Mục lục bài viết
- 1. Ô nhiễm môi trường biển là gì?
- 2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là gì?
- 3. Vai trò của quốc gia ven biển đối với ô nhiễm do tàu thuyền gây ra
- 4. Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường biển do ô nhiễm tàu thuyền gây ra
- 4.1. Pháp luật Việt Nam
- 4.2. Pháp luật Hoa Kỳ
- 4.3. Bình luận
- 5. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường biển do tàu thuyền gây ra
- 5.1. Pháp luật Việt Nam
- 5.2. Pháp luật Hoa Kỳ
- 5.3. Bình luận
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Cơ sở pháp lý căn cứ quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có thể phân tích chi tiết như sau:
1. Ô nhiễm môi trường biển là gì?
Điều 1 Khoản 4 Công ước luật biển năm 1982 giải thích ô nhiễm môi trường biển là “việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biển đối chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và giảm sút các giá trị mĩ quan của biển"
2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, có thể xuất phát từ các yếu tố tự nhiên (mưa, gió, lốc xoáy, núi lửa phun trào, bang tan…) nhưng chủ yếu vẫn là do các hoạt động phát thải của con người gây ra. Cụ thể, dưới đây là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển:
- Do nguồn thải từ các hoạt động của dân cư ven biển;
- Do nguồn thải từ các phương tiện giao thông đường biển;
- Do nguồn thải từ hoạt động du lịch ven biển;
- Do nguồn thải của hoạt động nuôi trồng thủy hải sản;
- Do nguồn thải từ hoạt động khai thác khoáng sản;...
3. Vai trò của quốc gia ven biển đối với ô nhiễm do tàu thuyền gây ra
Vai trò của quốc gia ven biển trong vấn đề bảo vệ môi trường biển từ tàu thuyền theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định thư 1978 (International Convention for the Prevention of Pollution from Ships, MARPOL)) được thể hiện qua việc nghiêm cấm bất kỳ sự vi phạm của bất kỳ tàu nào đối với quy định của MARPOL trong phạm vi quyền hạn của mình. Khi vi phạm xảy ra, quốc gia đó phải xử lý theo pháp luật quốc gia mình hoặc báo cho chính quyền hàng hải của tàu biết thông tin và các bằng chứng xác nhận vi phạm đó xảy ra. Theo đó, trong phạm vi quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có quyền đưa ra quy định và thực thi những quy định đó đối với những tàu mang cờ quốc gia khác có vi phạm. Như vậy, là một quốc gia ven biển thành viên của MARPOL, Việt Nam cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến vấn đề này, từ đó ban hành pháp luật cho phù hợp. Hệ thống pháp luật phải làm sao để vừa bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo cam kết quốc tế, vừa tận dụng được quyền của mình để bảo vệ môi trường biển trong khu vực.
4. Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường biển do ô nhiễm tàu thuyền gây ra
4.1. Pháp luật Việt Nam
Trong pháp luật Việt Nam, quy định phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền được thể hiện tản mạn ở các văn bản như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật cảnh sát biển Việt Nam năm 2018
Quy định hiện hành về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền chỉ mang tính tổng quát. Những quy định này có thể áp dụng trực tiếp MARPOL. Tuy nhiên, một vấn đề khác cần quan tâm, đó chính là chế tài cho những hành vi không tuân thủ quy định gây ô nhiễm môi trường biển. MARPOL trao quyền cho các quốc gia quyết định vấn đề này. Theo đó, tác giả cho rằng Việt Nam nên có những quy định chế tài cụ thể để tăng khả năng bảo đảm thi hành MARPOL cũng như pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra tàu biển nhằm quy định về kiểm tra điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển Việt Nam. Như vậy, văn bản này dành riêng áp dụng cho việc kiểm tra các tàu thuyền nước ngoài. Theo đó, văn bản đưa ra các trường hợp được xem là có bằng chứng rõ ràng để cơ quan có thẩm quyền được quyền lên tàu kiểm tra thay vì chỉ được kiểm tra Giấy chứng nhận do quốc gia mà tàu đăng ký cung cấp. Quy định này giúp cho khả năng kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền được nâng cao hơn và dễ dàng thực hiện hơn trên thực tế.
