1. Dự án đầu tư xây dựng là gì ?

Khái niệm về dự án đầu tư xây dựng là gì được căn cứ theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 có giải thích  như sau:

Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp những đề xuất liên quan đến việc sử dụng vốn để thực hiện hoạt động xây dựng để xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì và nâng cao chất lượng công trình hay sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn, cũng như chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án cần được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hay Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Trong đó, hoạt động xây dựng sẽ gồm các công việc theo quy định tại Khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 gồm:

- Khảo sát xây dựng;

- Thiết kế xây dựng;

- Lập quy hoạch xây dựng;

- Thi công xây dựng;

- Lập dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Giám sát xây dựng;

- Quản lý dự án;

- Lựa chọn nhà thầu;

- Nghiệm thu công trình xây dựng và bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì;

- Các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

 

2. Các loại dự án đầu tư xây dựng

Hiện nay, có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình khác nhau tùy theo các tiêu chí phân loại và các quy định đối với từng nhóm dự án công trình xây dựng cũng có quy trình, thủ tục, quản lý, cách thức thực hiện riêng biệt.

Trong đó, về cơ bản cách phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình được xác định dựa theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP – Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

- Phân loại theo quy mô, tính chất và loại công trình chính của dự án:

+ Dự án quan trọng quốc gia;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm B;

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm C.

Mỗi nhóm dự án sẽ có những tiêu chí cụ thể về quy mô, tính chất và loại công trình chính được quy định chi tiết tại Phụ lục số 1 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

- Loại dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ  yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:

+ Dự án đầu tư công trình xây dựng sử dụng vào mục đích tôn giáo;

+ Dự án đầu tư công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp có tổng mức đầu tư từ dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).

- Phân loại dự án đầu tư xây dựng dựa theo loại nguồn vốn sử dụng:

+ Dự án đầu tư xây dựng có vốn ngoài ngân sách;

+ Dự án đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn khác;

+ Dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của nhà nước.

Ngoài ra, nhiều người phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình theo từng hạng mục như: lập dự án đầu tư xây dựng chung cư và nhà xưởng cho thuê, nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, nhà cao tầng, văn phòng cho thuê, trường học, lò gạch, nhà xưởng, nhà máy, trạm dừng chân, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, nghĩa trang…

 

3. Quy định về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP nêu rõ quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (gọi chung là tiêu chuẩn nước ngoài); tiêu chuẩn cơ sở; vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng.

Theo đó, việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, trong thuyết minh thiết kế xây dựng hoặc chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), phải có đánh giá về tính tương thích, đồng bộ và sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.

Khi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương thích, đồng bộ với các tiêu chuẩn có liên quan. Việc công bố các tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình được quy định tại các pháp luật khác có liên quan.

Việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới lần đầu được áp dụng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

 

4. Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng

Nghị định quy định đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 (Luật xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14).

Cụ thể, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn.

Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo quy định trên, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

Còn đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.

Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

 

5. Quy định về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ vào Nghị định Số: 15/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định một số nội dung như sau:

- Thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng 

Căn cứ tại Điều 10. Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng quy định:

“1. Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đầu tư; việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư công, dự án PPP được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

2. Sau khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, Sau khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.

- Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ

Tại Điều 16. Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ quy định như sau:

– Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công

+ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định về công nghệ đối với dự án quan trọng quốc gia;

+ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì thẩm định về công nghệ đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do bộ, cơ quan trung ương quản lý quyết định chủ trương đầu tư;

+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chủ trì thẩm định về công nghệ đối với dự án do Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý quyết định chủ trương đầu tư.

– Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công:

+ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến về công nghệ, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A, nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủyquyền quyết định đầu tư; dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên; dự án do Bộ quyết định đầu tư;

+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về khoa học, công nghệ, các cơ quan, tổ chức có liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án còn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

– Đối với dự án sử dụng vốn khác:

+ Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủtrương đầu tư; dự án nhóm A; dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng cấp đặc biệt, cấp I hoặc được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên;

+ Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án còn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

+ Đối với dự án PPP, Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP tổ chức thẩm định về công nghệ khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Như vậy, có thể thấy Thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc dự án đầu tư xây dựng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ quy định về các trường hợp khác nhau thì thẩm quyền thẩm định dự án sẽ khác nhau và tuân thủ theo vài trình tự, thủ tục đã được quy định.

