Mục lục bài viết
1. Nợ xấu có ảnh hưởng như thế nào?
Ảnh hưởng của nợ xấu tới năng lực cạnh tranh của ngân hàng
Nợ xấu ngân hàng tác động trực tiếp tới các ngân hàng thương mại. Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới thước đo năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập.
- Phản ánh năng lực cạnh tranh của ngân hàng:
Năng lực tài chính là một trong những tiêu chuẩn góp phần cấu thành nên năng lực cạnh tranh của một ngân hàng thương mại. Nợ xấu làm giảm khả năng sinh lời của vốn, tài sản cũng như kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngân hàng. Kéo theo đó là sự suy giảm năng lực nhân sự, giảm tỷ lệ an toàn vốn.
Nợ xấu báo hiệu tình trạng hoạt động cho vay của ngân hàng đang giảm sút; Hiệu quả tín dụng thấp; Khả năng thanh khoản kém; Lãi suất giảm,...Đây là những dấu hiệu cho thấy độ tín nhiệm của ngân hàng đang dần giảm sút. Ngân hàng dần mất đi khả năng mở rộng và phát triển thị phần. Giảm uy tín và năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
- Giảm lợi nhuận và đứng trước nguy cơ mất vốn:
Nợ xấu kéo theo gánh nặng về tài chính cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng không thu hồi được tiền gốc cho vay và tiền lãi đúng hạn. Ngân hàng đứng trước nguy cơ mất vốn rất cao.
- Năng lực thanh toán của ngân hàng bị giảm sút:
Không thu hồi được các khoản vay đúng hạn dẫn đến hao hụt nguồn tài chính cho các ngân hàng. Những dịch vụ chi trả cho khách hàng như tiền gửi tiết kiệm, cho vay, luân chuyển nguồn vốn,...bị ảnh hưởng đáng kể. Trường hợp xấu nhất, ngân hàng buộc phải tiến hành sáp nhập hoặc phá sản.
- Ảnh hướng tới sự phát triển của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại:
Nợ xấu kéo theo hiệu ứng tâm lý. Khách hàng lo sợ rủi ro nên đồng loạt rút tiền trên thị trường, dẫn đến khủng hoảng tín dụng không thể khắc phục. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên biến động của hệ thống ngân hàng ở nhiều mức độ..
Trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài ngày một gia tăng, cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng trở nên rất khốc liệt. Đây cũng là thời điểm các ngân hàng thương mại trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chiếm được thị phần khách hàng.
Ảnh hưởng của nợ xấu tới tài chính cá nhân
Nợ xấu gây hại cho ngân hàng và tổ chức tài chính, đồng thời cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tài chính của cá nhân. Cụ thể, những cá nhân rơi vào nhóm nợ xấu sẽ chịu hậu quả sau:
- Chịu phí phạt trả nợ trễ hạn: Khoản phạt thanh toán nợ trễ hạn được quy định cụ thể trong hợp đồng vay vốn. Càng trễ hạn lâu thì phí phạt càng lớn.
- Bị hạ điểm tín dụng và ghi nhận nợ xấu trên hệ thống credit score của CIC: Các ngân hàng và tổ chức tín dụng luôn tham khảo lịch sử tín dụng của khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính vì thế nếu bạn bị CIC ghi nhận đang nợ xấu thì không ngân hàng nào duyệt hồ sơ vay vốn của bạn.
Với cá nhân thuộc nhóm nợ 1 và 2 hoặc nợ dưới 10 triệu thì chỉ cần thanh toán nợ xong là được xóa tình trạng nợ xấu. Riêng các nhóm nợ xấu 3, 4 và 5 dù bạn trả xong nợ thì cũng phải đợi 5 năm sau mới được xóa thông tin tiêu cực này.
Ảnh hưởng của nợ xấu ngân hàng đối với nền kinh tế
Nợ xấu không chỉ có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả quốc gia. Ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của đất nước.
Nợ xấu kéo theo những hệ luỵ làm suy giảm sự phát triển, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đe dọa tới nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.
