Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung về chế độ tử tuất
- 2. Đặc điểm của chế độ tử tuất
- 2.1 Chế độ tử tuất được áp dụng trong trường hợp người tham gia BHXH chết
- 2.2 Đối tượng thụ hưởng CĐTT không những là đối tượng tham gia BHXH mà còn là thân nhân của người tham gia BHXH
- 2.3 Quỹ tử tuất được nhà nước thống nhất quản lý và hạch toán độc lập
- 2.4 Hoạt động của chế độ tử tuất nhằm mục đích phi lợi nhuận
- 3. Ý nghĩa chế độ tử tuất
- 3.1 Đối với gia đình NLĐ
- 3.2 Chế độ tử tuất góp phần vào quá trình phân phối lại thu nhập giữa những người tham gia
- 3.4 Chế độ tử tuất góp phần kích thích NLĐ tập trung sản xuất, làm việc
- 3.5 Chế độ tử tuất cũng góp phần quan trọng trong việc gắn bó lợi ích giữa NLĐ với NSDLĐ, giữa NLĐ với xã hội
1. Khái quát chung về chế độ tử tuất
Các quốc gia trên thế giới khi phát triển kinh tế đều gặp phải các thách thức và khó khăn nhất định, trong đó gồm có các vấn đề về tài chính, lạm phát, thâm hụt ngân sách, cho đến thực trạng thất nghiệp, nhu cầu giải quyết chế độ chính sách cho người dân. Trong xã hội, con người là trung tâm của mọi sự phát triển xã hội, vừa là đối tượng trực tiếp tạo ra của cải cho xã hội, vừa là đối tượng tiêu dùng. Con người có nhiều nhu cầu khác nhau và tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người mà đạt được nhu cầu nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống cũng như quá trình sản xuất sẽ xuất hiện những trường hợp khiến con người sẽ có thể gặp phải nhiều rủi ro như ốm đau, tai nạn, bệnh tật, dịch bệnh, mất việc làm, mất khả năng lao động, giá cả, bị chết… Để vượt qua những khó khăn tác động đến bản thân, gia đình con người cần có sự đùm bọc, chia sẻ từ xã hội. Trong quy luật phát triển của mỗi người, trải qua các gia đoạn sinh, lão, bệnh, tử là điều không thể tránh khỏi. Với sự pháp triển của nền kinh tế, khi tham gia vào thì trường lao động thì NLĐ luôn mong muốn công sức mà họ bỏ ra là xứng đáng, tiền công họ nhận được là tương ứng với sức lao động mà họ bỏ ra. Có thể thấy khi những NLĐ gặp phải những rủi ro dẫn đến nguồn thu nhập bị giảm, bị mất khiến đờì sống khó khăn, bản thân họ mong muốn có được cơ chế giúp đỡ họ và thân nhân của mình vượt qua những khó khăn đó. Trong quan hệ xã hội, những NLĐ, người thụ hưởng chính sách BHXH khi tham gia vào thị trường lao động không những là lao động để nuôi sống bản thân mà còn là nguồn lao động chính nuôi sống những thân nhân trong gia đình của họ. Vấn đề xảy ra khi NLĐ, người tham gia thụ hưởng chính sách BHXH đó khi chết, nghĩa vụ nuôi dưỡng người thân của họ vẫn còn nhưng việc thực hiện trách nhiệm đó bị dừng lại, điều đó sẽ dẫn đến một trở ngại lớn trong việc ổn định lại cuộc sống cho thân nhân của họ, đặc biệt là đối với những đố tượng không có khả năng nuôi sống bản thân. Luật BHXH 2014 quy định rất chặt chẽ về khái niệm thân nhân như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữTrong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.6. Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Khi NLĐ chết gia đình sẽ nhận khoản trợ cấp nhằm bảo đảm và ổn định cuộc sống khi họ không còn tồn tại. BHXH với bản chất là bảo hiểm cho thu nhập của NLĐ trong trường hợp bị giảm hoặc mất khả năng lao động nên cũng sẽ có trách nhiệm trợ giúp cho thân nhân của NLĐ – những đối tượng được hưởng từ thu nhập của NLĐ tham gia bảo hiểm khi còn sống.
