1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

2. Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế là gì?

2.1 Khái niệm tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế

Hiện nay có nhiều quan niệm và cách quy định khác nhau về khái niệm tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế. 

Khái niệm thương mại quốc tế có thể được định nghĩa những hoạt động thương mại mang tính quốc tế. Nhìn chung các hệ thống pháp luật đều quy định hoạt động thương mại là những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và một số hoạt động thương mại khác). Tính quốc tế của hoạt động thương mại có thể được xác định qua những tiêu chí khác nhau trong cách quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau. Theo luật Việt Nam, thương mại quốc tế được hiểu là các hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc biên giới hải quan.

Theo Tòa thường trực Công lý quốc tế: (trong vụ Mavrommatis 1924): tranh chấp là sự bất đồng về mặt pháp lý hay thực tế, sự xung đột về quan điểm pháp lý hoặc lợi ích giữa hai người trở lên.

Như vậy có thể hiêu: Tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế là các mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ thương mại quốc tế. Với thương mại quốc tế được hiểu là hoạt động thương mại liên quan đến hai hay nhiều quốc gia giác nhau. Dựa vào chủ thể và đối tượng tranh chấp, tranh chấp thương mại quốc tế được chia làm hai loại cơ bản là tranh chấp TMQT công và tranh chấp TMQT tư.

2.2 Phân loại tranh chấp hợp đồng TMQT

Dựa vào chủ thể và đối tượng của tranh chấp, tranh chấp hợp đồng TMQT được chia làm hai loại cơ bản: tranh chấp hợp đồng TMQT công và tranh chấp hợp đồng TMQT tư.

(i) Tranh chấp hợp đồng TMQTcông: là tranh chấp hợp đồng TMQT giữa các thực thể công về việc xây dựng và thực thi các chính sách thương mại như thuế xuất nhập khẩu, chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ. Tranh chấp này phát sinh khi một hoặc nhiều thực thể công cho rằng một thực thể công nào đó ban hành hoặc thực hiện chính sách thương mại không phù hợp hoặc không thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với thực thể công/ các thực thể công kia. Tranh chấp hợp đồng TMQT công có thể là tranh chấp tranh chấp giữa các quốc gia theo cơ chế riêng biệt (trong khuôn khổ WTO, hay theo các cơ chế khu vực ASEAN, EU) hay tranh chấp ngoài khuôn khổ các cơ chế riêng biệt.

Ví dụ: Vụ tranh chấp của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2010 trong khuôn khổ WTO về một số biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam và phương pháp tính “quy về 0” không phù hợp với quy định của WTO.

(ii) Tranh chấp hợp đồng TMQT tư: là tranh chấp hợp đồng TMQTgiữa các thương nhân (gồm cả tranh chấpgiữa thương nhân và quốc gia) trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: mua bán hàng hóa quốc tế, thanh toán quốc tế, bảo hiểm quốc tế, đầu tư quốc tế. Ví dụ:

- Tranh chấp liên quan đến đàm phán, ký kết hợp đồng ( về tư cách pháp lý của chủ thể ký kết; hình thức hợp đồng;…)

- Tranh chấp do vi phạm hợp đồng( không giao hàng, giao hàng không đúng, nhận hàng chậm; vi phạm nghĩa vụ thanh toán;…)

- Tranh chấp về vận chuyển hàng hóa

- Tranh chấp về phương thức thanh toán

3. Nguyên tắc xác định thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế

Thẩm quyền xác định thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp hợp đồng TMQT theo quy định của pháp luật Việt Nam dựa vào các văn bản sau:

(i) Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: các Hiệp định tương trợ tư pháp , các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư;

(ii) Pháp luật trong nước: Các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp  được quy định trong các văn bản chuyên ngành thuộc lĩnh vực thương mại: Luật Đầu tư 2020 (điều 14); Bộ luật hàng hải 2015(Điều 338; Điều 339); Luật hàng không dân dụng Việt Nam (Điều 172, 185); Luật trọng tài thương mại (Điều 3); Các nguyên tắc chung được quy định trong bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó để xác định Tòa án có thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại quốc tế thông qua hai bước:

3.1 Xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam không? 

Để xác định liệu vụ việc có thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam không cần căn cứ vào :

Quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

Trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài, mỗi hiệp định lại xác định thẩm quyền xét xử thông qua các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam-Nga tại Điều 36 quy định: thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế thuộc về tòa án nước nơi bị đơn thường trú hoặc có trụ sở; Tuy nhiên, tòa án của nước nơi nguyên đơn thường trú hoặc có trụ sở cũng có thẩm quyền giải quyết nếu trên lãnh thổ nước này có đối tượng tranh chấp hoặc tài sản của bị đơn. Trong khi đó, theo Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc lại quy định: thẩm quyền xét xử đối với tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế thuộc về tòa án nước nơi ở kết hợp đồng hoặc nơi thực hiện hợp đồng hoặc nước có đối tượng tranh chấp nằm trên lãnh thổ  (Điều 18).

Như vậy đối với mỗi tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế trước hết cần phải xem xét liệu có hiệp định  tương trợ tư pháp nào giữa các nước của hai bên tranh chấp không và quy định của hiệp định về vấn đề này như thế nào.

Quy định tại chương 38 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2015:

Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

2. Sau khi xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam theo quy định của Chương này, Tòa án áp dụng các quy định tại Chương III của Bộ luật này để xác định thẩm quyền của Tòa án cụ thể giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Điều 470. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

1. Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;

c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

2. Những việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

a) Các yêu cầu không có tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;

c) Tuyên bố công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị mất tích, đã chết nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

d) Tuyên bố người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;

đ) Công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.

3.2 Xác định thẩm quyền của tòa án theo các nguyên tắc tại chương III Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

Thứ nhất,  xác định thẩm quyền tòa án theo loại việc: Các vụ việc thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án được quy định tại các điều từ 26 đến 33 Bộ luật TTDS 2015. Theo đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật lao động và quan hệ kinh doanh, thương mại. Ngoài ra tòa còn có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của tòa án và trọng tài nước ngoài.

Thứ hai, xác định thẩm quyền của tòa án theo cấp: nguyên tắc này được quy định tại điều 35 và điều 37 BLTTDS 2015. Theo đó tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hầu hết các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền tòa án, trừ một số vụ việc có tính chất phức tạp cần đến điều kiện đặc biệt về chuyên môn, ủy thác tư pháp với nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể: những tranh chấp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt nam ở nước ngoài, cho tòa án nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Thứ ba, xác định thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ: nguyên tắc này được quy định tại điều 39 và 40 Bộ luật TTDS  2015. Theo đó đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản,thẩm quyền sẽ thuộc về tòa án nơi có bất động sản. Đối với các vụ việc dân sự khác, tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, hay có cơ sở trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận giải quyết tại tòa nơi nguyên đơn cư trú.