Theo tác giả, tách việc kiểm tra tàu Việt Nam và tàu nước ngoài ra thành hai loại và có những quy định riêng cụ thể cho kiểm tra tàu nước ngoài là hợp lý và cần thiết bởi lẽ, tàu thuyền trong nước khi đăng ký đã phải tuân thủ các quy định pháp luật trong nước, trong khi tàu thuyền nước ngoài được đăng ký từ nhiều quốc gia khác nhau, với nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu khác nhau. Vì vậy, để tránh vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần có những quy định riêng cho kiểm tra tàu thuyền nước ngoài.
Ngoài ra, hiện nay chưa có một văn bản nào quy định cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với tàu thuyền nhằm bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường khi hoạt động hoặc để hạn chế xảy ra tai nạn tàu thuyền gây ô nhiễm môi trường biển. Những quy định này sẽ được áp dụng trực tiếp từ Công ước MARPOL. Như vậy, các tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn mà MARPOL đưa ra. Đây là tiêu chuẩn quốc tế chung được đa số các quốc gia trên thế giới chấp nhận, mà các tàu thuyền đi biển quốc tế phải biết rõ và thực hiện. Tác giả cho rằng, việc áp dụng trực tiếp các tiêu chuẩn do MARPOL đưa ra là hợp lý và không cần thiết phải nội luật hóa những tiêu chuẩn này vào pháp luật trong nước. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể về chế tài cho những vi phạm, nhằm bảo đảm quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển này.
4.2. Pháp luật Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một trong số những quốc gia có hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường khá dày đặc, cụ thể cho từng lĩnh vực. Hệ thống pháp luật này cũng chứa đựng nhiều điểm tiến bộ mà các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo. Là một trong những quốc gia thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, Hoa Kỳ tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề này. Riêng về môi trường biển, Hoa Kỳ là thành viên của Công ước MARPOL và Phụ lục I, II, III, V, VI; Công ước London về Ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm; các điều ước quốc tế khu vực như Công ước về Bảo vệ và phát triển môi trường biển của vùng Caribbean (Công ước Cartagena) và những điều ước quốc tế song phương liên quan. Bên cạnh đó, mặc dù chưa phê chuẩn UNCLOS, nhưng Hoa Kỳ vẫn cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước này theo hai cách: (i) thông qua những tuyên bố chính sách và luật được soạn thảo theo UNCLOS; (ii) những cam kết Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các quy định trong Công ước do thực tế rằng các quy định đó đã trở thành một tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi.
Hệ thống pháp luật quốc gia của Hoa Kỳ liên quan đến phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền bao gồm các văn bản sau: Đạo luật chính sách môi trường quốc gia năm 1969 (National Environmental Policy Act, NEPA); Đạo luật nước sạch năm 1972 (Clean Water Act, CWA); Đạo luật ô nhiễm dầu năm 1990 (Oil Pollution Act, OPA); Đạo luật ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền năm 2000 (Act to prevent pollution from ships, APPS); và Đạo luật vận chuyển vật liệu nguy hiểm (Hazardous Material Transportation Act, HMTA).
Theo pháp luật Hoa Kỳ, vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền được thể hiện ở các văn bản như CWA, OPA, và APPS nhằm mục đích nội luật hóa MARPOL và các phụ lục I, II, V và VI. Tuy nhiên, theo tác giả, thì việc tuân thủ MARPOL của Hoa Kỳ vượt cả những quy định và mong đợi của MARPOL.
