"Thưa Luật sư, có trường hợp như thế này mong Luật sư giải đáp giúp ạ: Hiện tại bố tôi có cho ông T vay tiền với số tiền là 1 tỷ đồng mà không có sự đồng ý của gia đình. Tuy nhiên đến hạn trả nợ là ngày 28/3/2020, ông T vẫn không trả tiền cho bố tôi, thậm chí khi bố tôi gọi điện giục nợ nhiều lần, ông T còn kiếm cớ quanh co, trốn tránh mặc dù ông này có nhà cửa, xe cộ. Bố tôi đã làm đơn ra công an xã và nhận được câu trả lời là ông T không có dấu hiệu hình sự và công an xã khuyên bố tôi làm đơn khởi kiện ra Tòa án để đòi lại số tiền đã cho vay vì đây chỉ là tranh chấp dân sự. Tôi không hiểu tại sao hành vi của ông T không phải là lừa đảo mà chỉ là tranh chấp dân sự?

Mong luật sư sớm trả lời để tôi được hiểu rõ hơn vấn đề. Tôi xin cảm ơn!"

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

 

Trả lời:

1. Quan hệ Dân sự là gì? Pháp luật Dân sự là gì?

Pháp luật của các quốc gia trên thế giới nói chung và pháp luật tại Việt Nam nói riêng đều phân chia hệ thông pháp luật thành các ngành luật khác nhau như: Hình sự, Dân sự, Hành chính, Đất đai,… Việc phân chia các ngành luật giúp cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các quan hệ do pháp luật điều chỉnh có thể dễ dàng tiếp cận và vận dụng các quy định của luật để giải quyết tranh chấp cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì thế, ở mỗi văn bản pháp luật đều có quy định về phạm vi điều chỉnh, Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua theo Luật số 91/2015/QH13 cũng quy định về phạm vi điều chỉnh, cụ thể như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”

Như vậy, ta có thể hiểu, quan hệ dân sự là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các cá nhân, pháp nhân và pháp luật dân sự nói chung cũng như Bộ luật Dân sự nói riêng là những quy phạm pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ ấy. Với quy định về phạm vi điều chỉnh, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ tạo cơ sở pháp lý để xác định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử cũng như các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự. Nói như vậy không có nghĩa là quan hệ dân sự là những quan hệ phức tạp, sâu xa, mang tính vĩ mô mà trong thực tế quan hệ dân sự hiện diện hàng ngày, hàng giờ, ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, đó là những hoạt động mua bán hàng hóa, cho vay, cho mượn, cho thuê tài sản, tặng cho, trao đổi tài sản,... Việc bố bạn cho ông T mượn tiền ở trên về bản chất chính là mối quan hệ dân sự giữa hai cá nhân với nhau.

 

2. Quan hệ dân sự được thể hiện qua các yếu tố nào?

Quan hệ Dân sự là những quan hệ xã hội và do sự điều chỉnh của các quy định pháp luật nên các chủ thể bao gồm các cá nhân, pháp nhân khi tham gia vào quan hệ ấy đều có sự bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản cũng như tự chịu trách nhiệm vì lợi ích của chính bản thân họ hoặc cho cá nhân, tổ chức khác. Chủ thể của quan hệ dân sự là cá nhân, pháp nhân.

Sự bình đẳng trong quan hệ dân sự không được hiểu với nghĩa là sự cào bằng, chia đôi mà nó được hiểu với nghĩa là khi các bên tham gia vào một quan hệ dân sự, các bên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong mối quan hệ ấy, pháp luật trao cho các chủ thể các quyền và nghĩa vụ như nhau, không phân biệt nam nữ, dân tộc, màu da, địa vị xã hội,… Đã là chủ thể trong các quan hệ dân sự thì đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc giải quyết các tranh chấp (nếu có), không có bất kỳ sự phân biệt nào trong các quan hệ dân sự nhân thân và tài sản. Việc bố bạn cho ông T vay tiền ở trên cũng là một quan hệ dân sự, ông T với bố bạn là hai cá nhân, khi tham gia vào quan hệ cho vay mượn tiền thì bố bạn và ông T có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau, không ai được ưu tiên hơn ai cũng không ai bị hạn chế, bị cấm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Tự do ý chí trong quan hệ dân sự chính là sự tự nguyện tham gia, xác lập các quan hệ dân sự phù hợp với khả năng của các cá nhân, pháp nhân. Không ai có quyền ép buộc hay cưỡng chế cá nhân, pháp nhân tham gia, xác lập một giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân hoàn toàn chủ động trong quyền quyết định có tham gia hay không tham gia một quan hệ dân sự. Trong trường hợp của bố bạn cũng vậy, bố bạn là người có toàn quyền quyết định việc có cho ông T mượn tiền hay không, ông T hay gia đình bạn hay bất kỳ ai cũng không có quyền ngăn cản hoặc cưỡng chế bố bạn phải cho ông T mượn khoản tiền 1 tỷ đồng bởi việc ngăn cản hay cưỡng chế sẽ xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của bố bạn đang được pháp luật bảo vệ. Tương tự với ông T, ông T cũng có toàn quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia vào giao dịch dân sự với bố bạn mà không bị ai ngăn cản hay cưỡng chế. Việc ông T và bố bạn tham gia vào giao dịch cho vay để nhằm mục đích phục vụ lợi ích của chính bố bạn và ông T nên bố bạn và ông T đều lựa chọn tham gia vào giao dịch đó.