Điều này càng nghiêm trọng hơn khi hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ. Nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu ngân hàng chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, buộc phải siết chặt việc cho vay sẽ làm tắc nghẽn dòng vốn hoạt động, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng tác động tích cực đến phát triển nền kinh tế. Nếu nợ xấu của một ngân hàng phát triển theo chiều hướng xấu và không được giải quyết kịp thời, ngân hàng có thể đổ vỡ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
2. Nợ xấu ngân hàng có được đi xuất khẩu lao động không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động năm 2020 quy định điều kiện của người lao động do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài như sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
- Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, tại Điều 36 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như sau:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
- Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
- Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
- Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
- Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
- Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
- Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật chỉ những công dân nằm trong các trường hợp được nêu trên thì mới bị hạn chế quyền xuất cảnh. Theo đó điểm chung của hầu hết các trường hợp trên là vì công dân đó đang bắt buộc phải thực hiện một nghĩa vụ với Nhà nước hay với một cá nhân, tổ chức; hoặc vì lý do khách quan đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Việc hạn chế đối với những đối tượng này nhằm giúp cho tiến trình quản lý người dân được dễ dàng hơn. Trong quy định trên cần lưu ý, công dân sẽ bị hạn chế xuất cảnh khi có ” những nghĩa vụ khác về tài chính” và trường hợp nợ xấu ngân hàng cũng được coi là nghĩa vụ khác về tài chính. Tuy nhiên khi vay tiền ở ngân hàng nếu như bạn có có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ không thuộc trường hợp bị hạn chế xuất cảnh.
Từ các lý do trên, có thể thấy khi có nợ xấu ngân hàng bạn sẽ bị hạn chế xuất cảnh nếu thuộc vào trường hợp khoản vay này đến hạn mà bạn chưa trả được và không có tài khoản đảm bảo cho khoản vay. Hoặc nếu bạn không có tài sản đảm bảo, đến thời hạn mà không trả nợ và Ngân hàng đã khởi kiện bạn thì chưa được xuất cảnh do đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự. Để đảm bảo chắc chắn để có thể đi xuất khẩu lao động bạn nên trả hết khoản nợ xấu ở ngân hàng để không bị hạn chế xuất cảnh. Bởi khi bạn bị hạn chế xuất cảnh bạn sẽ không đủ điều kiện để đi xuất khẩu lao động.
3. Nợ ngân hàng có trốn nợ được không?
Vì nhiều lý do mà có nhiều trường hợp khách hàng vay không có khả năng chi trả, dẫn đến trả nợ quá hạn, nhiều người còn nghĩ đến trốn nợ ngân hàng. Đây cũng là vấn nạn nan giải của nhiều ngân hàng cho vay vốn hiện nay, đặc biệt là vay vốn tiêu dùng không thế chấp. Khi xảy ra nợ xấu, ngân hàng sẽ có nhiều cách để đòi nợ:
Nhắc nhở nhẹ nhàng trong thời gian đầu
Đối với những đối tượng vay ngân hàng có ý định trả nợ quá hạn. Thời gian đầu, những ngân hàng sẽ có hình thức nhắc nhở nhẹ. Và tùy thuộc vào thái độ của đối tượng vay mà xử lý theo các phương án khác nghiêm khắc hơn.
Đe dọa bằng luật pháp
Vì có nhiều khách hàng phớt lờ hoặc xem nhẹ những lời nhắc nhở trong thời gian đầu. Cho nên các ngân hàng cho vay tín chấp thường sẽ sử dụng đến luật pháp với các trường hợp có ý định bùng nợ ngân hàng. Những người vay tín chấp mà cố tình không trả nợ sẽ bị kiện ra tòa xử lý theo luật cướp đoạt tài sản.
Hình thức đòi nợ đe dọa
Hình thức đòi nợ đe dọa (còn gọi là đòi nợ xấu) được áp dụng với trường hợp người vay vay với khoản tiền quá lớn và có thái độ không hợp tác giải quyết, cố tình không trả nợ cho ngân hàng. Thực tế, đây là cách giải quyết bất đắc dĩ và không được pháp luật cho phép.
Vì thế, khi gặp vấn đề tài chính phải trả nợ chậm hạn, dẫn đến nợ xấu, người vay nên sớm liên hệ với ngân hàng để được giải quyết. Các ngân hàng hiện nay thường tạo điều kiện tốt cho khách hàng vay vốn có cơ hội trả nợ bằng việc kéo dài thời gian nợ, giảm phí phạt trả muộn hoặc hỗ trợ bán tài sản đảm bảo, tài sản giá trị lấy tiền vốn bù nợ.
Xem thêm: Nợ xấu nhóm 4, 5 là gì? Nợ xấu có được vay tiền ngân hàng không?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Nợ xấu ngân hàng có được đi xuất khẩu lao động không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!