1.Cam kết xác nhận hàng 

 Với điều kiện các chứng từ theo quy định được nộp cho ngân hàng xác nhận hoặc cho bất kì ngân hàng được chỉ định nào, và với điều kiện chứng từ được xuất trình hợp lệ, ngân hàng xác nhận phải: i. Thanh toán, nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán theo cách: a. Trả ngay, trả chậm hoặc chấp nhận thanh toán tại ngân hàng xác nhận; b. Trả ngay với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không thanh toán; c. Trả chậm với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không cam kết trả chậm, hoặc có cam kết trả chậm mà không thanh toán khi đáo hạn; d. Chấp nhận [hối phiếu] với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không chấp nhận hối phiếu đã kí phát, hoặc đã chấp nhận hối phiếu đã kí phát mà không thanh toán khi đến hạn; e. Thương lượng thanh toán với một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng được chỉ định này không thương lượng thanh toán. ii. Thương lượng thanh toán và không truy đòi, nếu thư tín dụng có giá trị thương lượng thanh toán tại ngân hàng xác nhận.

Ngân hàng xác nhận bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thanh toán không thể huỷ bỏ, ngay khi xác nhận thư tín dụng.

Ngân hàng xác nhận cam kết hoàn trả cho một ngân hàng được chỉ định khác, mà ngân hàng này đã thanh toán hoặc thương lượng thanh toán trên cơ sở sự xuất trình chứng từ hợp lệ và chuyển các chứng từ này cho ngân hàng xác nhận. Việc hoàn trả trên cơ sở xuất trình hợp lệ theo thư tín dụng có giá trị thanh toán bằng cách chấp nhận hoặc trả chậm là vào lúc đáo hạn, không phụ thuộc vào việc một ngân hàng được xác định khác đã trả trước hoặc mua trước khi đến hạn. Cam kết hoàn trả của ngân hàng xác nhận cho một ngân hàng được chỉ định khác là độc lập với cam kết thanh toán của ngân hàng xác nhận cho người thụ hưởng.

Trường hợp một ngân hàng được ủy quyền hoặc được yêu cầu xác nhận thư tín dụng bởi ngân hàng phát hành mà không sẵn sàng làm việc đó, thì phải thông báo cho ngân hàng phát hành ngay lập tức và có thể thông báo thư tín dụng mà không cần xác nhận.

2. Nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng 

Thư tín dụng được xem là riêng biệt và độc lập với hợp đồng cơ bản giữa bên bán với bên mua và mối quan hệ giữa ngân hàng phát hành với bên mua. Vì vậy, nói chung, ngay cả khi bên bán [được coi là] đã vi phạm hợp đồng mua bán với bên mua, thì ngân hàng phát hành (hoặc ngân hàng xác nhận) vẫn không thể từ chối thực hiện cam kết thanh toán của mình. Thư tín dụng vẫn sẽ được thực hiện ngay cả khi bên mua đưa ra các cáo buộc, ví dụ, chất lượng của lô hàng được chuyển tới không đạt yêu cầu, không phù hợp với mục đích của họ hoặc có sự thiếu hụt trong khi giao hàng. Do đó, ngân hàng phát hành không thể từ chối cam kết thanh toán của mình, chỉ vì bên mua không làm tròn nghĩa vụ thanh toán.  Nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng được ghi nhận tại Điều 4 UCP như sau: a. Về bản chất, thư tín dụng là giao dịch riêng biệt với hợp đồng mua bán hoặc các hợp đồng khác là cơ sở của thư tín dụng. Ngân hàng không thể liên quan đến hoặc bị ràng buộc bởi các hợp đồng này, ngay cả khi có bất kì sự dẫn chiếu nào tới chúng được nêu trong thư tín dụng. Vì vậy, cam kết của ngân hàng đối với việc thanh toán, thương lượng thanh toán hoặc thực hiện bất kì nghĩa vụ nào khác theo thư tín dụng không phụ thuộc vào các khiếu nại hoặc cáo buộc từ phía người yêu cầu mở thư tín dụng phát sinh từ mối quan hệ của họ với ngân hàng phát hành, hoặc người thụ hưởng. Người thụ hưởng, trong mọi trường hợp, không thể lợi dụng các quan hệ hợp đồng giữa các ngân hàng với nhau hoặc giữa người yêu cầu mở thư tín dụng với ngân hàng phát hành. b. Ngân hàng phát hành không được phép ủng hộ mọi cố gắng của người yêu cầu mở thư tín dụng trong việc đưa các bản sao của hợp đồng cơ sở, hoá đơn quy ước và các chứng từ tương tự trở thành bộ phận không tách rời của thư tín dụng. Lí do của nguyên tắc về tính độc lập của thư tín dụng: Trong trường hợp bên mua đã chấp nhận một hối phiếu đòi nợ nhưng phát hiện ra rằng bên bán đã phá vỡ một số nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán, đáng chú ý nhất là số hàng hoá có chất lượng hoặc số lượng không như mong đợi. Thông thường, những gì bên mua cố gắng làm là ngăn chặn khoản tiền sẽ được ngân hàng thanh toán cho bên bán. Tuy nhiên, thực tế rất khó để làm điều này, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Lí do đằng sau thực tế này được một thẩm phán người Anh giải thích như sau: Bên mua thường kiếm tìm một lệnh của toà án nhằm ngăn chặn ngân hàng trả tiền khi hàng hoá không phù hợp với mô tả trong hợp đồng, nhưng toà án không sẵn sàng ban hành lệnh đó. Lí do của việc này là: Nghĩa vụ thanh toán của ngân hàng theo thư tín dụng được tách khỏi hợp đồng mua bán, và toà án sẽ chỉ can thiệp khi có hậu quả đủ nghiêm trọng xảy ra. Việc cho phép bên mua can thiệp vào thoả thuận thanh toán giữa ngân hàng phát hành và bên bán (người thụ hưởng), khi hàng hoá không phù hợp với mô tả trong hợp đồng, sẽ gây tác động nghiêm trọng tới thương mại quốc tế, bởi vì bên bán, khi tham gia vào hợp đồng mua bán có hình thức thanh toán thông qua thư tín dụng, đã có niềm tin rằng anh ta sẽ được trả tiền thông qua một thư tín dụng không thể bị huỷ, và có thể dựa vào quy định tại thư tín dụng để mua hàng từ nhà sản xuất hoặc tự mình sản xuất hàng hoá. Nếu toà án can thiệp, thì tính vững chắc của việc thanh toán, thường gắn liền với thư tín dụng thương mại, sẽ bị tác động nghiêm trọng.

