1. Khái quát vai trò của Nhà nước

Một là, Nhà nước có vai trò đặc biệt không thể thay thế trong việc thông qua hoạt động của cơ quan lập pháp xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người; nội luật hoá các công ước và các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý cho việc tôn trọng và đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của con người. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhà nước phải chỉ đạo các nhà lập pháp tuân thủ nguyên tắc là các quy phạm pháp luật phải tạo cơ hội bình đẳng cho việc tiếp cận và hưởng thụ quyền của mọi người dân. Nhà nước cũng là chủ thể duy nhất có quyền can thiệp, giải quyết, xử lý mọi hành vi vi phạm quyền con người.

Hai là, Nhà nước thông qua hoạt động của các cơ quan hành pháp, hiện thực hóa các quy định của pháp luật trong đời sống bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của con người. Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch bố trí nguồn lực về con người, tài chính thực hiện quyền con người.

Ba là, thông qua hoạt động của các cơ quan tư pháp bảo đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

2. Vai trò trong hoạt động lập pháp

Có thể nói, xây dựng Hiến pháp và luật có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, vì không có pháp luật thì không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người, cũng bởi lẽ “không có gì thúc đẩy sự vi phạm quyền con người hơn là tình trạng thiếu pháp luật hoặc pháp luật dựa trên những cơ sở không khoa học”, và do vậy, hoạt động lập hiến và lập pháp là cơ sở ban đầu, tiền đề cho các hoạt động đảm bảo quyền con người tiếp theo của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và cửa chính cá nhân, công dân. Quốc hội xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, đồng thời cũng xây dựng cơ sở, tiền đề cho việc hình thành các cơ chế bảo đảm quyền con người. Đối với bất kỳ cơ chế bảo đảm quyền con người nào, yếu tố pháp lý đều đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở pháp lý do Quốc hội xây dựng, mỗi cơ chế bảo đảm quyền con người xây dựng các quy tắc, nguyên tắc, biện pháp để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Quốc hội không chỉ xây dựng Hiến pháp, pháp luật - cơ sở của các cơ chế, mà còn trực tiếp xây dựng các cơ chế bảo đảm quyền con người, do đó nhiều cơ chế bảo đảm quyền con người được quy định trong các văn bản pháp luật. Không những thế, Quốc hội còn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Vai trò đó thể hiện ở việc Quốc hội thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện, đảm bảo quyền con người nói chung, hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người nói riêng. Trong trường hợp có cơ chế bảo đảm quyền con người hoạt động không hiệu quả, Quốc hội có thể xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng những cơ chế mối đảm bảo cho việc thực hiện và đảm bảo quyền con người có hiệu quả.

Quốc hội đã thể chế hóa các nội dung về quyền con người, quy định các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các quyền con người. Chỉ tính từ giữa năm 1992 (là thời điểm Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực thi hành) đến hết năm 2008, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 547 văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các văn bản này đã quy định một cách khá đầy đủ và toàn diện về quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... cũng như về cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó.

Ở Việt Nam Quốc hội không chỉ đơn thuần là cơ quan lập pháp, mà còn là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, bao gồm quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó bao gồm cả chính Quốc hội.

Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao thực thi đúng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động. Trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và thực hiện quyền con người; có nhiều việc rất thành công được dư luận trong nước và quốc tế thừa nhận, đánh giá cao (như vấn đề đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo,...). Ðó là những thực tế không ai có thể xuyên tạc được.

Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội đã thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, coi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bảo đảm cho luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện trong thực tế. Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua các hình thức: xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát chuyên đề một số lĩnh vực; giám sát cụ thể một số vụ việc quan trọng; tiến hành chất vấn,...

3. Vai trò trong hoạt động hành pháp

Là một trong những chủ thể của quyền con người, Chính phủ đóng vai trò đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, hoạt động của chính phủ có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc đảm bảo, thúc đẩy và phát triển quyền tự do dân chủ của công dân. Có quan điểm cho rằng, cơ chế bảo bảo nhân quyền, xét cho cùng, trách nhiệm trước tiên thuộc về Chính phủ, cụ thể là các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của cán bộ, công chức nhà nước.

Vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người thể hiện ở chỗ, trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật do Quốc hội xây dựng; những chủ trương, định hướng lớn xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách, biện pháp, chương trình... trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế, tôn giáo, dân tộc, v.v... để đảm bảo quyền con người. Chẳng hạn như: xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ban ngành nhằm đảm bảo quyền con người, xây dựng cơ chế khu vực về đảm bảo quyền con người; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tận tâm phục vụ nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề bảo vệ quyền con người; xây dựng các chiến lược tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người...

4. Vai trò của các cơ quan tư pháp

Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ quyền con người. Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những nhân tố quan trọng của cơ chế bảo đảm quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người thông qua cơ chế Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân chỉ khi có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân công dân và lợi ích của Nhà nước, của chế độ. So vối Quốc hội và Chính phủ, vai trò của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tập trung nhiều đến hoạt động và hiệu quả của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Cụ thể là, hai cơ quan này chú trọng đến bảo vệ quyền con người, xử lý các vi phạm về quyền con người. Bên cạnh đó, từ góc độ tư pháp, các cơ quan này cũng xây dựng những cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn như cơ chế Tòa án độc lập, cơ chế thẩm phán độc lập trong khi xử án...

Trong bộ máy nhà nước ta, vị trí của Tòa án nhân dân được thể hiện tại Điều 102 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất được Hiến pháp và pháp luật trao chức năng xét xử. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án nhân dân nhân danh nhà nước đưa ra các phán quyết để quyết định trực tiếp tới sinh mệnh, chính trị, kinh tế của con người cụ thể do đó, đóng vai trò vô cùng quan trọng và trực tiếp trong việc bảo đảm các quy định về quyền con người không bị xâm phạm.

Để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý nói chung và bảo vệ quyền con người nói riêng, trong hoạt động xét xử của mình, tòa án phải tuân theo những nguyên tắc nhất định mà hầu hết được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc thực hiện các nguyên tắc đó chưa thống nhất, có nguyên tắc không được thực hiện hay thực hiện không đúng dẫn đến nhiều phiên tòa không đạt được mục đích.

Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự và phát biểu ý kiến; thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế, bảo vệ quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự được thể hiện trên hai phương diện: Một là, đấu tranh chống tội phạm, phát hiện kịp thời để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với người phạm tội xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp, trong đó có các quyền của con người. Hai là, bảo đảm các quyền của con người (của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người bị kết án) không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

5. Kết luận

Như vậy, Nhà nước có vai trò chủ đạo trong cơ chế bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người (QCN), tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi mục tiêu, động lực của sự phát triển là vì con người, do con người”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người đã trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ QCN, minh bạch hóa trách nhiệm nhà nước đã được thẩm thấu vào trong quy trình xây dựng luật pháp và chính sách về QCN, góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm QCN.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)