặc môn tích hợp
- Thực hiện bổ nhiệm lại các trường hợp căn cứ vào trình độ đào tạo để bổ nhiệm hạng cao hơn mà không thông qua thi xét thăng hạng
Để ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ và giúp đội ngũ giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai chương trình giáo dục đạt hiệu quả, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các quy định điều chỉnh và hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐ có hiệu lực thi hành.
>> Tham khảo: Lương giáo viên tiểu học tối thiểu là bao nhiêu?
Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
uật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!