1. Quy định của pháp luật hiện nay về người yêu cầu công chứng

- Hiện nay, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật công chứng 2014 Người yêu cầu công chứng được hiểu là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật công chứng (công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng).

Từ đây có thể thấy, pháp luật quy định người yêu cầu công chứng bao gồm cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu được công chứng hợp đồng, giao dịch hoặc bản dịch theo quy định của pháp luật.

- Người yêu cầu công chứng là cá nhân thì theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật công chứng 2014 có quy định người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự. Nếu người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó. Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.

- Về quy định ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, tại khoản 1 Điều 48 Luật công chứng 2014 có quy định:

 + Người yêu cầu công chứng phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Nếu như người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

+ Tuy nhiên, nếu người yêu cần công chứng không thể ký được do khuyết tật hoặc không biết ký, pháp luật có quy định được phép điểm chỉ để thay thế việc ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào (khoản 2 Điều 48 Luật công chứng 2014)

+ Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định về việc điểm chỉ có thể được thực hiện đồng thời với việc kí khi công chứng di chúc;  theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng (căn cứ khoản 3 Điều 48 Luật công chứng 2014).

- Theo quy định tại Điều 52 Luật công chứng 2014 có quy định người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng công chứng có vi phạm pháp luật. Như vậy, theo quy định trên, người yêu cầu công chứng là một trong những đối tượng có thẩm quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.

 

2. Các trường hợp công chứng phải có người làm chứng, người phiên theo quy định của pháp luật hiện nay

Theo quy định hiện nay, việc công chứng không phải lúc nào cũng bắt buộc phải có người làm chứng, việc công chứng phải có người làm chứng được quy định trong một số tình huống nhất định, có thể kể đến như:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật công chứng 2014, khi người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng khi người này không thể nghe được, không thể thực hiện việc ký, điểm chỉ được hoặc một số tình huống khác, pháp luật có quy định bắt buộc phải có người làm chứng. Người yêu cầu làm chứng mời người làm chứng, nếu người yêu cầu công chứng không mời được người làm chứng thì người làm chứng sẽ do công chứng viên chỉ định.

Hiện nay, theo quy định tại Công văn số 935/BTTP-CC Về việc thực hiện khoản 2 Điều 47 của Luật công chứng 2014, theo đó, quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật công chứng được hiểu là: Chỉ cần một trong các điều kiện hoặc không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng.

- Và khi người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt thì họ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng. Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình. Ngoài ra đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng là người nước ngoài, những người không thông thạo tiếng Việt, việc công chứng pháp luật không yêu cầu phải có người làm chứng nhưng có yêu cầu bắt buộc phải có người phiên dịch, đề người yêu cầu có thể hiểu được đầy đủ các nội dung trong quá trình công chứng. Người phiên dịch sẽ do người yêu cầu công chứng mời, và theo quy định, người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phiên dịch của mình.

 

3. Người làm chứng cho người yêu cầu công chứng không biết đọc chữ bắt buộc phải từ bao nhiêu tuổi trở lên?

Như đã phân tích ở trên, đối với những người yêu cầu công chứng mà không biết đọc chữ hoặc không thể nghe được hoặc không thể điểm chỉ thì việc công chứng phải có người làm chứng.

Tại khoản 2 Điều 47 Luật công chứng 2014 cũng có quy định một cách cụ thể về người làm chứng trong trường hợp này, theo đó người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. 

Như vậy, hiện nay, theo quy định của pháp luật, người làm chứng cho người yêu cầu công chứng không biết đọc chữ phải đáp ứng được các điều kiện

+ bắt buộc phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. 

+ Bên cạnh độ tuổi,  người làm chứng cho người yêu cầu công chứng mà không biết đọc chữ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo quy định tại Điều 19 Bộ Luật dân sự 2015 "Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự"

+ Ngoài ra, người làm chứng còn phải đáp ứng điều kiện là người không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.

Có thể nói, từ những nội dung có liên quan đến vấn đề người làm chứng cho người yêu cầu công chứng không thể đọc chữ, có thể khẳng định pháp luật quy định người làm chứng cho người yêu cầu công chứng không thể đọc chữ phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, bên cạnh đó, người này còn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ có liên quan.

Trên đây là một số vấn đề về các nội dung của pháp luật có liên quan đến người làm chứng của người không biết đọc. Để có thể hiểu rõ hơn, tham khảo: Thủ tục công chứng cho người không biết chữ, biết đọc, biết viết.

Mọi thắc mắc liên hệ 19006162 hoặc email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp chi tiết. Trân trọng !