>> Tham khảo: Mẫu quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới nhất

 

6. Câu hỏi thường gặp về dự án đầu tư xây dựng

6.1 Quy định về chi phí lập dự án đầu tư xây dựng?

Chi phí lập dự án đầu tư xây dựng công trình được quy định Mục I Phần II Quyết định 79/QĐ-BXD năm 2017 đã công bố Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng và tư vấn được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành sẽ bao gồm các khoản chi phí sau:

Chi phí tư vấn được xác định dựa theo cấp công trình theo quy định về phân cấp công trình xây dựng;

Chi phí tư vấn xác định trên cơ sở mức tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với quy mô chi phí xây dựng và quy mô chi phí thiết bị hay quy mô chi phí xây dựng và chi phí thiết bị;

Chi phí về việc tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng: sử dụng để xác định chi phí những công việc tư vấn trong tổng mức đầu tư xây dựng và dự toán xây dựng làm cơ sở để xác định giá gói thầu tư vấn phù hợp với trình tự lập dự án đầu tư xây dựng. Giá hợp đồng tư vấn được xác định trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu;

Chi phí tư vấn đầu tư dự án: Là phí chi trả cho người trực tiếp thực hiện công việc tư vấn và quản lý của tổ chức tư vấn, chi phí khác (mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp) và thu nhập chịu thuế tính trước chưa gồm thuế VAT.

 

6.2 Nội dung báo cáo đầu tư dự án xây dựng?

Hồ sơ pháp lý dự án đầu tư xây dựng cần chuẩn bị khi làm báo cáo đầu tư dự án xây dựng gồm có:

Căn cứ pháp lý, sự cần thiết đầu tư;

Tên dự án, hình thức đầu tư (dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, bảo trì và mở rộng);

Chủ đầu tư: ghi rõ tên cơ quan đơn vị và cá nhân;

Địa điểm và mặt bằng: phường (đường, phố)/xã và quận/huyện, thành phố/tỉnh;

Khối lượng công việc;

Vốn đầu tư và nguồn vốn;

Thời gian khởi công và hoàn thành.

Ngoài ra, đối với những dự án đầu tư xây dựng nhà máy với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh thì cần bổ sung thêm các nội dung trong báo cáo đầu tư như:

Thiết bị (ghi rõ giá trị, nguồn cung cấp);

Nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu;

Sản phẩm, dịch vụ, quy mô công suất;

Khả năng trả nợ (nếu có vốn vay), thời hạn hoàn vốn;

Biện pháp bảo vệ môi trường (nếu có các dự án tác động xấu tới môi trường).

Ngoài ra, đối với những dự án đầu tư xây dựng dưới 100 triệu đồng không nhất thiết phải thực hiện đủ các nội dung báo cáo đầu tư.

 

6.3 Chi phí quản lý dự án xây dựng công trình?

Theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí dự án thì chi phí quản lý dự án xây dựng được xác định theo Điểm d, Khoản 4, Điều 4 bao gồm:

Các chi phí để tổ chức thực hiện những công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng. Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chi phí quản lý dự án gồm có chi phí quản lý dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí quản lý dự án của nhà đầu tư.

 

6.4 Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng là thế nào?

Dự án đầu tư xây dựng phải được giám sát, đánh giá phù hợp với từng loại nguồn vốn như sau: Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng theo nội dung và tiêu chí đánh giá đã được phê duyệt;Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá về mục tiêu, sự phù hợp với quy hoạch liên quan, việc sử dụng đất, tiến độ đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn nhà nước, vốn đóng góp của cộng đồng và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện giám sát của cộng đồng.Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khu vực xây dựng tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng.Chính phủ quy định chi tiết Điều này.