Thứ nhất, APPS áp dụng cho tất cả các tàu treo cờ của Hoa Kỳ trên toàn cầu và cho tất cả các tàu đăng ký ở nước ngoài hoạt động trong vùng nước có thể điều hướng của Hoa Kỳ hoặc trong khi ở cảng thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ. Như vậy, Hoa Kỳ đã tận dụng MARPOL để thực hiện thẩm quyền của mình như một quốc gia ven biển và quốc gia có cảng biển để bảo vệ vùng biển của mình khỏi ô nhiễm do tàu thuyền từ nước ngoài.
Thứ hai, APPS yêu cầu tất cả tàu thuyền đi vào vùng biển của Hoa Kỳ phải có ghi chép lộ trình chính xác của mọi hoạt động xả thải hoặc trong một số trường hợp phải có Sổ ghi dầu. Nếu một tàu từ quốc gia khác, hay được sở hữu bởi công ty nước ngoài, hay có đội ngũ thuyền viên nước ngoài, khi vào vùng biển Hoa Kỳ, Cảnh sát biển Hoa Kỳ là cơ quan có thẩm quyền áp dụng và thực thi chính thức APPS và có thể sẽ kiểm tra lộ trình của mọi hoạt động xả thải. Hoa Kỳ không có thẩm quyền đối với một tàu mang cờ nước ngoài với bất kỳ vi phạm nào của MARPOL xảy ra ngoài giới hạn thẩm quyền của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với quy định trên, lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ có thể thường xuyên kiểm tra lộ trình của mọi hoạt động xả thải trong quá trình kiểm tra của nhà nước tại cảng để xác định sự phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ và MARPOL và bảo đảm rằng các tàu không phải là một mối đe dọa về môi trường đối với các cảng và vùng nước của Hoa Kỳ. Cảnh sát biển Hoa Kỳ có trách nhiệm thực thi pháp luật của Hoa Kỳ và được ủy quyền để lên tàu và tiến hành kiểm tra và điều tra khả năng vi phạm. Cảnh sát biển được ủy quyền để kiểm tra Sổ ghi dầu của tàu để xác định, liệu tàu có thiết bị phòng ngừa ô nhiễm và các thủ tục thích hợp và liệu tàu đã thải bất kỳ hỗn hợp dầu hoặc dầu nào vi phạm MARPOL, APPS, hoặc bất kỳ quy định hiện hành nào của Liên bang. Nếu tìm thấy bằng chứng rằng tàu không tuân thủ đáng kể với MARPOL hoặc APPS, Cảnh sát biển được trao quyền để từ chối cho tàu đó nhập cảnh vào cảng Hoa Kỳ hoặc tạm giữ tàu nếu đã vào cảng rồi. Đội Cảnh sát biển cũng phải báo cáo với Văn phòng luật sư của Quận nơi mà chiếc tàu có thể bị kiểm tra tất cả các nghi ngờ về vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
Theo tác giả, đây là những quy định tiến bộ bởi những lý do sau đây:
Một là, MARPOL có quy định thẩm quyền cho các quốc gia có cảng biển được quyền kiểm tra Giấy chứng nhận của các tàu thuyền nước ngoài khi tàu cập cảng của mình. Với quy định này, Hoa Kỳ chẳng những kiểm tra Giấy chứng nhận mà còn buộc các tàu phải có thêm Sổ ghi chép mọi hoạt động xả thải và kiểm tra việc ghi chép đó. MARPOL cũng nói rõ sự kiểm soát này chỉ dừng lại ở việc xác nhận có Giấy chứng nhận có giá trị trên tàu, trừ khi có những bằng chứng rõ ràng là trạng thái của tàu hoặc trang thiết bị của nó về cơ bản không đúng với những số liệu ghi trong Giấy chứng nhận. Như vậy, về nguyên tắc, Hoa Kỳ không được lên tàu kiểm tra nếu như không có bằng chứng rõ ràng về sự vi phạm. Tuy nhiên, khi kiểm tra Sổ ghi chép mọi hoạt động xả thải, Hoa Kỳ có thể có nguyên nhân chính đáng để lên tàu kiểm tra vi phạm hoặc điều tra khả năng vi phạm.
