1. Khái niệm và phân loại dự án đầu tư xây dựng 

1.1 Khái niệm dự án đầu tư xây dựng

Từ lâu đầu tư đã không còn là việc mới mẻ với nền kinh tế của nước ta. Trong nhiều năm nay hoạt động đầu tư đã ngày càng diễn ra mạnh mẽ và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Và hoạt động đầu tư trong lĩnh vực xây dựng được xem là rất phổ biến ở nước ta. Theo đó, Khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 đã quy định cụ thể về định nghĩa dự án đầu tư xây dựng như sau:

“Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng”.

Như vậy, dự án đầu xây dựng là tập hợp tất cả các đề xuất, kiến nghị có tiềm năng và tiến hành đầu tư vốn vào các dự án xây dựng để tiến hành sửa chữa, cải tạo… nhằm mục đích cuối cùng là lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận.

 

1.2 Phân loại dự án đầu tư xây dựng

Hiện nay, có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình khác nhau tùy theo các tiêu chí phân loại và các quy định đối với từng nhóm dự án công trình xây dựng cũng có quy trình, thủ tục, quản lý, cách thức thực hiện riêng biệt. Trong đó, về cơ bản cách phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình được xác định dựa theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP – Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

- Phân loại theo quy mô, tính chất và loại công trình chính của dự án:

+ Dự án quan trọng quốc gia;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm B;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm C. Mỗi nhóm dự án sẽ có những tiêu chí cụ thể về quy mô, tính chất và loại công trình chính được quy định chi tiết tại Phụ lục số 1 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Loại dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:

+ Dự án đầu tư công trình xây dựng sử dụng vào mục đích tôn giáo;

+ Dự án đầu tư công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp có tổng mức đầu tư từ dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).

- Phân loại dự án đầu tư xây dựng dựa theo loại nguồn vốn sử dụng:

+ Dự án đầu tư xây dựng có vốn ngoài ngân sách;

+ Dự án đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn khác;

+ Dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của nhà nước.

Ngoài ra, nhiều người phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình theo từng hạng mục như: lập dự án đầu tư xây dựng chung cư và nhà xưởng cho thuê, nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, nhà cao tầng, văn phòng cho thuê, trường học, lò gạch, nhà xưởng, nhà máy, trạm dừng chân, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, nghĩa trang…

 

2. Người nộp phí các dự án đầu tư xây dựng công trình là ai?

Căn cứ Điều 2 Thông tư 209/2016/TT-BTC quy định về người nộp phí như sau: "Điều 2. Người nộp phí Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình được quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này."

Như vậy, chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ là người nộp phí theo quy định. Theo quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013, Chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án. Còn theo Luật Xây dựng 2014, Chủ đầu tư xây dựng (sau đây gọi là chủ đầu tư) là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng. 

 

3. Mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng là bao nhiêu và cách xác định tiền phí thẩm định ra sao?

Căn cứ Điều 4 Thông tư 209/2016/TT-BTC quy định về mức thu phí như sau:

- Mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Thông tư này.

- Xác định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải thu:

+ Căn cứ xác định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải thu là tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và mức thu, cụ thể như sau:

Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng = Tổng mức đầu tư được phê duyệt x Mức thu

Trường hợp nhóm công trình có giá trị nằm trong khoảng giữa các tổng mức đầu tư ghi trên

Biểu mức thu thì phí thẩm định đầu tư phải thu được tính theo phương pháp nội suy như sau:

Mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng mới nhất 2023 là bao nhiêu?

Trong đó:

++ Nit là phí thẩm định cho nhóm dự án thứ i theo quy mô giá trị cần tính (đơn vị tính: %).

++ Git là quy mô giá trị của nhóm dự án thứ i cần tính phí thẩm định đầu tư (đơn vị tính: giá trị công trình).

++ Gia là quy mô giá trị cận trên quy mô giá trị cần tính phí thẩm định (đơn vị tính: giá trị công trình).

++ Gib là quy mô giá trị cận dưới quy mô giá trị cần tính phí thẩm định (đơn vị tính: giá trị công trình).

++ Nia là phí thẩm định cho nhóm dự án thứ i tương ứng Gia (đơn vị tính: %).

++ Nib là phí thẩm định cho nhóm dự án thứ i tương ứng Gib (đơn vị tính: %). Trong đó mức thu theo tổng vốn đầu tư dự án được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này.

++ Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải thu đối với một dự án đầu tư được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản này nhưng tối đa không quá 150.000.000 (Một trăm năm mươi triệu) đồng/dự án. Trường hợp đặc biệt, Bộ Xây dựng có đề án đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng phải thu đối với từng dự án cụ thể.

++ Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với khu đô thị mới được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản này, trong đó tổng mức đầu tư được phê duyệt làm căn cứ tính thu phí không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt trong dự án.

++ Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với công trình quy mô nhỏ (thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) sử dụng vốn ngân sách nhà nước được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản này.

- Xác định số tiền phí thẩm định thiết kế cơ sở phải thu: Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án PPP và dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác theo quy định của Luật xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng (theo phân cấp) chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án thì mức thu phí thẩm định thiết kế cơ sở của dự án bằng 50% phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng tại điểm 1 Biểu mức thu.

- Đối với những dự án đầu tư quy định phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, nhưng cơ quan nhà nước không đủ điều kiện thẩm định mà phải thuê chuyên gia, tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định hoặc có yêu cầu chuyên gia, tư vấn thẩm tra hoặc đã có thẩm tra trước khi thẩm định thì cơ quan nhà nước chỉ được thu phí bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức thu phí tương ứng quy định tại điểm 1, 2 Biểu mức thu ban hành kèm theo Thông tư này. Chi phí thuê chuyên gia, tư vấn thẩm tra thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng.

 

4. Mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng từ ngày 01/7/2023

Theo Biểu mẫu thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC quy định như sau: 

Tổng mức đầu tư dự án 

(tỷ đồng)

Tỷ lệ

(%)

<= 15 0, 019
25 0,017
50 0,015
100 0,0125
200 0,01
500 0,0075
1000 0,0047
2000 0,0025
5000 0,002
>= 10000 0,001

Theo Điều 4 Thông tư 28/2023/TT-BTC quy định về mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng từ ngày 01/7/2023 như sau:

(1) Mức thu phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng (phí thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng) quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC. Mức thu phí tính theo tỷ lệ % trên tổng mức đầu tư dự án được áp dụng tại từng cơ quan thẩm định.

(2) Xác định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng:

- Căn cứ xác định số tiền phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng là tổng mức đầu tư (tính theo giá trị đề nghị thẩm định) và mức thu phí (quy định tại Biểu mức thu phí), cụ thể như sau:

Số phí phải nộp = Tổng mức đầu tư x Mức thu phí.

Trường hợp dự án có tổng mức đầu tư nằm trong khoảng giữa các tổng mức đầu tư ghi trên Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC thì số phí thẩm định được xác định theo công thức như trên mục 3

- Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với khu đô thị được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 28/2023/TT-BTC, trong đó tổng mức đầu tư đề nghị thẩm định làm căn cứ tính phí không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư trong dự án.

- Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng tối đa không quá 150.000.000 đồng/tổng mức đầu tư dự án/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/tổng mức đầu tư dự án/cơ quan thẩm định.

- Phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng quy mô nhỏ, công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo và công trình khác do Chính phủ quy định (thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) được xác định theo hướng dẫn tại điểm a khoản khoản 2 Điều 4 Thông tư 28/2023/TT-BTC.

(3) Đối với dự án đầu tư xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan chủ trì thẩm định thuộc người quyết định đầu tư yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết làm cơ sở cho việc thẩm định: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC.

(4) Đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC.

(5) Đối với dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh

- Trường hợp điều chỉnh dự án mà có sử dụng nội dung thẩm định thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC.

- Trường hợp điều chỉnh dự án không sử dụng nội dung thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư đã thẩm định trước khi điều chỉnh: Mức thu phí bằng 100% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC.

(6) Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng đồng thời là cơ quan chủ trì thẩm định thuộc người quyết định đầu tư: Mức thu phí bằng 150% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 28/2023/TT-BTC.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm nội dung bài viết sau của Luật Minh Khuê để nắm được quy định pháp luật về vấn đề này:

Mong rằng bài viết trên của chúng tôi sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho bạn. Bạn đọc nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6162 của chúng tôi để được tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc một cách nhanh chóng và kịp thời. Quý khách hàng có yêu cầu báo giá dịch vụ tư vấn vui lòng gửi yêu cầu về địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn. Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi nội dung tư vấn của chúng tôi. Xin trân trọng cảm ơn quý khách.