Theo tiến sĩ Lê Văn Hảo, Phòng Tâm lý học Văn hoá, Viện Tâm lý học, việc cha mẹ dùng cách mắng mỏ, đánh đập để dạy con là một cách làm phản khoa học. Lần đầu bị đánh, trẻ có thẻ sợ hãi nhưng lâu dần những trận đòn đó cũng thành quen, trẻ trở nên "miễn dịch", không thấy sợ khi bị đánh.

"Một số phụ huynh cho rằng trừng phạt trẻ sẽ làm trẻ sợ, không dám tái phạm hành vi phạm sai lầm nữa mà không biết rằng mỗi việc làm của mình đều mang lại những hậu quả", tiến sĩ Hảo nói.

Tất cả những hành vi gây đau đớn về thể xác và tinh thần đều được gọi là trừng phạt, như: mắng, chửi, sỉ vả, đay nghiến, đánh, cấm cái mà trẻ thích, đuổi hoặc dọa đuổi ra khỏi nhà, dọa nạt. Chung quy lại chúng được chia làm hai loại là phạt về thể chất và cảm xúc, theo tiến sĩ Hảo.

Những trừng phạt về về thể chất có thể gây đau đớn cho trẻ, thậm chí có thể gây thương tích. Hơn nữa, trẻ sẽ thấy bố mẹ thật ác, thật đáng ghét, thấy bị tổn thương vì thế trở xa lánh, né tránh chính người thân của mình. Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết.

Về mặt cảm xúc, khi nghe những câu mắng như: "Mày là đồ ăn hại, chết đi, sống để làm gì hay đồ ngu"..., trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, bị hạ thấp lòng tự trọng và cảm thấy tự ái.

"Bạn cho rằng khi nói với con: "Mày là đồ bỏ đi", trẻ sẽ chẳng hiểu gì vì là trẻ con. Thực tế trẻ sẽ thấy mình ít có giá trị, thù ghét bản thân và người khác, thậm chí tin mình là kẻ bỏ đi và hành xử như một kẻ bỏ đi", tiến sĩ Hảo nói.

Việc trừng phạt trẻ rõ ràng không mang lại hiệu quả về lâu dài, nhưng tại sao cha mẹ vẫn thường dùng ?

Theo tiến sĩ Hảo trước hết vì những trừng phạt đó dễ, nhanh và mang lại hiệu quả tức thời đó là trẻ sẽ dừng ngay việc mà người lớn không muốn lại. Hơn nữa với một số người có thói quen giận cá chém thớt, thì đó cũng là một cách để thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực của mình với con cái hoặc cũng có thể do không biết cách kỷ luật theo hướng tích cực.

Một số người lớn coi trọng chữ "ngoan ngoãn", "dễ bảo" và không chấp nhận khi trẻ dám cãi lại người lớn, sai một tý là bị mắng, bị đánh. Sống trong môi trường như thế, trẻ thường bị động, phụ thuộc và mất dần niềm say mê, sự sáng tạo.

 "Sự sáng tạo không phải lúc nào cũng do trẻ tuân thủ, đi đúng hướng, đúng quy củ, mà đôi khi từ sai lầm. Vì thế điều mà cha mẹ nên tâm niệm là: mắc lỗi là bình thường, là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Chúng ta không khuyến khích trẻ mắc lỗi, nhưng hãy kiểm soát hành vi của mình, để tránh lạm dụng trừng phạt", tiến sĩ Hảo nói.

Trước khi áp dụng bất cứ hình thức trừng phạt nào cho con trẻ, cha mẹ hãy tự hỏi mình: "Làm thế có tốt cho con về lâu dài", "Mình có thực sự mong muốn đối xử như thế này với con", "Khi còn nhỏ, mình mong muốn điều gì". Cha mẹ hãy đặt mình vào tình huống của trẻ để hiểu con và để hiểu mình hơn, từ đó cân nhắc xem nên làm gì khi trẻ mắc sai lầm vì "ngày xưa mình cũng từng phạm sai lầm như thế".

Bộ phận tư vấn tâm lý - Công ty Luật Minh Khuê (sưu tầm)

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, phổ biến. Nếu có điều gì cần chia sẻ, trợ giúp về tâm lý quý khách hãy gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý :   1900.6162   chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng bạn tháo gỡ khó khăn !