Hai là, quy định này giúp Hoa Kỳ hạn chế hành vi gây ô nhiễm của tàu thuyền cả trong và ngoài vùng biển của Hoa Kỳ. UNCLOS cũng cho phép các quốc gia được ban hành quy định pháp luật của quốc gia mình nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Vì vậy, việc đưa thêm yêu cầu này cho các tàu thuyền nước ngoài không làm Hoa Kỳ đi trái với các cam kết quốc tế của mình.
4.3. Bình luận
Với quy định hiện tại của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền của Việt Nam còn bị giới hạn trong các vùng nước cảng biển Việt Nam. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của Hoa Kỳ để tăng thêm thẩm quyền kiểm tra điều tra vi phạm của mình đối với tàu thuyền nước ngoài. Quy định này không khó để áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, quy định này đòi hỏi năng lực của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan quản lý các cảng biển. Vì vậy, để quy định này được thực hiện hiệu quả, Việt Nam cần nâng cao kiến thức về kỹ thuật liên quan đến tàu thuyền và các hoạt động xả thải cũng như tiêu chuẩn do MARPOL đưa ra.
5. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường biển do tàu thuyền gây ra
Trong vấn đề này, tác giả đánh giá rằng các quy định về trách nhiệm hình sự là đáng chú ý nhất. Bởi lẽ, việc quy định này có hiệu quả và nghiêm khắc sẽ tạo ra tính răn đe và tâm lý tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường biển đối với mỗi cá nhân, tổ chức có liên quan.
5.1. Pháp luật Việt Nam
Trách nhiệm hình sự về môi trường hiện nay chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và được quy định chung cho tất cả các loại ô nhiễm, chưa có quy định riêng cho tội phạm về môi trường biển. Với tính chất đặc thù, tội phạm môi trường biển, theo tác giả cần được tách riêng và cụ thể hóa các hành vi phạm tội. Cá nhân phạm tội sẽ phải chịu hình phạt theo khung hình phạt của từng tội phạm, nhưng vì không tách riêng tội phạm môi trường biển, nên chưa có quy định cụ thể những cá nhân nào bị xem là phạm tội. Bởi lẽ pháp luật hình sự Việt Nam chỉ quy định “người nào thực hiện những hành vi sau thì bị xử lý”, vậy còn những cá nhân có liên quan như thuyền trưởng tàu vi phạm, chủ tàu, chủ doanh nghiệp vận tải, hoặc những cá nhân có liên quan khác thì sao?
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định những hình phạt sau đây: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Những hình phạt này liệu có hiệu quả và thực hiện được với pháp nhân thương mại nước ngoài như các công ty chủ tàu, chủ doanh nghiệp vận tải?
Tóm lại, pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, đặc biệt dành cho tàu thuyền nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam còn nhiều thiếu sót và chưa thỏa đáng. Trong nhiều trường hợp, quy định chỉ áp dụng hiệu quả với tổ chức, cá nhân Việt Nam chứ không thể áp dụng với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Ngoài ra, các quy định về bảo vệ môi trường biển cũng chưa được tách riêng ra trong thể các quy định về bảo vệ môi trường nói chung, chưa thoả đáng với tính chất riêng của loại ô nhiễm này. Mặc dù đã có Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều quy định cần phải cụ thể hóa.
5.2. Pháp luật Hoa Kỳ
Theo quy định trong CWA thì việc vi phạm do “không cẩn thận” vẫn bị xem là một hành vi phạm tội. Dĩ nhiên, vi phạm khi nhận biết rõ hành vi sẽ là một trọng tội. Việc không thông báo về việc xả thải có thể bị phạt tù đến năm (05) năm. Tuy nhiên, trong vụ kiện Exxon Valdez, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ phát hiện ra một trong số những điểm yếu đáng kể của hệ thống pháp luật lúc bấy giờ là sự vắng mặt của “dầu” trong định nghĩa về chất gây ô nhiễm “nước sạch” của Đạo luật Nước sạch và sự thiếu vắng một điều khoản hình sự trong Đạo luật Nước sạch trừng phạt những người gây tràn dầu.
