- 1. Những lỗi thường gặp khi đàm phán, giao kết hợp đồng thương mại quốc tế
- 1.1. Lỗi do không biết ngoại ngữ
- 1.2. Không biết sử dụng nghệ thuật đàm phán
- 1.3. Không am hiểu luật pháp của nước bạn hàng và luật pháp quốc tế
- 1.4. Không biết về nghiệp vụ buôn bán quốc tế
- 2. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
- 3. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên năm 1980
- 4. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam
- 5. Một số điều khoản trong hợp đồng thương mại quốc tế
1. Những lỗi thường gặp khi đàm phán, giao kết hợp đồng thương mại quốc tế
Theo Luật gia Trần Minh Sơn:
So với hợp đồng thương mại trong nước, việc đàm phán để giao kết hợp đồng thương mại quốc tế thực chất là đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải những vấn đề sau đây:
1.1. Lỗi do không biết ngoại ngữ
Đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế có thông qua nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc … tuỳ theo đối tác ký kết hợp đồng sử dụng loại ngôn ngữ nào.Vì vậy, để có thể đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế thành công, các doanh nghiệp Việt Nam phải có các chuyên gia về ngôn ngữ.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp cũng như trong quá trình đàm phán hợp đồng. Vì vậy, việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ là thế mạnh của những doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển trong thương trường quốc tế nói chung và trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong đàm phán về hợp đồng thương mại quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tự tin, chủ động, độc lập trong đàm phán mà còn tiết kiệm được chi phí (ví dụ chi phí thuê phiên dịch, chi phí dịch tài liệu liên quan đến hợp đồng…), giữ được bí mật nghề nghiệp, tạo sự nể trọng từ phía đối tác … và nhất là tránh được các lỗi trong nội dung hợp đồng do không biết ngoại ngữ nên không hiểu hết ý của đối tác.
1.2. Không biết sử dụng nghệ thuật đàm phán
Nghệ thuật đàm phán thể hiện ở sự chuẩn bị tốt các phương án đàm phán để dễ dàng đối phó với mọi yêu cầu của phía đối tác. Một sự chủ quan, bất cẩn sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Trong trường hợp như vậy sẽ khó có được những hợp đồng thương mại có lợi cho mình.
Nghệ thuật đàm phán với đối tác nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có sự hiểu biết về phong tục, tập quán, thói quen của nước đối tác cũng như môi trường kinh doanh của nước họ.Sự hiểu biết về tập quán kinh doanh của nước đối tác sẽ tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng chia sẻ nhiều vướng mắc trong đàm phán, từ dó tạo thuận lợi khi đàm phán về từng điều khoản cụ thể trong hợp đồng.
Nghệ thuật đàm phán cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải vừa có sự cương quyết, vừa có sự nhân nhượng với bàn hàng nước ngoài khi đàm phán về tưng điều khoản cụ thể trong hợp đồng
1.3. Không am hiểu luật pháp của nước bạn hàng và luật pháp quốc tế
Để tiết kiệm thời gian, việc nghiên cứu trước pháp luật nước ngoài, đặc biệt là pháp luật của nước bạn hàng cũng như pháp luật hoặc tập quán quốc tế là hết sức cần thiết. Sự hiểu biết này sẽ giảm thiểu được những sự bất đồng ý kiến và tiết kiệm thời gian đàm phán.
1.4. Không biết về nghiệp vụ buôn bán quốc tế
Điều này đòi hỏi người đi đàm phán phải có kiến thức tốt, chuyên sâu về nghiệp vụ thương mại quốc tế. Nói cách khác, những nguời đi đàm phán để ký kết hợp đồng thương mại quốc tế phải là các nhà chuyên nghiệp về lĩnh vực thương mại quốc tế cụ thể mà họ chuẩn bị đàm phán. Ví dụ, đàm phán để ký kết hợp đồng thương mại quốc tế mà đối tượng mua bán là những thiết bị phức tạp như máy bay, cột thu phát sóng truyền hình … sẽ hoàn toàn khác với mua bán gạo, than đá, sắt thép. Hợp đồng vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển cũng sẽ có những tiêu chí kỹ thuật khác so với hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vận hành một nhà máy lọc dầu …
2. Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Để hiểu về hợp đồng thương mại quốc tế thì trước tiên cần hiểu về hợp đồng mua bán bởi lẽ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế. Pháp luật Việt Nam có quy định về hợp đồng mua bán tài sản như sau: hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán (Bộ luật dân sự 2015 - BLDS 2015). Theo luật thương mại 2005 thì hàng hòa là tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; và những vật gắn liền với đất đai có thể mua bán được.
Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thoả thuận giữa các bên về việc bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa – đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
3. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên năm 1980
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế. Tính chất quốc tế của một hợp đồng mua bán được xác định phụ thuộc vào từng quy định quốc gia và quốc tế. Cụ thể, theo Công ước Viên năm 1980 (sau đây gọi là CISG) thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau (điều khoản về phạm vi áp dụng của Công ước này). Từ quy định này, có nhiều quốc gia, học giả cho rằng yếu tố quốc tế của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định giữa trên trụ sở chính của các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế chứ không phải yếu tố quốc tịch. Quan niệm này dựa trên căn cứ tình hình thực tế khi hiện nay các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán quốc tế thường có nhiều quốc tịch (các công ty đa quốc gia). Tuy nhiên, CISG có phạm vi áp dụng cho các quốc gia thành viên công ước và cả trong các trường hợp hợp đồng có quy định sẽ áp dụng CISG để điều chỉnh hợp đồng vì vậy quy định của CISG không nhất thiết bắt buộc trong mọi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, căn cứ vào trụ sở kinh doanh chính cũng là một trong số những căn cứ được nhiều quốc gia sử dụng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
4. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, tuy nhiên tại Điều 663 BLDS 2015 có quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, một quan hệ dân sự được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khi có một trong ba yếu tố: chủ thể có yếu tố nước ngoài; việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Mua bán hàng hóa quốc tế là quan hệ thương mại quốc tế và theo đó là một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng và thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Như vậy, quy định tại Điều 663 được áp dụng để xác định một quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Vậy một hợp đồng mua bán hàng hóa được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi có một trong ba căn cứ sau:
- Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán hàng hóa theo pháp luật nước ngoài;
- Hàng hóa, đối tượng của hợp đồng, ở nước ngoài.
5. Một số điều khoản trong hợp đồng thương mại quốc tế
Chất lượng và điều khoản giao hàng trong hợp đồng thương mại quốc tế
Trước khi ký kết hợp đồng thương mại quốc tế cần tìm hiểu kĩ chỉ tiêu một số hàng hóa xuất khẩu để soạn thảo điều khoản chất lượng hàng hóa tốt.
Việc giao hàng gồm giao hàng ở cảng đi và dỡ hàng ở cảng đến. Thời gian như thế nào.
Địa điểm giao hàng được quy định tại điều 35 Luật Thương mại 2005 và Điều 31 Công ước viên Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) như (cảng bốc, cảng dỡ;– Nên quy định cụ thể tên cảng); Thời hạn giao hàng (Nên quy định thời hạn giao hàng có định kỳ: Một mốc thời gian hàng phải được giao trước đó hoặc một khoảng thời gian đủ dài); Thông báo giao hàng (quy định thời điểm, nội dung;phương thức thông báo).
Điều khoản giá cả, thời gian thanh toán trong hợp đồng
Căn cứ tại Điều 55 CISG và Điều 52 Luật Thương mại 2005 thì giá được xác định theo thỏa thuận của các bên. Và giá cả hàng hóa trong hợp đồng thương mại quốc tế phải có đủ đơn giá, tổng giá (cả bằng số;và chữ). Phải dẫn chiếu Incoterms cụ;thể (cảng, phiên bản). Incoterms có thể dẫn chiếu ngay sau đơn giá hoặc sau tổng giá bằng chữ. Nên quy định cụ thể giá đã gồm chi phí bao bì, chi phí bốc hàng chưa (nếu giao hàng theo điều kiện CIF thì quy định chi phí dỡ;hàng).
Việc thanh toán tiền hàng được quy định tại Điều 55 và 56 của Luật Thương mại 2005 do các bên thỏa thuận, thông thường sẽ thanh toán trực tiếp hoặc theo thỏa thuận. Việc thanh toán có thể chia thành nhiều đợt, số tiền cụ thể cho mỗi đợt thanh toán.
Điều khoản giải quyết tranh chấp và luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế
Tranh chấp phát sinh từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế có thể là toà án hoặc trọng tài nước ngoài. Vấn đề ngoại ngữ lại được đề cập nếu muốn chủ động tranh tụng tại tòa án hoặc trọng tài nước ngoài.
Luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mang tính chất phức tạp và đa dạng. Điều này có nghĩa là: hợp đồng thương mại quốc tế; có thể phải chịu sự điều chỉnh không phải chỉ của luật pháp nước đó mà cả của luật nước ngoài (luật nước người bán, luật nước người mua hoặc luật của bất kỳ một nước thứ ba nào), thậm chí phải chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế hoặc cả án lệ (tiền lệ pháp) để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Theo Điều 45 CISG nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, trong thương mại quốc tế, các bên có quyền tự do thỏa thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại hoặc tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả các án lệ (tiền lệ xét xử). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là nên chọn nguồn luật nào, làm thế nào để chọn được nguồn luật thích hợp nhất để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình.
Theo quy định tại Điều 33 BLTTDS 2015, Tòa án kinh tế thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.
Ngoài ra, còn có thể giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng phương thức trọng tài theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Công ty luật Minh Khuê - Sưu tầm
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.