Vì vậy, có thể hiểu chế độ tử tuất là một trong các chế độ BHXH bao gồm mai táng phí và trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng nhằm hỗ trợ hoặc thay thế một phần thu nhập bị mất cho thân nhân khi NLĐ, người đang được hưởng chế độ BHXH chết theo quy đinh của pháp luật về BHXH.
2. Đặc điểm của chế độ tử tuất
Chế độ tử tuất là hình thức bảo đảm có tính xã hội cao và mang những đặc điểm cơ bản như sau:
2.1 Chế độ tử tuất được áp dụng trong trường hợp người tham gia BHXH chết
Chế độ tử tuất là chế độ bảo hiểm nhằm mục đích mang lại lợi ích NLĐ, kể cả khi họ không còn sống. Theo một cách dễ hiểu, khi đã tham gia vào chế độ bảo hiểm tử tuất, NLĐ được bảo vệ trực tiếp quyền lợi của bảo thân và gia đình họ thông qua việc bảo đảm thu nhập cho đến cả sau khi chết. Khi còn trong thời gian làm việc, NLĐ được bảo đảm khi bị ốm đau, lao động nữ được trợ cấp thai sản khi sinh con; người bị tai nạn lao động được trợ cấp tai nạn lao động; khi đến tuổi kết thúc thời gian lao động thì được hưởng tiền hưu trí, khi chết thì được tiền chôn cất và gia đình được hưởng trợ cấp tuất … Đây là đặc trưng riêng của chế độ tử tuất khác biệt hẳn so với các chế độ BHXH khác trong hệ thống BHXH.
2.2 Đối tượng thụ hưởng CĐTT không những là đối tượng tham gia BHXH mà còn là thân nhân của người tham gia BHXH
Trong các loại hình chế độ BHXH, tất cả các chế độ khác đều hướng đến đối tượng thụ hưởng là người trực tiếp tham gia BHXH (NLĐ), còn chế độ tử tuất lại có sự phân biệt giữa người tham gia và người thụ hưởng chế độ. Đối tượng được bảo hiểm là thu nhập của NLĐ và khi phát sinh rủi ro dẫn đến bảo hiểm thì gia đình NLĐ có quyền được hưởng các khoản bù đắp khi NLĐ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng bảo hiểm và đáp ứng những điều kiện do luật định. Sự kiện làm căn cứ phát sinh chế độ tử tuất là do rủi ro dẫn đến cái chết của người tham gia BHXH. Vì những sự kiện và rủi ro này mà NLĐ và những người thân của họ được họ chu cấp bị hao hụt hoặc mất nguồn thu nhập. Vì vậy, những người phụ thuộc một phần (hoặc hoàn toàn) vào thu nhập của NLĐ cần phải có khoản thu nhập khác bù vào để ổn định cuộc sống và sự bù đắp này chính là được thông qua qua các trợ cấp tiền tuất. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng, tất yếu rằng trợ cấp tiền tuất được chi trả đúng người cần nó, phải có các điều kiện làm phát sinh quyền lợi đối với bên thụ hưởng chế độ. Đây là đặc thù riêng biệt rất lớn của chế độ tử tuất so với các chế độ khác trong hệ thống BHXH. Chính vì vậy, chế độ tử tuất có thể được xem là chế độ “dành cho người còn sống”, chế độ bảo hiểm gián tiếp mà những người nhận được không nhất thiết phải là đối tượng tham gia bảo hiểm. Mỗi quốc gia có những quy định riêng về điều kiện được nhận trợ cấp tuất đối với thân nhân NLĐ chết tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Tuy nhiên mọi quy định về chế độ tử tuất đều được xây dựng dựa trên các tiêu chí đánh giá sự tổn thất của gia đình khi NLĐ chết đi và mức độ phụ thuộc của từng thân nhân vào NLĐ khi họ còn sống.