OPA sửa đổi và bổ sung các điều khoản về hình phạt dân sự và hình sự của Đạo luật Nước sạch. Những vấn đề hay điểm yếu của Đạo luật Nước sạch trong việc xử lý các sự cố tràn dầu đã được giải quyết bởi Đạo luật Ô nhiễm dầu. Đạo luật Ô nhiễm dầu năm 1990 (OPA) giải quyết các vấn đề liên quan đến ngăn ngừa, đáp ứng và trách nhiệm chi trả cho ô nhiễm dầu.
OPA cũng sử dụng án phạt hình sự khá nghiêm khắc để hạn chế cũng như trừng phạt các hành vi gây ô nhiễm biển do tràn dầu. Cụ thể, một vi phạm do thiếu nghiêm túc, không cẩn thận có thể bị phạt tù lên đến một (01) năm có hoặc không kèm theo tiền phạt. Một vi phạm cố ý có thể bị phạt tù lên đến ba (03) năm có hoặc không kèm theo tiền phạt. Bất kỳ vi phạm cố ý nào mà vào thời điểm đó đặt người khác vào trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc tổn thương cơ thể nghiêm trọng, khi bị kết án, sẽ bị phạt tù lên đến mười lăm (15) năm có hoặc không kèm theo tiền phạt. Với câu chữ trong quy định, OPA không giới hạn bất kỳ chủ thể vi phạm nào, kể cả người Mỹ, người trên tàu treo cờ Hoa Kỳ hay trên tàu đến và cập bến tại Hoa Kỳ. OPA sẽ được sử dụng để thực thi thẩm quyền xét xử của Hoa Kỳ ngoài phạm vi quyền tài phán địa lý dành cho một quốc gia ven biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Nó cũng sẽ đưa vào phạm vi quyền tài phán hình sự của Hoa Kỳ một nhóm người trước đây ngoài tầm với của thẩm quyền đó, bao gồm các nhân viên quản lý của công ty có trách nhiệm.
Theo APPS, chủ tàu và thuyền trưởng có thể bị phạt nếu không có lộ trình của mọi hoạt động xả thải. Những vi phạm đối với APPS có thể bị truy tố bởi Bộ phận Tội phạm môi trường của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Vì những lẽ trên, nhiều chủ tàu và các nhà quản lý kỹ thuật đã trở nên chủ động hơn trong việc tuân thủ MARPOL. Những nỗ lực này có thể dưới hình thức nâng cấp thiết bị hoặc thay đổi kỹ thuật trong phòng động cơ với nỗ lực ngăn ngừa việc xả không đúng cách.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ tạo ra cơ chế “người tố giác” khi Tòa án sẽ trao phần thưởng cho người nào tố giác các hành vi vi phạm, nhằm cung cấp bằng chứng rằng đã có những hành vi xả thải bất hợp pháp đã không được ghi chép lại trong lộ trình của tàu một cách chính xác.
Ví dụ như vụ truy tố Công ty tàu Efploia và Aquarosa. Efploia là một công ty gốc Hy Lạp đăng ký ở Malta, vận hành con tàu bị cho là gây ô nhiễm. Aquarosa – một công ty Đan Mạch là chủ tàu. Tàu khởi hành từ Trung Quốc, dừng ở Singapore, Brazil, Hà Lan và cuối cùng dừng tại cảng Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ. Trong suốt hành trình, một thủy thủ đoàn tên Salvador Lopez (quốc tịch Philippine) đã chụp lại hành động xả thải bằng điện thoại di động rồi thông báo và cung cấp cho Cảnh sát biển Hoa Kỳ những hình ảnh đó, cũng như chỉ chỗ những dụng cụ, thiết bị dùng để xả thải. Hoa Kỳ đã sử dụng những thông tin của Lopez và thực hiện truy tố thành công chủ tàu và người điều hành cũng như kỹ sư trưởng (người này đã chịu ba tháng tù giam), vì đã có lộ trình xả thải không phù hợp. Tổng số tiền phạt lên đến 1,85 triệu USD. Riêng Lopez được thưởng 555,000 USD.
