Tôi làm việc ở đây cũng đã lâu và khá gắn bó với công ty, tôi biết công ty giờ làm ăn không được tốt nên công ty có các chính sách khắt khe làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Sau nhiều sự việc làm người lao động phẫn uất thì có lần gần đây nhất là suất ăn trưa của công ty không đảm bảo khiến nhiều người lao động bị đau bụng, những ngày sau đó công nhân không ăn cơm công ty và chỉ làm việc vào buổi sáng đến trưa đa phần họ bỏ về nhà ăn cơm và chiều nghỉ làm. Phía công ty đã có biện pháp cứng rắn là buộc những công nhân vi phạm nghỉ việc, rất nhiều công nhân đến hôm sau đã đình công và không làm việc. Tôi tuy không tham gia đình công nhưng tôi và rất nhiều người lao động đồng nghiệp khác rất quan tâm là chúng tôi, những người lao động có được đình công hay không? quy định cụ thể như thế nào?

Cảm ơn luật sư nhiều.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi:  1900.6162

 

Trả lời:

1. Người lao động là gì? Người sử dụng lao động là gì?

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật lao động 2019..

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

 

2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Luật sư nhận thấy thời điểm hiện tại tình hình tại công ty của bạn là rất căng thẳng, không biết tại công ty của bạn có Công đoàn công ty hay không mà không đứng ra giải quyết mâu thuẫn cho người lao động mà lại để người lao động và người sử dụng lao động mâu thuẫn đến mức không thể hòa giải được như thế này.

Sự thật thực tế có rất nhiều mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng những mâu thuẫn này rồi cũng được giải quyết theo đúng luật lao động và các quy định pháp luật liên quan. Việc những người lao động đình công phản đối về suất ăn không đảm bảo vệ sinh hay sự thờ ơ của công ty với sức khỏe của người lao động là lẽ đương nhiên và đúng với quy định pháp luật. Pháp luật lao động Việt Nam khuyến khích các bên thỏa thuận, hòa giải và cũng cho phép người lao động đình công khi không đạt được sự thỏa thuận. 

Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

e) Đình công;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Tại điểm e khoản 1 quy định quyền của người lao động được đình công nhưng tại khoản 2 điều này buộc người lao động phải đáp ứng được các nghĩa vụ khi làm việc như thực hiện đúng hợp đồng lao động, chấp hành kỷ luật, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Vậy nên người lao động muốn đình công thì cũng nên xem xét lại là mình có thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với công ty hay chưa và mình đã làm việc với cấp trên hay chưa hay chỉ hành động chủ quan, đình công trái pháp luật gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty.

 

3. Thế nào là đình công?

Điều 198 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

 

4. Trường hợp người lao động có quyền đình công

Điều 199 Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:

Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Như vậy, chỉ trong các trường hợp trên người lao động mới có quyền đình công. Còn lại thì cuộc đình công đó được coi là không hợp pháp.

-  Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: 

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

+ Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

+ Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

+ Hòa giải viên lao động;

+ Hội đồng trọng tài lao động.

 

5. Trình tự đình công theo quy định pháp luật

Điều 200 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Trình tự đình công

1. Lấy ý kiến về đình công theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật này.

2. Ra quyết định đình công và thông báo đình công theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật này.

3. Tiến hành đình công.

- Lấy ý kiến về định công: 

Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm:

a) Đồng ý hay không đồng ý đình công;

b) Phương án của tổ chức đại diện người lao động về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 của Bộ luật này.

Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.

Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

- Ra quyết định đình công và thông báo đình công: 

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

a) Kết quả lấy ý kiến đình công;

b) Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;

c) Phạm vi tiến hành đình công;

d) Yêu cầu của người lao động;

đ) Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Tiến hành đình công.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.