3.Tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ

Điều 14 UCP quy định rằng: a. Ngân hàng được chỉ định hành động theo sự chỉ định, [với tư cách] ngân hàng xác nhận, nếu có, và ngân hàng phát hành phải kiểm tra việc xuất trình [chứng từ], chỉ dựa trên cơ sở chứng từ, để quyết định các chứng từ xuất hiện trước mặt họ có phải là sự xuất trình [chứng từ] hợp lệ hay không. b. Ngân hàng được chỉ định hành động theo sự chỉ định, [với tư cách] ngân hàng xác nhận, nếu có, và ngân hàng phát hành sẽ có, cho mỗi ngân hàng, tối đa là năm ngày làm việc của ngân hàng sau ngày [chứng từ được] xuất trình để quyết định việc xuất trình [chứng từ] có hợp lệ hay không. Thời hạn này không bị rút ngắn hoặc không bị tác động bằng bất cứ cách nào khác, nếu ngày hết hạn hoặc ngày xuất trình cuối cùng rơi đúng vào hoặc sau ngày xuất trình. Trên thực tế, theo quy định tại Điều 14 UCP, ngân hàng được chỉ định, ngân hàng xác nhận (nếu có) và ngân hàng phát hành, thường chỉ quan tâm đến việc nhằm bảo đảm rằng chứng từ được xuất trình trước mặt họ là sự xuất trình [chứng từ] hợp lệ, không phải để kiểm tra tính xác thực của các thông tin trong chứng từ, lại càng không phải để kiểm tra hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán. Ngoài ra, Điều 5 UCP cũng nhấn mạnh rằng: ‘Ngân hàng xử lí chứng từ, không xử lí hàng hoá, dịch vụ hoặc sự thực hiện [các việc khác] có liên quan tới các chứng từ’. Do đó, nếu chứng từ được xuất trình đúng trình tự, thì ngân hàng, nói chung, sau đó, sẽ có cả quyền và nghĩa vụ thanh toán. Ngược lại, nếu chứng từ không đúng theo quy định của thư tín dụng, thì ngân hàng có quyền từ chối thanh toán, ngay cả khi sự sai lệch này không hề quan trọng trên thực tế.

4. Luật điều chỉnh tín dụng chứng từ (thư tín dụng)

Trong một giao dịch thư tín dụng, có một số quan hệ hợp đồng khác nhau. Bỏ qua hợp đồng mua bán cơ sở, có các loại hợp đồng khác giữa: (i) Bên mua và ngân hàng phát hành; (ii) Ngân hàng phát hành và ngân hàng xác nhận; (iii) Ngân hàng xác nhận và bên bán; và (iv) Ngân hàng phát hành và bên bán. Khi có tranh chấp phát sinh hoặc có liên quan tới quan hệ hợp đồng như vậy, câu hỏi quan trọng về mặt pháp luật có thể phát sinh là: Luật nào điều chỉnh thư tín dụng (hoặc tín dụng chứng từ)? Do mối quan hệ như vậy có tính chất phức tạp và liên quan tới nhiều nước, nên câu trả lời là không dễ dàng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Công ước Rô-ma về Luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng (sau đây gọi là ‘Công ước Rô-ma’) có thể tích cực hỗ trợ giải quyết vấn đề. Khoản 1 Điều 3 của Công ước quy định rằng luật thích hợp để điều chỉnh loại hợp đồng này, bất kể hợp đồng được thực hiện như thế nào, phải được xác định theo các quy định tại Công ước. 

5. Xác định luật điều chỉnh thư tín dụng

1. Khi không có sự lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng theo quy định tại Điều 3, hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước mà nó có mối liên hệ mật thiết nhất. Tuy nhiên, một số phần của hợp đồng có mối liên hệ mật thiết hơn với một nước khác có thể là ngoại lệ và được điều chỉnh bởi luật của nước khác đó.

2. Theo quy định tại khoản 5 của Điều này, hợp đồng có thể được coi là có mối liên hệ mật thiết nhất với nước nơi bên có tác động tới sự thực hiện hợp đồng mà sự thực hiện này tạo nên tính chất của hợp đồng đó, tại thời điểm giao kết hợp đồng, có địa chỉ thường trú, hoặc trong trường hợp một nhóm hợp nhất hoặc không hợp nhất, là cơ quan hành chính trung tâm (của nhóm đó). Tuy vậy, nếu hợp đồng được đưa vào thực hiện trong hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của bên đó, thì nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng sẽ là nước nơi bên đó có địa bàn kinh doanh chính, hoặc, nếu căn cứ theo các điều khoản của hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng có hiệu lực tại một địa bàn kinh doanh khác với địa bàn kinh doanh chính, thì nước có địa bàn kinh doanh khác đó sẽ là nước có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng.

Luật Minh Khuê( sưu tầm và biên tập)