Theo Điều 33 U.S.C. 1908 (a), cố ý vi phạm các điều khoản của MARPOL là tội phạm loại D và có thể bị phạt lên đến 10 năm tù và phạt tiền đến $ 250,000 cho một cá nhân và $ 500,000 cho một công ty, cho mỗi vi phạm. Một chiếc tàu vi phạm điều khoản của MARPOL có thể bị bắt giữ và bán đi để đáp ứng bất kỳ hình phạt nào. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể thu hồi quyền thông quan của tàu khi có lý do hợp lý để tin rằng tàu, chủ sở hữu, người khai thác hoặc người phụ trách có thể bị phạt tiền hoặc hình phạt dân sự vì vi phạm MARPOL theo APPS.
Như vậy, điều đáng chú ý nhất của pháp luật Hoa Kỳ trong vấn đề bảo vệ môi trường biển từ tàu thuyền chính là truy tố trách nhiệm hình sự với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ ô nhiễm (không chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân có quốc tịch Hoa Kỳ), kể cả kỹ sư trưởng của tàu đó, làm cho tất cà những chủ thể có liên quan đến việc xả thải đó đều phải biết nghĩa vụ của mình và có trách nhiệm với việc mình làm và cả việc của người khác. Ngoài vi phạm về xả thải trong vùng biển của Hoa Kỳ thì việc xả thải ở ngoài vùng biển của Hoa Kỳ mà không có ghi chép đầy đủ trong lộ trình xả thải cũng có thể bị truy cứu. Hoa Kỳ đã tận dụng tối đa, thậm chí vượt mong đợi của MARPOL khi thực hiện thẩm quyền của quốc gia có cảng biển trong việc thực thi MARPOL. Với cơ chế “người tố giác”, Hoa Kỳ cũng đã rất thành công trong việc phát hiện ra một cách nhanh chóng, cũng như có đủ bằng chứng để khởi tố các vi phạm đó ra trước tòa.
5.3. Bình luận
Trong tương quan so sánh với pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền còn sơ sài, thậm chí chưa hề có quy định cụ thể mà chủ yếu dựa vào quy định chung đối với bảo vệ môi trường. Vì thế tác giả đề xuất có thêm quy định xác định chủ thể chịu trách nhiệm với ô nhiễm biển bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại. Bên cạnh đó, cần quy định chi tiết hơn các tội phạm về môi trường cho từng loại ô nhiễm cụ thể, như trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề xuất có hẳn những quy định riêng cho tội phạm gây ô nhiễm môi trường biển trong quá trình vận hành tàu thuyền như pháp luật Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, các chế tài cụ thể cho từng hành vi phạm tội cũng vô cùng cần thiết, phải được quy định rõ ràng và nghiêm khắc để nâng cao tính răn đe. Riêng cơ chế “người tố giác”, tác giả cho rằng chúng ta cũng có thể tham khảo và cân nhắc áp dụng trên tinh thần đi sát với thực tế kiểm tra tàu thuyền nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Cơ chế này phải được đi đôi với các khoản tiền phạt đối với người vi phạm. Chúng ta phải bảo đảm thu được các khoản phạt, để trích ra thưởng cho người tố giác. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ nên được áp dụng sau khi pháp luật Việt Nam đã có những quy định hết sức rõ ràng về tội phạm môi trường biển cùng các chế tài hiệu quả.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập