1. Khái quát về luật nhân đạo quốc tế

Có nhiều định nghĩa về luật nhân đạo quốc tế, tuy nhiên, một cách chung nhất có thể hiểu đây là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang (mang tính chất quốc tế và không mang tính chất quốc tế) để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh). Khởi nguồn cho sự hình thành luật nhân đạo quốc tế là cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội hai nước Áo và Pháp diễn ra tại Solferio (miền Bắc nước Italia) vào tháng 6 năm 1859. Những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ngành luật này là hai ông Henry Dunant và Guillaume-Henri Dufour. Sau khi chứng kiến cảnh hàng vạn người lính của hai bên tham chiến bị chết và bị thương nằm la liệt trên chiến trường mà không được ai chăm sóc trong trận chiến Solferio, Henry Dunant đã khởi xướng ý tưởng thành lập một Uỷ ban quốc tế giúp đỡ thương binh trong cuốn sách “Kỷ niệm về trận Solferino” xuất bản vào năm 1862. Năm 1864, Chính phủ Thụy Sĩ, bị thuyết phục bởi năm thành viên sáng lập Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế, đã triệu tập Hội nghị Ngoại giao quốc tế với sự tham dự của đại diện 12 nước tại Giơnevơ. Hội nghị này đã thông qua Công ước Giơnevơ (I) về cải thiện tình trạng của thương binh trên chiến trường. Công ước này đã khai sinh ra một ngành luật mới - luật nhân đạo quốc tế, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình pháp điển hoá những tập quán nhân đạo trong chiến tranh vào pháp luật quốc tế. Công ước quy định nghĩa vụ của các bên tham chiến trong việc chăm sóc mọi thương, bệnh binh mà không phân biệt đối xử, cũng như trong việc tôn trọng các nhân viên, phương tiện vận chuyển và thiết bị y tế có mang biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng. Kể từ Công ước Giơnevơ (I) năm 1864, Luật nhân đạo quốc tế đã phát triển thành một hệ thống hàng trăm văn kiện điều chỉnh ngày càng nhiều vấn đề cụ thể trong hoạt động cứu trợ nhân đạo cho những nạn nhân chiến tranh và hạn chế việc phát triển và sử dụng các loại vũ khí, phương tiện và biện pháp tiến hành chiến tranh. Trụ cột của luật nhân đạo quốc tế hiện nay là bốn Công ước Giơnevơ năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế (Công ước Giơnevơ (I) về cải thiện tình trạng của thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Giơnevơ (II) về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; Công ước Giơnevơ (III) về đối xử với tù binh chiến tranh; Công ước Giơnevơ (IV) về bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh) và hai Nghị định thư năm 1977 bổ sung các công ước này. Cũng giống như luật nhân quyền quốc tế, bên cạnh các điều ước mà chỉ có hiệu lực ràng buộc các quốc gia thành viên, tất cả các bên tham chiến trong một các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới còn chịu sự ràng buộc bởi luật tập quán quốc tế (international customary law) về chiến tranh. Theo Công ước Viên về Luật Điều ước, luật tập quán quốc tế là những nguyên tắc cư xử chung được các quốc gia thừa nhận và tuân thủ như là các quy phạm pháp lý quốc tế, cho dù các nguyên tắc này không được thể hiện trong các điều ước cụ thể. Về vấn đề này, vào năm 2005, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế đã ấn hành một nghiên cứu toàn diện có tên gọi là “Nghiên cứu về Luật tập quán nhân đạo quốc tế” (Customary International Humanitarian Law Study), trong đó xác định những nguyên tắc và quy tắc cụ thể được xem là luật tập quán quốc tế có hiệu lực ràng buộc với tất cả các bên tham chiến trong mọi cuộc xung đột vũ trang, bất kể các bên đó có là thành viên của các Công ước Giơnevơ năm 1949 và hai nghị định thư năm 1977 hay không. Các nguyên tắc này bao gồm: Thứ nhất: Những người không tham chiến hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu phải được tôn trọng về sinh mạng, được bảo đảm toàn vẹn về thân thể và nhân phẩm. Trong mọi trường hợp, các đối tượng đó phải được bảo hộ và đối xử nhân đạo mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Thứ hai: Nghiêm cấm giết hoặc gây thương tích cho đối phương khi họ đã quy hàng hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Thứ ba: Người bị thương hoặc bị ốm của bên đối phương cũng phải được thu gom và chăm sóc. Các nhân viên y tế, các trạm y tế, phương tiện vận chuyển và trang thiết bị y tế phải được tôn trọng và bảo vệ. Biểu tượng Chữ Thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng là dấu hiệu bảo hộ những người và phương tiện y tế và phải được tôn trọng. Thứ tư: Tù binh và dân thường bị phía đối phương bắt giữ phải được tôn trọng về sinh mạng, phẩm giá, các quyền và tự do, kể cả niềm tin về chính trị, tín ngưỡng và tôn giáo. Cấm các hành động bạo lực hoặc trả thù đối với họ và phải bảo đảm quyền của họ được liên lạc với gia đình và được tiếp nhận sự cứu trợ. Thứ năm: Mỗi người đều có quyền được hưởng các bảo đảm pháp lý cơ bản. Không ai phải chịu trách nhiệm về những việc mà họ không thực hiện. Không được tra tấn về thể chất và tinh thần, dùng nhục hình, đối xử tàn bạo hoặc làm mất nhân phẩm đối với họ. Thứ sáu: Các bên tham chiến và thành viên các lực lượng vũ trang phải hạn chế sử dụng các biện pháp và phương tiện chiến tranh mà gây ra những tổn hại không cần thiết hoặc sự đau đớn quá mức với đối phương. Thứ bảy: Các bên tham chiến phải luôn luôn phân biệt giữa dân thường và các công trình dân sự với các mục tiêu quân sự. Không được coi dân thường và các công trình dân sự là mục tiêu tấn công. Chỉ được tấn công vào các mục tiêu quân sự.