Cùng với yếu tố bình đằng và tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm cũng là những yếu tố quan trọng làm nên giao dịch dân sự. Bởi khi bố bạn có tài sản là số tiền 1 tỷ đồng và có toàn quyền quyết định với số tiền đó thì bố bạn mới có khả năng tham gia vào giao dịch với ông T. Độc lập về tài sản chính là việc cá nhân, pháp nhân có toàn quyền sử dụng tài sản của chính mình để tham gia vào quan hệ dân sự, việc sử dụng tài sản ấy chỉ phụ thuộc vào ý chí của cá nhân, pháp nhân và phục vụ cho lợi ích của cá nhân, pháp nhân đó. Quan hệ dân sự được hình thành giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với pháp nhân dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí và độc lập về tài sản chứ không hình thành giữa một bên là cá nhân hoặc tổ chức với một bên là cơ quan nhà nước nên khi tham gia, xác lập quan hệ dân sự, các cá nhân, pháp nhân sẽ phải tự chịu trách nhiệm với bên còn lại chứ không chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, dựa trên nguyên tắc thỏa thuận với nhau. Như vậy nên khi ông T vi phạm nghĩa vụ trả tiền vay với bố bạn mà không phải do ông T có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền của bố bạn thì ông T sẽ phải tự chịu trách nhiệm với bố bạn chứ không chịu trách nhiệm trước cơ quan công an. Xem thêm:  Vay tiền không trả phạm tội gì? Xử lý hành vi không chịu trả nợ?

 

3. Tại sao cần có Bộ luật Dân sự để điều chỉnh quan hệ dân sự?

Pháp luật Dân sự nói chung và Bộ luật Dân sự nói riêng là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận để điều chỉnh các quan hệ dân sự và được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước. Bộ luật Dân sự là cơ sở để xác định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện sự hài hòa với giá trị chung của pháp luật dân sự khi xác định phạm vi điều chỉnh Địa vi pháp lý là vị trí của chủ thể khi tham gia các quan hệ pháp luật, địa vị pháp lý được thể hiện thông qua tổng thể các quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia còn chuẩn mức pháp lý về cách ứng xử của cá nhân được thể hiện thông qua chính các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung của Luật. Bởi lẽ các quan hệ dân sự được hình thành dựa trên sự bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm nên trên thực tế áp dụng sẽ có rất nhiều các quy tắc đặt ra, trong đó có những quy tắc phù hợp với lợi ích chung và những quy tắc chỉ phục vụ lợi ích của một chủ thể hoặc một nhóm chủ thể nên dễ dẫn đến tình trạng có sự mất bình đẳng, thậm chí có thể có tình trạng ép buộc, ngăn cấm các chủ thể được tham gia các quan hệ dân sự,… đồng thời đặc trưng của quan hệ dân sự là sự tự chịu trách nhiệm nên dễ dẫn đến tình trạng các bên chủ thể không tự chịu trách nhiệm hoặc trốn tránh việc chịu trách nhiệm đó. Do vậy, đòi hỏi phải có một hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung để đảm bảo về các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ dân sự, ràng buộc các bên tham gia về vấn đề chịu trách nhiệm cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh.

 

4. Khi nào thì áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết tranh chấp?

Như đã phân tích ở trên, Bộ luật Dân sự là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung để điều chỉnh các quan hệ dân sự nên Bộ luật Dân sự cũng điều chỉnh các tranh chấp liên quan đến quan hệ dân sự (tranh chấp dân sự). Tranh chấp dân sự chính là những mâu thuận, xung đột giữa các cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ nhân thân hoặc trong các quan hệ tài sản. Việc ông T mượn tiền bố bạn nhưng sau đó cố tình trốn tránh, lần lữa không trả chính là việc ông T đã vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng vay tiền, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột của bố bạn và ông T. Sự việc này không có dấu hiệu hình sự theo kết luận của cơ quan công an cho nên sự việc này không thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để giải quyết và vì sự việc này được hình thành dựa trên quan hệ dân sự nên trong trường hợp này bố bạn có quyền làm đơn khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo hướng Dân sự.

 

5. Bộ luật Dân sự có phải chỉ được áp dụng tại Việt Nam?

Bộ luật Dân sự 2015 do Việt Nam ban hành và được đảm bảo thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các Quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới thì các quy định pháp luật cũng cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với các quy định quốc tế, tạo tiền đề để phát triển các mối quan hệ quốc tế. Bộ luật Dân sự cũng như thế, Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 không giới hạn phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nên nếu trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có đề cập hướng giải quyết theo quy định của Việt Nam thì các quy định của Bộ luật Dân sự vẫn được vận dụng để giải quyết.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.