Mục lục bài viết
- 1. Công ty A cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào khi thực hiện giao dịch nêu trên?
- 1.1 Quy định về giao dịch giữa Công ty mẹ và công ty con
- 1.2 Những lưu ý khi ký hợp đồng mua bán giữa công ty mẹ và công ty con
- 1.3 Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
- 1.4 Quy định về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
- 2. Phương án giao dịch nào là hiệu quả nhất đối với các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con
Kính gửi Luật sư!
Công ty A là công ty đại chúng. Công ty A đang có dự định ký hợp đồng mua nhiều lô hàng là máy móc, thiết bị văn phòng từ công ty B. Tổng giá trị hàng hóa dự kiến mua là 10.000.000.000 VNĐ, Công ty B hiện là cổ đông sở hữu 80% tổng số cổ phần phổ thông của công ty A. Báo cáo tài chính gần nhất của công ty A thể hiện tổng giá trị tài sản là 15.000.000.000 VNĐ. Công ty A đang có nhu cầu được tư vấn về:
1. Công ty A cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào khi thực hiện giao dịch nêu trên?
2. Phương án giao dịch nào là hiệu quả nhất cho công ty A, liên quan đến các nghĩa vụ và thủ tục mà công ty A phải thực hiện tại công ty và với cơ quan quản lý (nếu có).
Tôi xin chân thành cảm ơn!
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật doanh nghiệp 2020
- Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Công ty A cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào khi thực hiện giao dịch nêu trên?
1.1 Quy định về giao dịch giữa Công ty mẹ và công ty con
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020 về Công ty mẹ, công ty con như sau:
“Điều 195. Công ty mẹ, công ty con
1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Đối chiếu với trường hợp trên, công ty B hiện đang là cổ đông sở hữu 80% tổng số cổ phần của công ty A. Do vậy, công ty B được xác định là công ty mẹ của công ty A.
1.2 Những lưu ý khi ký hợp đồng mua bán giữa công ty mẹ và công ty con
Thứ hai, về vấn đề ký hợp đồng mua bán giữa công ty A và công ty B:
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
“Điều 196. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con
...
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.”
Như vậy, về mặt pháp lý, công ty mẹ và công ty con được xác định là hai pháp nhân có tư cách độc lập. Do vậy, hai công ty được thực hiện các giao dịch, giao kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hàng hóa, tài sản, cung cấp dịch vụ bình thường theo quy định.
Trong trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Trường hợp này, người quản lý công ty mẹ phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. (Theo khoản 3, 4 Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020).
Về việc Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan, căn cứ theo quy định tại Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
“Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan
1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:
a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.
3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:
a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
4. Trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3 Điều này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật này, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
5. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng với quy định tại Điều này; người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
6. Công ty phải công khai hợp đồng, giao dịch có liên quan theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Theo đó thì đối với những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Trường hợp trên, báo cáo tài chính gần nhất của công ty A thể hiện tổng giá trị tài sản là 15.000.000.000 VNĐ trong khi tổng giá trị hàng hóa dự kiến mua trong hợp đồng là 10.000.000.000 VNĐ. Do vậy, hợp đồng mua bán này nếu muốn được thực hiện thì phải được sự chấp thuận thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông công ty A.
Trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Trường hợp này, cổ đông là công ty B (cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch) không có quyền biểu quyết. Hợp đồng, giao dịch trên được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 148 của Luật doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
1.3 Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
Tại Điều 3 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
2. Cơ quan thuế quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không công nhận các giao dịch liên kết không theo nguyên tắc giao dịch độc lập làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết đó để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định của Nghị định này.”
Tại Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
...”
Trường hợp trên, công ty B là cổ đông sở hữu 80% tổng số cổ phần phổ thông tại công ty A, có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào công ty A. Do vậy, có thể xác định các bên tham gia trong giao dịch mua bán này là các bên có quan hệ liên kết.
Theo đó thì người nộp thuế có giao dịch liên kết phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
1.4 Quy định về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Tại Điều 15 Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin bất thường trên thị trường chứng khoán như sau:
Điều 15. Công bố thông tin bất thường
1. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin bất thường trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Thông tư này.
2. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
a) Quyết định tăng, giảm vốn điều lệ;
b) Quyết định góp vốn đầu tư vào một tổ chức, dự án, vay, cho vay hoặc các giao dịch khác với giá trị từ 10% trở lên trên tổng tài sản của công ty tại báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất đối với trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ);
c) Quyết định góp vốn có giá trị từ 50% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức (xác định theo vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp trước thời điểm góp vốn).”
Trường hợp Công ty A là công ty đại chúng quy mô lớn và hợp đồng mua bán trên được Đại hội đồng cổ đông ra quyết định chấp thuận thì công ty A phải thực hiện việc công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện.
2. Phương án giao dịch nào là hiệu quả nhất đối với các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con
Như đã phân tích ở trên thì đối với những hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Về việc Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 167 Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định:
“Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan
1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:
a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.
...”
Theo đó thì Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.
Do vậy, để có thể thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong các bước để triển khai thực hiện được hợp đồng mua bán với công ty B nhưng vấn đúng quy định của pháp luật thì công ty A có thể tách ra thành các hợp đồng mua bán khác nhau, đảm bảo giá trị hợp đồng nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất để chuyển thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng quản trị thay vì của Đại hội đồng cổ đông.
Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.