2. Những điểm giống nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù là hai ngành luật quốc tế độc lập, luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế có khá nhiều điểm chung: Thứ nhất, cả hai ngành luật này đều nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Cụ thể, cả hai ngành luật đều có những quy định về cấm tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc nhục hình, về các quyền cơ bản của con người trong tố tụng hình sự, về việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em… Thứ hai, cả hai ngành luật này có chung một số nguyên tắc cơ bản, cụ thể như nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc tôn trọng tính mạng, phẩm giá con người… Thứ ba, cả hai ngành luật này có một số điều ước và văn kiện quốc tế áp dụng chung (cả văn kiện hoặc một số điều khoản trong các văn kiện), ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, Nghị định thư tùy chọn bổ sung công ước này về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang hay Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế… Thứ tư, cả hai ngày luật này đều xác định chủ thể có nghĩa vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc thực thi luật là các quốc gia thành viên.

3. Những điểm khác nhau cơ bản giữa luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù có nhiều điểm chung, song luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế cũng có những điểm khác biệt như sau: Thứ nhất, mỗi ngành luật được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau, theo những cách thức khác nhau. Cụ thể, luật nhân đạo quốc tế được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XIX bởi những nỗ lực của Hiệp hội Chữ Thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - một tổ chức có tư cách phi chính phủ. Các văn kiện của ngành luật này chủ yếu được thông qua tại các Hội nghị ngoại giao quốc tế. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế mới được hình thành và phát triển sau khi Liên hợp quốc ra đời (1945), chủ yếu do những nỗ lực của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc – một tổ chức có tư cách liên chính phủ. Thứ hai, luật nhân đạo quốc tế chỉ áp dụng trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ ttrang (có hoặc không có tính chất quốc tế), trong khi luật nhân quyền quốc tế được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh hòa bình hoặc chiến tranh. Thứ ba, một số nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế. Ví dụ, những khía cạnh về hành vi thù địch, hành động tham chiến, địa vị của tù binh chiến tranh và của thường dân, quy chế bảo vệ của biểu tượng chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ…Tương tự, một số nội dung của luật nhân quyền quốc tế không thuộc về phạm vi điều chỉnh của luật nhân đạo quốc tế. Ví dụ, các quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền bầu cử hay quyền đình công... Thứ tư, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ các nạn nhân chiến tranh bằng cách cố gắng giảm thiểu những tổn hại và đau đớn do chiến tranh gây ra với con người; trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ mọi con người bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sự tham gia của họ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Thứ năm, luật nhân đạo quốc tế quan tâm trước hết tới việc đối xử với những người nằm trong vòng kiểm soát của đối phương và việc giới hạn những phương pháp, phương tiện tiến hành chiến tranh của các bên tham chiến. Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế quan tâm trước hết đến việc hạn chế quyền tự do hành động vô nguyên tắc của các nhà nước đối với các công dân của họ và những người khác đang sinh sống trên lãnh thổ hay thuộc quyền tài phán của nước họ. Thứ sáu, luật nhân đạo quốc tế bảo vệ những thường dân bị kẹt trong hoàn cảnh xung đột vũ trang, thông qua các nguyên tắc về tiến hành chiến tranh (nguyên tắc phân biệt giữa chiến binh và dân thường, giữa các mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự; nguyên tắc cấm tấn công dân thường và các mục tiêu dân sự, cấm tấn công các mục tiêu quân sự nếu có thể gây ra những tổn hại không cân xứng đối với dân thường hay các mục tiêu dân sự..). Trong khi đó, luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tất cả mọi cá nhân trong mọi hoàn cảnh thông qua những tiêu chuẩn quốc tế về các quyền và tự do của con người.

4. Đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế

Là một ngành luật quốc tế độc lập, luật nhân quyền quốc tế có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng. Về đối tượng điều chỉnh, luật nhân quyền quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể truyền thống của luật quốc tế chung (các nhà nước và tổ chức quốc tế) trong việc ghi nhận, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người ở mọi cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, trong một số bối cảnh, luật nhân quyền quốc tế còn điều chỉnh cả mối quan hệ giữa các nhà nước và cá nhân công dân liên quan đến việc bảo đảm thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Một ví dụ về điều này đó là việc các ủy ban giám sát các công ước quốc tế về nhân quyền hoặc các tòa án nhân quyền khu vực ( ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi) tiếp nhận, xem xét và giải quyết đơn tố cáo của các cá nhân cho rằng họ là nạn nhân của những hành động vi phạm quyền con người do các chính phủ của họ gây ra. Về phương pháp điều chỉnh, về cơ bản, luật nhân quyền quốc tế hiện vẫn áp dụng những phương pháp điều chỉnh chung của luật quốc tế, trong đó đặt trọng tâm vào các biện pháp vận động, gây sức ép quốc tế. Các biện pháp cưỡng chế (trừng phạt về quân sự, ngoại giao, kinh tế) mặc dù về nguyên tắc có thể sử dụng nhưng rất ít khi được áp dụng do những phức tạp chung trong quan hệ quốc tế.

5. Nguồn của luật nhân quyền quốc tế

Mặc dù vẫn còn những tranh cãi nhất định, song quan niệm chung cho rằng, nguồn của luật quốc tế nói chung, trong đó bao gồm luật nhân quyền quốc tế, bao gồm: (i) Các điều ước quốc tế (chung hoặc riêng); (ii) Các tập quán quốc tế; (iii) Các nguyên tắc pháp luật chung được các dân tộc văn minh thừa nhận (iv) Các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và quan điểm của các chuyên gia pháp luật có uy tín cao. Xét riêng về luật nhân quyền quốc tế, những nguồn cụ thể sau đây thường được sử dụng:

- Các điều ước quốc tế (công ước, nghị định thư, có hiệu lực toàn cầu hay khu vực) về quyền con người do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và thành viên của các tổ chức liên chính phủ khác thông qua. Đây là những văn kiện có hiệu lực ràng buộc với các quốc gia đã tham gia.

- Các nghị quyết có liên quan đến vấn đề quyền con người do các cơ quan chính và cơ quan giúp việc của Liên hợp quốc thông qua. Trong số này, chỉ có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an là có hiệu lực pháp lý bắt buộc.

- Các văn kiện quốc tế khác về quyền con người (các tuyên bố, tuyên ngôn, khuyến nghị, nguyên tắc, hướng dẫn…) do Liên hợp quốc và các tổ chức liên chính phủ khác thông qua. Hầu hết các văn kiện dạng này không có hiệu lực ràng buộc pháp lý với các quốc gia, tuy nhiên, có một số văn kiện, cụ thể như UDHR, được xem là luật tập quán quốc tế, và do đó, có hiệu lực như các điều ước quốc tế.

 - Những bình luận, khuyến nghị chung (với mọi quốc gia) và những kết luận khuyến nghị (với những quốc gia cụ thể) do ủy ban giám sát các công ước quốc tế về quyền con người đưa ra trong quá trình xem xét báo cáo của các quốc gia về việc thực hiện những công ước này, cũng như trong việc xem xét các đơn khiếu nại về việc vi phạm quyền con người của các cá nhân, nhóm cá nhân. Mặc dù về mặt pháp lý, những tài liệu dạng này chỉ có tính chất khuyến nghị với các quốc gia, song trên thực tế, chúng được xem là những ý kiến chính thức giải thích nội dung của các điều ước quốc tế về quyền con người và thường được các quốc gia tôn trọng, tuân thủ.

- Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế và một số tòa án khu vực về quyền con người.

 - Quan điểm của các chuyên gia có uy tín cao về quyền con người mà được thể hiện trong các sách và tài liệu chuyên khảo được các cá nhân và cơ quan nghiên cứu nhân quyền thường xuyên trích dẫn.