2.3 Quỹ tử tuất được nhà nước thống nhất quản lý và hạch toán độc lập
Sự đóng góp của các bên tham gia chế độ tử tuất, bao gồm NLĐ, NSDLĐ và nhà nước là nguồn hình thành cơ bản của quỹ BHXH nói chung, trong đó có quỹ hưu trí, tử tuất. Trong cơ cấu của quỹ BHXH có nhiều bộ phận cấu thành và quỹ tử tuất là một quỹ thành phần có yêu cầu sử dụng và chế độ hưởng khác biệt, do đó việc sử dụng quỹ tử tuất phải đúng mục đích. Đồng thời, quỹ tử tuất cũng được lập theo mô hình quỹ tồn tích cộng đồng nên việc hạch toán của quỹ được hạch toán hàng năm và báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý. Về mặt tài chính, quỹ tử tuất là một dạng quỹ tài chính độc lập tự thu, tự chi nằm trong tổng thể quỹ BHXH và độc lập với ngân sách Nhà nước, có sự kiểm tra, giám sát của đại diện các bên tham gia: NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước.
2.4 Hoạt động của chế độ tử tuất nhằm mục đích phi lợi nhuận
Có thể thấy đối với các hình thức bảo hiểm trong thực tế hoạt động với mục đích mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, tuy nhiên sự tồn tại của chế độ tử tuất và hệ thống BHXH lại nhằm mục tiêu xã hội. Trên thực tế, chức năng này được thể hiện thông qua tổ chức quản lý BHXH, đây là tổ chức dịch vụ công do Nhà nước thành lập và hoạt động nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, không mang lại lợi ích cho cá nhân khi thực hiện hoạt động đó và mục tiêu cuối cùng là nhằm phục vụ sự nghiệp BHXH nói chung.
3. Ý nghĩa chế độ tử tuất
3.1 Đối với gia đình NLĐ
Chế độ tử tuất thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ tham gia bảo hiểm dành cho chính người thân của họ khi họ chết. Đây là ý nghĩa hết sức quan trọng và góp phần mang lại ý nghĩa to lớn của chế độ tử tuất.
3.2 Chế độ tử tuất góp phần vào quá trình phân phối lại thu nhập giữa những người tham gia
Các bên tham gia đều phải đóng góp vào quỹ BHXH nói chung và quỹ tử tuất nói riêng. Quỹ này dùng để chi trả trợ cấp cho một số đối tượng thụ hưởng chế độ khi họ đủ điều kiện. Có thể nói, theo quy luật số đông bù số ít thì chế độ tử tuất cũng là một kênh phân phối lại thu nhập theo cả chiều dọc và chiều ngang, phân phối lại thu nhập giữa những người khỏe mạnh, đang làm việc và những người gặp rủi ro không mong muốn, đây chính là ý nghĩa trong việc góp phần thực hiện công bằng xã hội.
3.4 Chế độ tử tuất góp phần kích thích NLĐ tập trung sản xuất, làm việc
Những NLĐ khi tham giao vào BHXH và được hưởng các quyền lợi của chế độ tử tuất không còn bị vướng bận vào thân nhân của mình quá nhiều, khi khỏe mạnh tham gia vào lao động sản xuất, được trả tiền lương và tiền công và khi gặp sự cố không tiếp tục duy trì cuộc sống của thì vẫn phần nào yên tâm vì gia đình họ đã có được sự bảo đảm ổn định cuộc sống và chỗ dựa. Như vậy, vai trò của chế độ này như một đòn bẩy kinh tế nâng cao năng suất lao động cá nhân và kéo theo năng suất lao động xã hội.
3.5 Chế độ tử tuất cũng góp phần quan trọng trong việc gắn bó lợi ích giữa NLĐ với NSDLĐ, giữa NLĐ với xã hội
Trên thực tế, trong các mối quan hệ NLĐ và NSDLĐ đều nhận thấy mình đang được bảo vệ, từ đó mà bản thân họ phần nào tạo nên sự gắn bó với nhau hơn. Đối với Nhà nước và xã hội, chỉ cho chế độ BHXH nói chung và chế độ tử tuất nói riêng là cách thức phải chi ít nhất và có hiệu quả nhất nhưng vẫn giải quyết được những khó khăn về đời sống người lao động và gia đình họ.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn luật Bảo hiểm xã hội - Công ty luật Minh Khuê